Đường qua đèo RộTin khácTiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt pháPhát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022
Cách biệt với thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng chỉ bởi một con đèo rất ngắn nhưng Lũng Ngàn là một thế giới khác, một thế giới của cây rừng xanh thắm, chim rừng hót tiếng tự nhiên, suối nước tung bọt trắng xóa, gió núi vi vu, không gian trong veo, trong veo… Giữa lũng núi ấy là ngôi đền trầm mặc, linh thiêng thờ Cô Chín Thượng ngàn, thuộc tứ phủ Thánh cô trong Đạo Mẫu.
Chúng tôi đi bộ qua Đèo Rộ, lạc vào một lũng núi xanh mướt mát. Con đường bê tông mới tạo dựng chạy ngoằn ngoèo trên đá tai mèo. Xung quanh chúng tôi là bạt ngàn na phủ khắp các triền núi. Nhưng với người cựu chiến binh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bẩy thì Lũng Ngàn này không chỉ có na mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm, những chứng tích của một thời bom đạn.
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 02 và 04/8/1964 đã trở thành cái cớ để Hoa Kỳ mở màn cho chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, chiến dịch này kéo dài trong 9 năm, gây nên những tổn thất nặng nề. Ga Đồng Mỏ được coi là “cảng nổi” thứ hai của Lạng Sơn, cũng là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Từ cuối năm 1964 và năm 1965, người dân Đồng Mỏ sơ tán vào Lũng Ngàn, khi đó gọi là Nà Ngàn.
“Nhà tôi ở phía núi bên này, chỗ này là lớp học. Tôi học lớp Một, lớp Hai ở chỗ này, lớp Bốn thì học ở sườn núi kia… Chỗ này trước đây có cái cây to, mấy người ôm không xuể. Chỗ này, người ta bắn được một con gấu đen, to lắm…”.
Chúng tôi nhìn lên những triền dốc đá cheo leo, cố gắng hình dung phần nào cuộc sống của người dân Đồng Mỏ trong những tháng ngày sơ tán ở Lũng Ngàn.
“Một buổi tối cuối tháng Mười Hai năm 1972 – Ông Trần Bảy nhớ lại – tôi đang chơi với lũ bạn trong nhà thì nghe tiếng pháo bắn rát. Chúng tôi chạy ra ngoài sân thì nhìn thấy những chớp lóe liên tục nối nhau làm cho bầu trời đêm sáng rực, sau đó là hàng loạt tiếng nổ rất to… Chạy đi, chạy! Mọi người hô hoán chạy lên Hang Giếng cách đó không xa. Những tiếng nổ long trời lở đất, chưa nghe bao giờ, sau mới biết là máy bay B52 của Mỹ ném bom. Sau loạt bom ấy, là tiếng gọi í ới của bà con, ánh đèn pin loang loáng. Dân quân khẩn trương gọi nhau đi cứu những người dân và cán bộ cơ quan Huyện ủy, nơi vừa bị bom B52 đánh phá. Sáng hôm sau, tôi cùng mấy thằng bạn mò ra Đồng Mỏ, cảnh tượng thật tang thương, khu Mỏ Chảo bị san phẳng, nát bét như ruộng cày. Trên đồi Khau Cảy, lính cao xạ đứng lố nhố. Đêm hôm ấy, máy bay B52 tiếp tục ném bom Đồng Mỏ. Sáng hôm sau tôi vẫn lại cùng mấy thằng bạn trốn ra Đồng Mỏ. Ngay chân Đèo Rộ, trước sân một ngôi nhà tôi thấy có mười tám chiếc quan tài, nghe nói là để an táng bộ đội pháo binh ở đồi Khau Cảy, họ đã hi sinh đêm qua. Máy bay B52 của Mỹ tiếp tục đánh phá khu vực Đồng Mỏ thêm hai đêm nữa. Đêm thứ ba bom đánh vào ngôi trường Cấp III sơ tán ở Nà Noong, xã Thượng Cường. Đêm thứ tư chúng