Đường mới Niger

Ngày 22-12, theo kế hoạch, nước Pháp hoàn thành việc rút các đơn vị quân đội của mình cùng tất cả trang thiết bị quân sự kèm theo ra khỏi Niger-một quốc gia nằm ở Tây Phi. Toàn bộ số quân nhân Pháp từng đồn trú tại Niger vào khoảng hơn 1.500 người.

Dải Sahel từ mùa hè vừa qua lại trở thành khu vực nóng bỏng trên “lục địa đen”. Ngày 26-7, tại Niger, một nhóm quân nhân trong Lực lượng Vệ binh do Tư lệnh Abdourahamane Tchiani đứng đầu, đã tiến hành đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Ngày 10-8, để điều hành quốc sự, tướng Tchiani đã ký quyết định thành lập Hội đồng Dân tộc Cứu quốc do chính ông đứng đầu. Một trong những quyết định đầu tiên mà hội đồng này đưa ra là hủy bỏ thỏa thuận với Paris về việc cho phép lực lượng quân sự Pháp đồn trú ở Niger để “đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố”. Những người đảo chính cũng yêu cầu trục xuất Đại sứ Pháp tại Niger. Chính phủ Pháp thoạt tiên tỏ ra cứng rắn, không chấp nhận những yêu cầu từ Niamey, nhưng trước một sự đã rồi ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, chỉ tới cuối tháng 9 đã phải quyết định triệu hồi Đại sứ. Và từ ngày 10-10, các đơn vị quân đội Pháp đầu tiên đã khăn gói rời khỏi Niger cùng tất cả trang thiết bị quân sự. Ngày 22-12 được xác định là thời hạn cuối cùng để đất nước Niger không còn một quân nhân Pháp nào đồn trú nữa.

 Bản đồ thể hiện Niger và các quốc gia trong khu vực. Ảnh: AFP

Bản đồ thể hiện Niger và các quốc gia trong khu vực. Ảnh: AFP

Cũng cần nói thêm rằng, họa vô đơn chí, nối theo Niger cũng trong tinh thần đó là Gabon. Hai quốc gia Tây Phi này đều không muốn tiếp tục tồn tại theo kiểu lúc nào cũng phải coi các ý kiến của Paris là “duy nhất đúng”!

Ngày 4-12, Niger đã chấm dứt hợp tác quân sự với Liên minh châu Âu (EU) và hủy bỏ quyết định cho phép phái bộ EU có mặt ở Niamey. Phái bộ này với tên gọi là EUCAP Sahel Niger được thành lập từ năm 2012. Theo khẳng định của cơ quan đối ngoại chính trị của EU, mục đích của phái bộ là gia tăng an ninh nội địa của quốc gia châu Phi này và những khả năng của nó chống lại nhiều nguy cơ đe dọa khác nhau.

Niger đứng thứ bảy trên thế giới về khai thác uran. Gabon xuất khẩu nhiều dầu mỏ. Cả hai đều có vai trò quan trọng trong những quan hệ “chiếu dưới” với phương Tây. Những sự kiện vừa xảy ra ở hai quốc gia Tây Phi này được đón nhận khác nhau ở nước ngoài. EU dự định tìm cách tiếp cận với lực lượng đảo chính ở Gabon để tìm phương thức giải quyết hòa bình. Còn Niger thì bị tổ chức Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) áp đặt cấm vận và đe dọa can thiệp quân sự.

