Đường ống khí đốt Siberia mang lại 5 lợi thế cho kinh tế Nga, Trung Quốc
Sau khi ký hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc vào năm 2014, Nga đã bắt đầu xây dựng đường ống dẫn không chỉ kết nối các mỏ khai thác với nhà máy lọc mà còn cho phép cung cấp hàng tỷ mét khối khí đốt đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia láng giềng phía Đông Nam. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sau khi ký hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc vào năm 2014, Nga đã bắt đầu xây dựng đường ống dẫn không chỉ kết nối các mỏ khai thác với nhà máy lọc mà còn cho phép cung cấp hàng tỷ mét khối khí đốt đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia láng giềng phía Đông Nam.
Sau hơn 5 năm xây dựng, đường ống Siberia - được đặt tên theo vùng đất giàu nguồn tài nguyên của Nga - cuối cùng đã chính thức được khánh thành vào ngày 2-12.
Phát biểu tại buổi lễ được phát trên sóng truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh đây là một sự kiện nổi bật, thực sự mang tính lịch sử đối với Nga và Trung Quốc, cũng như với thị trường năng lượng toàn cầu.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng dự án này là hình mẫu của hợp tác mang lại lợi ích lẫn nhau giữa hai nước.
Đường ống “Năng lượng Siberia” có chiều dài 3.000km trải dài từ các khu vực xa xôi hẻo lánh ở Đông Siberia tới thành phố Blagoveshchensk ở biên giới, sau đó đi vào lãnh thổ Trung Quốc. Công trình này được Tổng thống Putin xem là dự án xây dựng lớn nhất thế giới. Theo hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỷ USD được hai bên ký vào năm 2014, tập đoàn Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt hàng năm khi đường ống vận hành hết công suất từ năm 2025.
Theo Gazprom, đường ống này chạy xuyên qua đầm lầy, vùng núi, khu vực hoạt động địa chấn, băng vĩnh cửu và đá với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Nhiệt độ dọc theo tuyến đường ống có nơi xuống -60 độ C như ở vùng Yakutia và dưới -40 độ C ở Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga.
Đài Sputnik đã chỉ ra 5 lợi thế mà đường ống chiến lược này sẽ làm thay đổi nền kinh tế Nga - Trung.
Một phần lớn dòng khí đốt chảy qua đường ống này sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc vì mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp của nước này tăng lên mỗi năm kể từ khi Bắc Kinh áp dụng chính sách mới chuyển đổi từ sử dụng năng lượng than đá sang khí đốt tự nhiên thân thiện với khí hậu môi trường.
Không chỉ vậy, khí đốt chảy qua đường ống “Năng lượng Siberia” cũng có thể được Nga sử dụng để tăng vị thế trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu. Các công ty Nga đang cân nhắc xây dựng một nhà máy LNG mới ở Vladivostok với việc sử dụng khí đốt tự nhiên được bơm qua đường ống mới. Sản lượng LNG từ nhà máy ở Vladivostok dự kiến sẽ được bán cho các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Đường ống mới cũng sẽ kết nối hai mỏ khí đốt ở khu vực xa xôi hẻo lánh của nước Nga là Chayanda và Kovykta tới tay người dùng cuối cùng. Lợi nhuận từ bán khí đốt có thể được dùng để hỗ trợ phát hiện và phát triển các mỏ khí mới ở Nga.
Dòng khí đốt phân phối từ các mỏ này sẽ được sử dụng tại hai nhà máy hóa dầu ở Primorsky Krai và Amur (Nga). Chúng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các thành phố lân cận cũng như toàn bộ khu vực liên quan nói chung.
Một trong những nhà máy tại thành phố Svobodny thuộc vùng Amur sẽ sử dụng lên tới 42 tỷ mét khối khí đốt dẫn qua đường ống “Năng lượng Siberia” để sản xuất các chất dẫn xuất cụ thể như helium, ethane, propane, butane, pentane và hexane. Những loại khí này có thể được các nhà nhập khẩu sử dụng trong nhiều lĩnh vực, như thăm dò không gian, năng lượng hạt nhân, nghiên cứu khoa học cơ bản, sản xuất thiết bị y tế./.
Bảo Hà(TTXVN)