trút bom xuống khu Thống Nhất, khu Hòa Bình và khu vực sân vận động Đồng Mỏ. Lúc này cả xóm đã sơ tán vào tít tận Mỏ Ba Cùng, chỉ còn rất ít người ở lại trông coi nhà cửa. Đêm hôm đó thật yên tĩnh, không tiếng súng, không tiếng máy bay như báo hiệu một điều gì đó… Sáng hôm sau tôi và mấy thằng bạn lại tụ tập và quyết định ra thị trấn Đồng Mỏ nghe ngóng tình hình. Ra đến phố chúng tôi thấy khá đông người, có cả công an đứng hai bên đường từ sân vận động vào thị trấn. Trận bom đêm thứ tư đã làm cổng sân vận động đổ nát, mặt sân đầy vết hố bom. Vẫn may là còn một khoảng sân chưa bị bom cày xới, ở đó có hai dải vải to màu đỏ rải bắt chéo nhau thành hình dấu cộng. Một lúc sau trên bầu trời vang lên tiếng máy bay, rồi chiếc trực thăng chở Phó Thủ tướng Đỗ Mười đáp xuống vị trí hai dải vải đó. Phó Thủ tướng lên xe con chờ sẵn, xe rời đi về phía thị trấn. Tôi nghe người lớn nói: Hòa bình rồi! Tôi vô cùng sung sướng, chạy một mạch qua Đèo Rộ, qua Lũng Ngàn, vào tận Mỏ Ba Cùng, nơi mẹ tôi và bao người dân đang ẩn náu, vừa chạy vừa reo: Hòa bình rồi! Hòa bình rồi, mọi người ơi…”.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Mùa xuân năm 1973, người dân từ các nơi sơ tán về lại Đồng Mỏ. Lũng Ngàn lại trở về là một lũng núi hoang vu. Khoảng những năm 1980, khi cây na trở thành cây thương phẩm thì người ta bắt đầu trồng na ở Lũng Ngàn.
Con đường qua Đèo Rộ là một thử thách đối với người trồng na. Từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đô hộ vùng đất này, từng có ý định mở đường qua Đèo Rộ để vận chuyển quặng khai thác phía bên trong núi ra quốc lộ 1A. Nhưng qua khảo sát, họ đã thay đổi ý định. Thay vì làm đường bộ, họ nối dài đường sắt từ Than Muội lên Đồng Mỏ và xây dựng hệ thống đường ray trên vách núi cao, cho xe goòng vận chuyển quặng rồi thả thẳng xuống Ga Đồng Mỏ. Hiện giờ trên vách đá, vẫn còn vết tích của đường ray xe goòng. Hai mươi năm trồng na trên Lũng Ngàn là hai mươi năm người làm na mơ một con đường mà lực bất tòng tâm. Bao phân bón năm mươi cân phải chia thành từng túi nhỏ, vai đeo tay xách vượt qua con đèo dốc đứng, lởm chởm đá tai mèo. Quả na đến kỳ thu hoạch, qua vai người, xuống chân Đèo Rộ, ra đến quốc lộ 1A là thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt của người nông dân theo đúng nghĩa đen.
Ngay chân Đèo Rộ, có gia đình người cựu binh Nguyễn Văn Rơi. Anh Rơi sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nhưng duyên phận đã đưa anh đến đây, an cư lạc nghiệp. Gia đình anh Nguyễn Văn Rơi làm na ở Lũng Ngàn muộn hơn các gia đình khác do mua phần đất người khác nhượng lại. Mùa thu hoạch đầu tiên, khi gánh na qua con đèo dốc đứng cheo leo, bố con ngã dúi dụi, về đến nhà thì na thâm xì hết cả. Ý tưởng làm con đường qua Đèo Rộ đã nung nấu trong anh. Chia sẻ ý định với nhiều người, được sự thống nhất cao, đầu năm 2021 anh Rơi mời tám mươi chín hộ dân đến họp. “Tôi chỉ hỏi anh em, cô dì chú bác một câu thôi, chúng ta quyết tâm làm đường qua Đèo Rộ, ai đồng ý thì giơ tay?”, tám mươi chín cánh tay giơ cao.
