Quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Việc làm số 74/2025/QH15 của Quốc hội.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 33)
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
a) Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng;
b) Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
2. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 của Luật này hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì người sử dụng lao động đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội và thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần. Thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.
Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 của Luật Việc làm:
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
3. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
4. Người lao động không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.
5. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
6. Người sử dụng lao động được giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật trong thời gian không quá 12 tháng khi tuyển mới và sử dụng người lao động là người khuyết tật.
7. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
8. Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
9. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 6, 7 và 8 Điều này.