Đường rộng nhưng giới hạn 30km/h: Những điều cần hiểu đúng về quy định tốc độ

Một tuyến đường ở Phú Thọ rộng 35m, thông thoáng, bất ngờ được đặt biển báo tốc độ giới hạn 30km/h khiến giới tài xế băn khoăn. Trên thực tế, các luật lệ, quy chuẩn của Việt Nam quy định việc này ra sao?

Như VietNamNet vừa phản ánh, những ngày gần đây, nhiều tài xế ngỡ ngàng khi một đoạn đường dài 250m, thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, gần nút giao với đường Trần Phú (phường Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), rộng 35m bất ngờ bị giới hạn tốc độ 30km/h và gắn biển báo có camera phạt nguội. Đây là đoạn đường đi qua một trụ sở cơ quan hành chính của tỉnh. Việc này đang gây băn khoăn trong cộng đồng lái xe.

Trên thực tế, giới hạn tốc độ 30 km/h trên đường bộ tại Việt Nam không phải là một mức quy định cố định trong luật chung, mà là mức giới hạn cụ thể được áp dụng tại một số khu vực đặc biệt, dựa trên hệ thống biển báo giao thông theo quy chuẩn kỹ thuật và thẩm quyền của cơ quan quản lý đường bộ.

Theo khoản 3.22, Mục 5, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT), cơ quan quản lý được phép lắp đặt biển số 419 – Giới hạn tốc độ tối đa theo mức cụ thể từ 5 km/h đến 120 km/h. Do đó, biển báo giới hạn 30 km/h là hợp pháp. Tuy nhiên, việc cắm biển giới hạn tốc độ tối đa 30km/h thường áp dụng tại các đoạn đường có yếu tố đặc biệt như: trường học, bệnh viện, khu vực đông dân cư, nơi tập trung trụ sở cơ quan quan trọng, điểm giao cắt phức tạp, hoặc vị trí thường xuyên có nguy cơ tai nạn.

Mục đích của việc hạ tốc độ tối đa xuống 30km/h là để đảm bảo an toàn cho người qua đường, cán bộ, nhân viên ra vào cơ quan, đồng thời hạn chế va chạm với các phương tiện dừng, đỗ đột xuất.

Cận cảnh đoạn đường rộng 35m bị giới hạn 30km/h khiến tài xế bất ngờ. Biển báo đi chậm được đặt sau biển giới hạn tốc độ 30km/h. Ảnh: Đức Hoàng

Cận cảnh đoạn đường rộng 35m bị giới hạn 30km/h khiến tài xế bất ngờ. Biển báo đi chậm được đặt sau biển giới hạn tốc độ 30km/h. Ảnh: Đức Hoàng

Cụ thể, các trường hợp có thể áp dụng giới hạn tốc độ 30km/h bao gồm:

Trong khu dân cư: Khi tham gia giao thông trong khu dân cư, các phương tiện xe cơ giới và xe máy chuyên dùng thường bị giới hạn tốc độ tối đa là 40 km/h, tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình giao thông thực tế, các cơ quan chức năng có thể quy định tốc độ thấp hơn, ví dụ như 30km/h, đặc biệt là trên các tuyến đường có nhiều người đi bộ, trẻ em, hoặc các khu vực có mật độ giao thông cao.

Trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao: Ở những khu vực có mật độ giao thông đông đúc, các phương tiện thường xuyên dừng đỗ, hoặc có nhiều người qua lại, việc giảm tốc độ xuống 30km/h sẽ giúp tăng tính an toàn cho người tham gia giao thông.

Đường có nhiều trẻ em, người già: Các khu vực gần trường học, khu vui chơi, hoặc khu vực có nhiều người cao tuổi sinh sống thường có nguy cơ tai nạn giao thông cao, do đó, việc giảm tốc độ xuống 30km/h là cần thiết để đảm bảo an toàn cho những đối tượng này.

Đường hẹp, quanh co, tầm nhìn hạn chế: Trong các trường hợp đường hẹp, có nhiều khúc cua, hoặc tầm nhìn bị che khuất, việc giới hạn tốc độ ở 30km/h giúp người lái có thêm thời gian phản ứng và xử lý các tình huống bất ngờ, tránh được tai nạn.

Khu vực có công trường: Khi có công trình đang thi công trên đường, việc giới hạn tốc độ ở 30km/h là cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả người lao động và người tham gia giao thông.

Khu vực gần bệnh viện, trường học: Các khu vực này thường có nhiều người đi bộ, xe cứu thương, và các phương tiện khác di chuyển với tốc độ chậm, do đó việc giảm tốc độ xuống 30km/h là phù hợp để đảm bảo an toàn.

Chia sẻ với VietNamNet trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ cho biết, đang rà soát để có phương án điều chỉnh việc giới hạn tốc độ ở đoạn đường trên.

Bảo Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/duong-rong-nhung-gioi-han-30km-h-nhung-dieu-can-hieu-dung-ve-quy-dinh-toc-do-2420599.html