Ngày 21-11, đại diện Niger đã gửi khiếu nại tới Tòa án ECOWAS yêu cầu xóa bỏ cấm vận vì tình hình rất bi đát về nhân đạo ở nước này là do đường biên giới bị phong tỏa và do việc chấm dứt cung cấp điện từ Nigeria. Chính quyền mới ở Niger cho rằng, ECOWAS đang hành xử bất công đối với quốc gia Tây Phi này so với những gì họ đã làm với các nước cùng khu vực khác như Mali, Burkina Faso và Guinea, những nơi mà trong những năm gần đây cũng từng xảy ra các cuộc đảo chính quân sự.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ trong tương lai không muốn đoạn tuyệt với Niger. Ngày 13-12, nữ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Phi Molly Phee sau khi gặp giới lãnh đạo quân sự Niger đã thông báo: “Trong quá trình các cuộc thảo luận giữa chúng tôi, tôi đã khẳng định lại dự định của Hoa Kỳ từng phần nối lại sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh và phát triển, nếu (chính quyền Niger) thực hiện những bước thích hợp”. Hiện nay, mặc dù cả Mỹ lẫn Pháp cũng như một số đồng minh phương Tây khác đã ngừng viện trợ giúp Niger sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự, nhưng Washington vẫn duy trì sự có mặt của 1.000 quân nhân Mỹ trên lãnh thổ Niger trong các nơi đồn trú như trước kia.

Nước Pháp thực tâm không muốn để tuột khỏi tay những đối tác theo kiểu “em út” như thế, đặc biệt là đối với Niger. Và bên trong, có thể Paris vẫn đang tiếp tục những hoạt động thù địch đối với chính quyền mới ở Niger. Không ngẫu nhiên mà ngày 11-12, thủ lĩnh chính quyền chuyển tiếp ở Niamey, ông Tchiani, đã công khai lên án Paris ủng hộ các nhóm khủng bố đang hoành hành ở Niger. Trong bài trả lời phỏng vấn cho Đài Truyền hình quốc gia ORTN, ông Tchiani cảnh báo: “Không nên rưới xăng để cứu hỏa… Đám cháy của chủ nghĩa khủng bố đang nhận được xăng nhờ sự giúp đỡ mà nước Pháp dành cho nó”.

Một điều đáng lưu ý là, cũng trong bài trả lời phỏng vấn ngày 11-12, ông Tchiani bày tỏ hy vọng những “đồng minh mới” có sự hiểu biết đúng đắn về tình hình tại quốc gia này và sẽ giúp đỡ Niger chiến đấu chống lại các lực lượng khủng bố cũng như khôi phục lại nền kinh tế.

Ai sẽ là “đồng minh mới” của Niger trong cuộc chơi mới trên bàn cờ chính trị thế giới? Ngày 3-12, Bộ trưởng Quốc phòng Niger Salifu Modi đã tiếp đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Nga do Thứ trưởng Yunus-Bek Evkurov dẫn đầu. Đây là chuyến thăm đầu tiên từ Moscow sau khi tại Niger xảy ra cuộc đảo chính quân sự. Tờ Le Monde của Pháp nhận xét: “Người Nga đang ở thế có lợi hơn tại Niger, trong khi Pháp, vốn là một đồng minh được ưu tiên, ưu đãi của chế độ đã bị lật đổ lại trở thành mục tiêu của chính quyền mới”. Cũng theo Le Monde, Nga hiện đang có nhiều dự án trong khuôn khổ hợp tác với Mali, đồng minh chính của Moscow tại dải Sahel. Trong khi đó, Mali đã thông báo về dự định thành lập một liên minh với Niger và Burkina Faso.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Áo, ông Alexander Schallenberg, trong bối cảnh hiện nay, phương Tây có nguy cơ đánh mất ảnh hưởng ở châu Phi, nơi họ đang phải đối diện trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt với hai đối thủ là Nga và Trung Quốc. Ông Schallenberg cho rằng, khu vực châu Phi rất quan trọng đối với sự ổn định và an ninh của phương Tây, đặc biệt trong vấn đề người nhập cư, nên học cách khoan thai trò chuyện với “lục địa đen” chứ không nên tiếp tục duy trì thái độ ông kễnh như cũ. Khác đi, có thể từ Niger sẽ bắt đầu xóa sổ dần dần thế thượng phong của phương Tây tại “lục địa đen”.

Nguồn:https://ct.qdnd.vn/nhin-tu-ha-noi/duong-moi-niger-529586

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/632981-duong-moi-niger.html