Đường sá 'bơ vơ' vì chủ đầu tư giải thể

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, ở một số khu vực, việc duy tu, bảo trì đường giao thông chưa được đảm bảo vì chủ đầu tư đã giải thể, không còn quản lý công trình.

Sáng 9/4, HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời số tháng 4 với chủ đề "Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật".

Tuyến đường Võ Văn Ngân (TP. Thủ Đức) nhiều đoạn bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Tuyến đường Võ Văn Ngân (TP. Thủ Đức) nhiều đoạn bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Trao đổi tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết, công tác quản lý, đảm bảo hạ tầng giao thông (duy tu, bảo trì, sửa chữa) của thành phố hiện nay được phân cấp cho bốn chủ thể, gồm: Sở GTVT, các quận huyện, TP Thủ Đức, các ban quản lý ở các khu đô thị và các dự án do các chủ đầu tư đang thực hiện.

Trong đó, Sở GTVT chủ yếu quản lý các tuyến đường giao thông có mật độ lớn, phức tạp, liên thông giữa các quận huyện; quản lý toàn bộ hệ thống cầu, tín hiệu giao thông, các hầm... Hiện nay, sở quản lý trên 1.500 km đường với kinh phí được thành phố đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.

Ông Võ Khánh Hưng trao đổi tại chương trình.

Ông Võ Khánh Hưng trao đổi tại chương trình.

Theo ông Võ Khánh Hưng, hiện nay có những dự án giao thông đã bàn giao cho các đơn vị quản lý nhà nước nhưng cũng có những dự án chưa thực hiện. Sở GTVT duy tu, bảo trì theo hai hình thức: Duy tu, sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch hàng năm và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để sửa chữa tương tự các dự án đầu tư xây dựng kỹ thuật.

“Quá trình thực hiện công tác này những năm qua từng bước được quan tâm và nâng cao, đem lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, ở một số khu vực hoặc trong một số thời điểm, việc duy tu, bảo trì chưa được đảm bảo. Có tình trạng việc bảo trì một số đường sá chưa được quan tâm, đặc biệt là khi chủ đầu tư không còn quản lý do đã giải thể, gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, kinh phí đầu tư chỉ đáp ứng một mức độ nhất định so với định ngạch nên đôi khi một số tuyến đường cần thiết phải duy tu, bảo trì cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí”, ông Hưng cho hay.

Liên quan đến công tác đảm bảo hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước trên địa bàn thành phố, ông Đặng Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - nhìn nhận, trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông, trước tốc độ phát triển đô thị, việc xây dựng đường giao thông kết hợp hệ thống thoát nước là điều tất yếu. Thành ủy TPHCM cũng đã chỉ đạo phải đảm bảo đường giao thông đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước, chiếu sáng, biển báo giao thông, hệ thống cây xanh). Hiện nay, các địa phương đang thực hiện đầu tư theo hướng này.

Thành lập mới một số hệ thống quản lý

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trao đổi một số thông tin cử tri thành phố quan tâm (ảnh chụp màn hình).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trao đổi một số thông tin cử tri thành phố quan tâm (ảnh chụp màn hình).

Từ các vấn đề được cử tri, sở ngành đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố sẽ tập trung tiếp cận, giải quyết với từng nhóm việc cụ thể. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần tiếp tục xác định rõ chủ thể quản lý trong quá trình thực hiện. Tiếp tục xác định vị trí, vai trò, chức năng của các sở chuyên ngành trong quá trình quản lý hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra còn có các chủ thể tham gia khác như UBND các quận huyện, TP Thủ Đức, các đơn vị sự nghiệp công lập...

Theo ông Cường, các nhóm đối tượng quản lý hiện đã được phân cấp rất rõ, từ hệ thống vỉa hè, thủy lợi, đường bộ... Tới đây sẽ có thêm những hệ thống quản lý mới liên quan đến các công trình hạ tầng trọng điểm của thành phố sắp vận hành (hệ thống ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát triều hoặc một số nhà máy xử lý nước thải mới…).

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/duong-sa-bo-vo-vi-chu-dau-tu-giai-the-post1524595.tpo