Đường nội đô và cao tốc cùng 'chuyển động'

Năm 2024 lĩnh vực hạ tầng giao thông được đánh giá là có 'chuyển động' mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Với Bộ GTVT chỉ riêng hạ tầng cao tốc năm 2024 đã thông xe 8 dự án dọc trục Bắc Nam (chiếm khoảng 50% số km của 10 năm trước đó). Tại thành phố Hà Nội, với việc đưa vào sử dụng 26 công trình giao thông đã giúp thành phố giảm được nhiều điểm ùn tắc và tăng quỹ đất dành cho giao thông lên hai con số.

Hoàn thành 3.000 km cao tốc trong năm 2025

Tại buổi tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đầu tư, phát triển GTVT của Bộ GTVT hiện nay là công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Với lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, ông Minh cho biết, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Đến 31/12/2025 là thời điểm kết thúc phong trào thi đua này nên Bộ GTVT đang thực hiện với tinh thần “Chỉ bàn làm không bàn lùi”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đoạn qua Hà Tĩnh ngày 2/1/2025. Ảnh: V.Đức

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đoạn qua Hà Tĩnh ngày 2/1/2025. Ảnh: V.Đức

Cụ thể, Bộ GTVT đang tập trung quán triệt, tổ chức nhiều cuộc họp, thường xuyên ban hành văn bản để đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình gắn với đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, thực hành nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

“Lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu của Bộ dành nhiều thời gian kiểm tra hiện trường, làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các chủ thể tham gia huy động tối đa nguồn lực, tập trung xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối phải bảo đảm chất lượng” - ông Minh thông tin.

Bộ GTVT quyết tâm năm 2025 hoàn thành 3.000 km theo mục tiêu của Chính phủ. Ảnh: T.Đảng

Bộ GTVT quyết tâm năm 2025 hoàn thành 3.000 km theo mục tiêu của Chính phủ. Ảnh: T.Đảng

Theo Bộ trưởng GTVT, mặc dù trong năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn từ mặt bằng, nguồn vật liệu, đất đắp cho đến cơ chế tháo gỡ cho các dự án thi công, nhưng Bộ đã khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án cao tốc Bắc Nam với tổng km chiều dài hơn 600 km (bằng 50% số km cả nước phát triển trong 10 năm trước đó - PV).

Việc này vừa tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành nằm dọc hành lang cao tốc Bắc Nam. Cũng trong năm 2024, Bộ GTVT còn khởi công 10 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, để sớm cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc.

“Nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã và đang được Bộ GTVT và các Bộ ngành, địa phương tập trung xử lý, tháo gỡ, trong đó có công tác GPMB, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam. Và đến nay, về cơ bản tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 03 đến 06 tháng”, ông Minh cho hay.

Hà Nội quỹ đất dành cho giao thông tăng lên 13%

Đánh giá các kết quả nổi bật Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện trong năm 2024, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về điều tiết, tổ chức và phát triển hạ tầng GTVT theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, đã tham mưu, báo cáo Ban cán sự Đảng, Thành ủy 9 báo cáo chuyên đề tổng quát toàn bộ các chức năng nhiệm vụ quản lý của ngành GTVT; Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố phê duyệt 2 đề án gồm “Đề án giao thông thông minh” và “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh”; Chỉ đạo các phòng, đơn vị nghiệp vụ tăng cường quản lý, khai thác các công trình cầu yếu, cầu tạm; Ban hành quy định về việc quản lý và hướng dẫn áp dụng khung tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống thu soát vé tự động (AFC) liên thông…

Hạ tầng tại một nút giao thông đô thị được đầu tư đồng bộ tại TP Hà Nội. Ảnh: T.Đảng

Hạ tầng tại một nút giao thông đô thị được đầu tư đồng bộ tại TP Hà Nội. Ảnh: T.Đảng

Công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã thẩm định 145 hồ sơ đối với các dự án chuyên ngành phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông do các Chủ đầu tư triển khai trên địa bàn Thành phố; Tham gia ý kiến quy hoạch, ý kiến chuyên ngành đối với 221 hồ sơ; Kiểm tra nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng 26 công trình giao thông.

Trong số này có các công trình, dự án khi đưa vào khai thác, sử dụng đã giúp thành phố “xóa” ngay điểm ùn tắc tại tuyến đường, các nút giao hiện hữu, như dự án cải tạo, mở rộng đường An Dương - Âu Cơ - Nhật Tân, dự án cầu vượt thép bổ sung tại nút giao Mai Dịch, xén dải phân cách giữa mở thêm làn đường dành cho xe cơ giới tại đường Nguyễn Xiển - Vành đai 3, riêng với dự án cầu vượt thép bổ sung tại nút giao Mai Dịch được hoàn thành, thông xe và Sở GTVT thực hiện tổ chức, điều chỉnh lại giao thông hai đầu cầu đã giúp thành phố giảm được 2 điểm ùn tắc tại đây đã tồn tại nhiều năm nay là nút giao Mai Dịch và đầu cầu vượt phía đường Phạm Hùng dẫn lên.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, bằng các giải pháp đầu tư hạ tầng và tổ chức giao thông đồng bộ, trong 33 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm năm 2024 thành phố đã xử lý được 13 điểm (tương đương 39%). Cùng với đó, các năm trước đây quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội chỉ dưới 10% thì năm 2024 đã là 12 đến 13%.

Trọng Đảng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/duong-noi-do-va-cao-toc-cung-chuyen-dong-post1707563.tpo