Cuộc họp nhanh chóng bầu ra Ban Chỉ đạo và các tổ, nhóm. Họ bàn bạc, đưa ra phương án tỉ mỉ về kinh phí, về vật tư, thời gian, tiến độ… và sau khi thống nhất, họ bắt tay vào việc. Đầu tiên là giải phóng mặt bằng, phân giới, cắm mốc, công việc này dự kiến ít nhất trong sáu tháng. Ban Chỉ đạo lên danh sách rồi đến từng hộ dân là chủ đất của những đoạn mà con đường sẽ đi qua, trước nhất là thông báo về chủ trương làm đường, sau là vận động hiến đất. Con đường mòn cũ chỉ vừa dấu chân người, nay mong muốn được mở rộng 2,5 mét. Nếu các gia đình không tự nguyện hiến đất thì thỏa thuận về giá cả để sang nhượng lại. Thế mà rồi một trăm phần trăm các hộ dân đồng ý hiến đất làm đường, công việc giải phóng mặt bằng xong trong vòng một tháng. Thừa thắng xông lên, những người nông dân hóa thành công nhân với tay choòng tay búa, phá đá mở đường. Tám mươi chín hộ dân chia làm 4 tổ, mỗi tổ lại chia làm hai ca, thay nhau lên “công trường”, từ trẻ đến già đều góp sức, khí thế hăng say ngùn ngụt. Ban Chỉ đạo đã chi tiền mua bảy chiếc xe máy cũ, đường đổ bê tông tới đâu, xe máy có thể đi tới đó thì dùng xe máy làm phương tiện vận chuyển vật liệu. Bảy chiếc xe máy chạy cả ngày như mắc cửi.
Công cuộc làm đường qua Đèo Rộ gây được tiếng vang, bà con Đồng Mỏ nhiều người góp công góp của, bà con thôn Mỏ Ba (xã Hòa Bình) cũng nhiệt thành góp sức, chính quyền địa phương vào cuộc. Bí thư Chi bộ khu Hòa Bình, Hoàng Tắc Quắn; Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Mỏ, Linh Văn Phúc trực tiếp đến tận nơi thị sát, chỉ đạo triển khai các phương án trợ giúp bà con. Ngoài trợ giúp xi măng từ nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn của chương trình Nông thôn mới, chính quyền còn là nơi kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương hỗ trợ về máy móc, phương tiện kỹ thuật. Công ty Thượng Thành cử chuyên gia đến giúp đỡ và hướng dẫn bà con cách phá đá góp phần “thần tốc” đẩy nhanh tiến độ làm đường…
Khi tôi hỏi ước tính chi phí làm đường, bao gồm cả nhân công và vật liệu, anh Rơi lắc đầu nguầy nguậy:
– Công sức thì không biết bao nhiêu mà kể cô ơi. Làm na bao nhiêu năm nay, chúng tôi chả giàu lên được, nhưng cô xem, tám mươi chín hộ dân, mỗi hộ dân trung bình thu từ năm mươi đến trên dưới một trăm triệu, có hộ thu trên dưới hai trăm triệu tiền na một vụ, thì cô thử tính xem, một vụ na Lũng Ngàn thu nhập bao nhiêu? Cũng là một con số lớn đấy chứ? Đất không phụ người, mà người lại phụ đất hay sao? Sau vụ na, chúng tôi lại tiếp tục đấy, chắc chừng hai năm nữa thì con đường sẽ hoàn thành.
Hai năm nữa, vị chi là hơn ba năm cho một đoạn đường dài một nghìn hai trăm mét, đủ hiểu sự gian nan vất vả của khát vọng đem sức người chinh phục thiên nhiên.
– Hồi 1972, mấy ngày máy bay B52 thả bom, có một quả rơi đúng chỗ này này… – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bẩy vẫn đắm chìm trong hoài niệm.
“Chỗ này này” hiện là một ngôi nhà cấp bốn rộng rãi, bao quanh ngôi nhà là một vườn nghiến non chừng khoảng hơn hai mươi năm tuổi. Ngôi nhà giữa rừng cây, đẹp như một bức tranh xuân.
Công cuộc đóng góp sức người, sức của cho con đường qua Đèo Rộ vẫn còn đang tiếp tục. Người góp công, người góp vật liệu, người góp tiền. Tất cả đều cùng mong muốn có một con đường để chạy xe máy. Nhưng tại sao ta không mơ một con đường rộng rãi, xe ô tô của du khách muôn phương có thể chạy thẳng đến sân đền Cô Chín? Giữa cái ồn ào đến nghẹt thở của phố xá, chỉ cần đi lạc vào Lũng Ngàn, vừa chiêm bái cảnh đền uy linh, u tịch vừa nghe tiếng chim rừng hót tiếng trong veo, thấy lòng mình như được thanh lọc, được tiếp thêm năng lượng từ vụ trụ. Lũng Ngàn rất có tiềm năng để phát triển du lịch, tại sao không?
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/474934-duong-qua-deo-ro.html