Đường mới mang Tết vui về rẻo cao Canh Giao

Những câu chuyện về Tết ở làng Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, Bình Định) mà người dân chỉ biết đến men rượu của trước đây chỉ đã lùi vào quá vãng. Năm nay, đường mới đã mở, lưu thông thuận lợi, Tết ở đây cũng trở nên mới hơn.

Từ lời hứa của chủ tịch tỉnh với dân

Canh Giao là căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Muốn đến làng Canh Giao chỉ có duy nhất con đường độc đạo từ trung tâm xã Canh Hiệp đi qua thôn 4, xã Ða Lộc, huyện Ðồng Xuân (Phú Yên) nhưng đường đi rất xấu.

Đường vào làng Canh Giao vừa được xây dựng vào giữa năm 2024.

Đường vào làng Canh Giao vừa được xây dựng vào giữa năm 2024.

Thời trước, người trong làng có ai sinh hay ốm đau bệnh tật đều phải "tự túc" ở làng hoặc dùng xe máy chở đi ra trung tâm huyện. Quãng đường rất xa, những ngày mưa gió khiến làng Canh Giao gần như chia cắt với bên ngoài. Cũng do vậy mà nhiều người bệnh tật không thể vượt qua được số phận.

Thấu những khó khăn mà người dân phải chịu đựng, năm 2023, huyện Vân Canh đã dành hơn 6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một số đoạn đường bê tông, dần hoàn thiện hệ thống đường giao thông nhằm rút ngắn khoảng cách giữa Canh Giao với các vùng khác. Dẫu vậy, trên tuyến vẫn còn nhiều đoạn thuộc xã Đa Lộc (Phú Yên) chưa được xây dựng.

Trong nhiều chuyến đi về làng Canh Giao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn trăn trở về những khó khăn ở đây, về những thiệt thòi mà người dân ở vùng căn cứ cách mạng này phải chịu đựng.

Tháng 4/2024, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ khánh thành công trình cấp điện đến làng Canh Giao, giúp người dân tiếp cận được gần hơn với những thông tin, chính sách của Đảng, Nhà nước. Điện có rồi nhưng đường còn chưa thuận. Khó khăn vẫn còn, niềm vui với người dân Canh Giao đã đến nhưng chưa trọn vẹn.

Với mong muốn đời sống bà con nhân dân đỡ vất vả hơn, ông Phạm Anh Tuấn hứa sẽ kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây dựng đoạn đường từ xã Đa Lộc vào làng, xây dựng trạm phát sóng di động tại đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) chia sẻ niềm vui với bà con làng Canh Giao từ khi có điện. Lời hứa của ông về đường mới cho người dân cũng thành hiện thực.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) chia sẻ niềm vui với bà con làng Canh Giao từ khi có điện. Lời hứa của ông về đường mới cho người dân cũng thành hiện thực.

Và lời hứa ấy đã nhanh chóng thành hiện thực. Ngay tháng 5/2024, con đường mới được đầu tư xây dựng với quy mô chiều dài tuyến 3,3km. Thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B miền núi; bề rộng mặt đường 3,5m. Tuyến đường được bố trí các điểm tránh xe, các công trình ATGT và phụ trợ khác như biển báo, cọc tiêu. Cuối tháng 6/2024, người dân làng Canh Giao phấn khởi tạm biệt chuyện vượt đèo, lội suối.

Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, chia sẻ, việc hoàn thành tuyến đường đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đi vào làng Canh Giao. Người dân trong làng, nhất là giáo viên đi dạy học vào mùa mưa lũ thuận lợi hơn. Có đường mới, hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản nhộn nhịp hơn hẳn.

Tết mới từ những con đường

Trên con đường bê tông uốn lượn bám vào triền núi từ xã Đa Lộc đến làng Canh Giao, sắc xuân ngập tràn trên mỗi góc bếp, nếp nhà. Năm đầu tiên đón Tết có đường mới, điện mới, chúng tôi chứng kiến được niềm vui hiện rõ trong ánh mắt của người dân nơi đây.

Ô tô vào tận làng, không còn câu chuyện chỉ biết đến rượu và rượu trong ngày Tết, nhiều người đã đi mua sắm nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi về trang bị cho gia đình. Họ cùng trang hoàng đường sá, treo cờ Tổ quốc, bắt đèn nhấp nháy, cùng tụ họp xem thông tin thời sự.

Làng Canh Giao giờ đây, ô tô đã vào được tận làng.

Làng Canh Giao giờ đây, ô tô đã vào được tận làng.

Bà Đinh Thị Gánh, người dân làng Canh Giao, vui mừng kể, tôi vẫn nhớ cha mẹ tôi lúc còn sống ao ước có điện, đường. Từ ngày giải phóng đất nước đến nay dân làng mới có điện lưới quốc gia, nay đường đến làng đã được đổ bê tông thẳng tắp. Chúng tôi vui mừng và cảm ơn Đảng, Nhà nước, lãnh đạo quan tâm giúp dân làng.

Trưởng làng Canh Giao Nguyễn Văn Thanh cho hay, làng hiện có 72 hộ dân với khoảng 207 nhân khẩu. Người dân sống chủ yếu dựa vào trồng rừng, bình quân mỗi hộ có khoảng 5ha diện tích nương rẫy. Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, đặc biệt từ khi có điện, có đường, đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây.

Đời sống văn hóa của người dân làng Canh Giao thay đổi rõ rệt từ khi có điện, có đường.

Đời sống văn hóa của người dân làng Canh Giao thay đổi rõ rệt từ khi có điện, có đường.

"Nhiều hộ đã mạnh dạn mua sắm phương tiện, máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất để giảm bớt sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao mức thu nhập. Nhờ đó, đời sống dân trí, dân sinh cải thiện đáng kể, có một cái Tết ấm no, an vui", anh Thanh phấn khởi nói.

Ông Huỳnh Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Canh thông tin, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho làng Canh Giao. Đặc biệt là xây dựng các công trình thiết yếu, phục vụ đời sống, sinh hoạt của bà con. Với bước ngoặt lịch sử này, hy vọng nơi đây sẽ ngày càng phát triển, khởi sắc hơn nữa.

Rời làng Canh Giao khi bóng đêm dần xuống, phía sau lưng, điện đã bừng sáng. Bừng niềm tin về một cuộc sống mới của người vùng cao từ... những con đường.

Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/duong-moi-mang-tet-vui-ve-reo-cao-canh-giao-192250201103317444.htm