Đường Quảng Ngãi (QNS) chi phí bán hàng tăng vọt, lợi nhuận sau thuế bán niên mất mốc 1.000 tỷ đồng

Quý II/2025, CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) ghi nhận doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh do chi phí bán hàng và quản lý đồng loạt leo thang.

Lợi nhuận ròng giảm 2 chữ số dù doanh thu tăng trưởng

Theo báo cáo tài chính quý II/2025 vừa công bố, QNS đạt doanh thu thuần 2.956 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao thứ hai kể từ khi thành lập, chỉ sau quý II/2023. Tuy nhiên, giá vốn tăng kéo biên lãi gộp giảm còn 34%, khiến lãi gộp chỉ tăng nhẹ 2% lên hơn 1.000 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên doanh nghiệp này vượt mốc 1.000 tỷ đồng lãi gộp trong một quý.

Doanh thu tài chính đạt 75 tỷ đồng, tăng 22%. Tuy vậy, chi phí vận hành tăng đột biến đã bào mòn lợi nhuận: Chi phí bán hàng tăng gần gấp đôi (92%) lên 351 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ 3% lên 80 tỷ đồng. Hệ quả, lợi nhuận ròng trong quý II chỉ còn hơn 546 tỷ đồng, giảm 21%.

 Một số chỉ tiêu kinh doanh của QNS trong quý II và nửa đầu năm 2025. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Một số chỉ tiêu kinh doanh của QNS trong quý II và nửa đầu năm 2025. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Tính chung 6 tháng đầu năm, QNS đạt doanh thu thuần 5.225 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% nhưng vẫn giữ vững mốc trên 5.000 tỷ đồng năm thứ ba liên tiếp. Lãi ròng giảm 23% so với cùng kỳ, còn gần 938 tỷ đồng, lần đầu tiên xuống dưới mốc 1.000 tỷ đồng kể từ năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, ngành sữa tiếp tục đóng vai trò trụ cột. Sản lượng tiêu thụ tăng gần 7%, giúp doanh thu đạt 2.315 tỷ đồng (tăng 17%) và lãi gộp vượt 1.016 tỷ đồng (tăng 34%). Biên lãi gộp ngành sữa cải thiện lên gần 44%, cao hơn đáng kể so với mức 38,4% cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, mảng đường – điện sinh khối chịu áp lực. Dù sản lượng đường sản xuất tăng hơn 16%, thị trường tiêu thụ chậm khiến doanh thu bị ảnh hưởng. Giá đường trong nước cũng giảm do cạnh tranh từ đường lỏng, hàng nhập lậu, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Các mảng khác như nước khoáng, bánh kẹo, bia đều ghi nhận sản lượng tiêu thụ giảm lần lượt 6%, 8% và 9% do chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường và nhu cầu tiêu dùng chưa hồi phục hoàn toàn.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm cuối tháng 6/2025, tổng tài sản của QNS đạt gần 14.774 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng chiếm phần lớn với 7.922 tỷ đồng, tương đương gần 54% tổng tài sản.

Hàng tồn kho tăng gần gấp đôi lên 2.568 tỷ đồng, trong đó tồn kho thành phẩm tăng đột biến lên 2.161 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần đầu năm.

Về cơ cấu vốn, nợ phải trả tăng 26% lên gần 4.795 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ tài chính ngắn hạn là hơn 3.317 tỷ đồng (tăng 22%), khoản phải nộp Nhà nước ở mức 304 tỷ đồng (tăng 92%) và khoản phải trả người lao động hơn 275 tỷ đồng (gấp gần 3 lần).

Thị trường đường có dấu hiệu hồi phục

Dù kết quả kinh doanh mảng đường trong quý II của QNS sụt giảm, Chứng khoán Maybank đánh giá các yếu tố ngành đang có tín hiệu tích cực.

Trên thế giới, giá đường bắt đầu phục hồi. Tính đến cuối tháng 6, sản lượng đường của Brazil (quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới) chỉ đạt 12,24 triệu tấn, giảm hơn 14% so với cùng kỳ. Cả niên vụ 2024/2025, sản lượng của Brazil cũng giảm 3,4%.

Ngoài ra, thông tin Coca-Cola sẽ sử dụng đường mía thay cho siro bắp (HFCS) tại Mỹ có thể đẩy nhu cầu tiêu thụ đường tăng thêm 4,4%, từ mức 11 triệu tấn lên khoảng 11,5 triệu tấn/năm, một tín hiệu tích cực cho thị trường đường toàn cầu (theo Bloomberg Intelligence).

Tại Việt Nam, giá đường trong nước đã ổn định quanh mức 18.700 đồng/kg (tính đến tháng 7/2025), sau thời gian dài giảm sâu. Nghị định 70/2025/NĐ-CP được đánh giá góp phần tăng minh bạch, hạn chế buôn lậu đường. Đồng thời, vùng nguyên liệu mía của QNS năm nay dự kiến tăng thêm 10%, giúp cải thiện đầu vào.

Với các yếu tố này, Maybank dự báo doanh thu mảng đường cả năm 2025 của QNS sẽ tăng 16,5% so với năm trước.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/duong-quang-ngai-qns-chi-phi-ban-hang-tang-vot-loi-nhuan-sau-thue-ban-nien-mat-moc-1000-ty-dong.html