Đường mía nhập lậu tiếp tục hoành hành

Bất chấp các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam, hàng chục tấn đường mía lậu - chủ yếu là đường Thái Lan đang liên tiếp được tuồn vào thị trường nước ta.

Từ tháng 2/2023 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh, vận chuyển đường cát Thái Lan có dấu hiệu nhập lậu. Số hàng hóa thu giữ trong khoảng thời gian trên là gần 60 tấn đường.

Hơn chục tấn đường mía Thái Lan nhập lậu bị phát hiện.

Hơn chục tấn đường mía Thái Lan nhập lậu bị phát hiện.

Ngày 25/3/2023, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP.HCM phối hợp với Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thành phố và Công an Phường 2, Quận 6 kiểm tra tại điểm chứa trữ và kinh doanh hàng hóa thuộc Hộ kinh doanh Diệu Thy, số 82B Đường Cao Văn Lầu, Phường 2, Quận 6.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 530 bao tương đương 26,5 tấn đường tinh luyện các loại. Số hàng hóa này còn nguyên bao bì chưa qua sử dụng, có xuất xứ từ Thái Lan.

Đáng lưu ý, trên bao bì sản phẩm không thể hiện ngày sản xuất, hạn sử dụng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu chất lượng kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết trên 450 triệu đồng. Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 23/02/2023, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP. HCM kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Thái Hoàng Dũng tại đường Chu Văn An, Phường 1, Quận 6 và hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thùy Oanh tại đường Gia Phú, Phường 3, Quận 6.

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện và tạm giữ 22,25 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất và 16,8 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ tại 02 hộ kinh doanh. Lô hàng có tổng trị giá trên 676 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số đường cát trên. Đồng thời khai nhận, số hàng hóa kinh doanh tại cửa hàng được mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường. Một số được đóng vào bao bì giấy dầu không có nhãn hiệu, không có nhãn hàng hóa, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đường nhập lậu không nhãn mác, xuất xứ có khả năng gây hại cho sức khỏe người dân.

Đường nhập lậu không nhãn mác, xuất xứ có khả năng gây hại cho sức khỏe người dân.

Cũng trong tháng 2/2023, Đội QLTT số 18, Cục QLTT TP. HCM đã phát hiện, thu giữ gần 12 tấn đường cát nhập lậu trên địa bàn quản lý. Cụ thể, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh địa chỉ số 15/4E ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn do ông Nguyễn Trùng Dương làm Giám đốc, lực lượng chức năng đã tạm giữ 9.950kg đường cát do Thái Lan sản xuất có dấu hiệu nhập lậu.

Cùng thời điểm, kiểm tra Hộ kinh doanh không có đăng ký tên hộ kinh doanh tại địa chỉ số 43/8 ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn do bà Thái Thị Lan làm đại diện, tổ công tác khác thuộc Đội QLTT số 18 cũng đã tạm giữ 1.650 kg đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu.

Đã đến lúc phải xem xét gia tăng hình phạt đối với các cá nhân, tổ chức có hành động coi thường pháp luật, tiếp tay cho hàng hóa nước ngoài phá hoại nền sản xuất và nỗ lực phục hồi của ngành mía đường Việt Nam.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/duong-mia-nhap-lau-tiep-tuc-hoanh-hanh-681378.html