Đường sá quá tải, lối nào dành mở làn cho xe đạp ở TP.HCM
Theo chuyên gia, việc mở làn đường dành cho xe đạp là cần thiết, giúp giảm ùn tắc giao thông. Song, việc này không dễ dàng trong bối cảnh hạ tầng giao thông ở TP.HCM còn thiếu.
"Hiện trạng hạ tầng giao thông ở TP.HCM khá khác so với các quốc gia trên thế giới. Nhiều năm qua, thành phố phát triển đô thị, xây nhiều nhà nhưng lại không phát triển tương xứng về diện tích dành cho giao thông. Nếu bây giờ làm làn đường riêng cho xe đạp là không dễ dàng", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định về khó khăn thành phố gặp phải khi triển khai làn đường dành cho xe đạp.
Đầu tháng 4, ông Hà Lê Ân, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng, cho biết sẽ nghiên cứu triển khai thí điểm làn dành riêng cho xe đạp tại một số tuyến đường có nhu cầu sử dụng cao. Trước đó, tháng 6/2022, Sở GTVT TP.HCM đề nghị nghiên cứu làn riêng cho xe đạp trên trục đường xa lộ Hà Nội.
Vị KTS cho biết hiện tại thành phố tính đến việc triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp là muộn. Theo ông Sơn, chuyện tạo làn đường cho xe đạp là cần thiết, nhưng không thể chỗ nào cũng quy hoạch mà cần mở rộng từ từ.
Làn đường riêng
Trao đổi với Zing, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, đồng tình với việc TP.HCM nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp.
Bởi theo chuyên gia, xe đạp là phương tiện bền vững, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. "Xe đạp giúp phát triển giao thông công cộng, chứ không triệt tiêu cơ hội phát triển hay sử dụng giao thông như xe máy hay ôtô", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn lấy dẫn chứng từ các thành phố lớn ở châu Âu. Hơn một thập niên qua, các quốc gia châu Âu chú trọng giao thông xe đạp khi đầu tư mạng lưới tuyến đường riêng. Thậm chí ở Đức, Hà Lan hay Áo còn có tuyến cao tốc xe đạp.
Xe đạp giúp phát triển giao thông công cộng, không triệt tiêu cơ hội phát triển hay sử dụng giao thông như xe máy hay ôtô.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng TP.HCM sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp. Bên cạnh thiếu về hạ tầng giao thông, chính quyền cũng cần tính đến việc lấn chiếm làn đường của người điều khiển xe khác. Người dân có thể e ngại với loại phương tiện mới. Ngoài ra, khí hậu và nhiệt độ đặc trưng của thành phố cũng ảnh hưởng nhất định đến việc đi xe đạp thường xuyên trong tương lai.
Vị chuyên gia nhìn nhận muốn khuyến khích người dân đi xe đạp, lãnh đạo TP.HCM cần phát triển hệ thống mạng lưới hạ tầng, bố trí không gian nhất định cho loại phương tiện này.
"Thành phố có thể rà soát các tuyến đường hiện hữu để xem nơi nào đủ không gian bố trí làn riêng cho xe đạp, vị trí nào sơn vạch ưu tiên", ông Tuấn chia sẻ.
Cụ thể, các quận trung tâm có thể sơn vạch 1,5-1,8 m cho phần đường dành riêng cho xe đạp. Đối với các tuyến đường liên quận, huyện hay tuyến đường lớn như Mai Chí Thọ, đại lộ Võ Văn Kiệt hay xa lộ Hà Nội, cần phải tách làn đường riêng cho xe đạp, có phân cách cứng với các làn khác.
Cơ quan chuyên môn cần dựa vào hệ thống giao thông công cộng để phát triển mạng lưới cho người đi xe đạp. Các tuyến đường xe đạp nên dẫn vào khu dân cư, để nâng cao khả năng tiếp cận các trạm xe buýt hay trạm tàu điện của tuyến metro. Ở những trạm này, địa phương bố trí thêm bãi đỗ xe để du khách và người dân tiếp cận dễ dàng hệ thống giao thông công cộng.
"Muốn phát triển việc đi xe đạp, chính quyền cần đưa ra chiến lược tổng thể trong quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phương tiện này. TP.HCM cần xác định nhu cầu của người đi xe đạp, nếu rơi vào 5% thì chỉ cần cải thiện rất nhỏ trong hạ tầng, chủ yếu dừng ở mức tuyên truyền, vận động, bố trí trạm xe đạp", ông Tuấn lưu ý.
Quận 1 và 3 chưa cần thiết làm đường cho xe đạp. Vì câu chuyện lấn chiếm vỉa hè chưa giải quyết được, lối cho người đi bộ còn thiếu.
KTS Ngô Viết Nam Sơn
Ở góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết trước khi nhân rộng các làn đường dành cho xe đạp, cơ quan chuyên môn nên tận dụng các tuyến ven sông, ven kênh như hai bên sông Sài Gòn. Đây là những nơi có không gian phù hợp cho người đạp xe và đi bộ. Đồng thời, tận dụng các tuyến đường trong khu đô thị mới như Thủ Thiêm.
"Ở trung tâm quận 1, quận 3 chưa cần thiết làm đường dành cho xe đạp. Vì ở nội thành, câu chuyện lấn chiếm vỉa hè còn chưa giải quyết được, lối cho người đi bộ còn thiếu", ông Sơn nhấn mạnh.
Các quốc gia quy hoạch làn đường riêng thế nào?
Hà Lan là quốc gia hiếm hoi có số lượng xe đạp nhiều hơn số dân, với 23 triệu xe đạp và 17 triệu dân. Chính quyền Hà Lan khuyến khích người dân đi xe đạp bằng việc tạo nhiều làn đường riêng với khoảng 35.000 km đường dành cho người đi phương tiện này.
Việc quy hoạch đô thị ở Hà Lan cũng phản ánh sự ưu tiên dành cho người đi xe đạp. Trên nhiều tuyến phố, gắn biển báo có dòng chữ "fietsstraat auto te gast" - ôtô là khách.
Khoảng 60% các vòng xuyến ở Hà Lan có đường dành cho xe đạp, được phân tách riêng chạy quanh vòng xuyến để dẫn lối đi ra cho chủ phương tiện.
Nhiều giao lộ được quy hoạch lại để giảm tối đa nguy cơ chấn thương cho người đạp xe. Ở một số tuyến đường trong khu vực thành phố, người đi xe đạp được ưu tiên, trong khi ôtô phải dừng lại.
Ở Đan Mạch, xe đạp là một trong những phương tiện di chuyển chính. Riêng ở thủ đô Copenhagen, số xe đạp nhiều gấp 5 lần ôtô. Bộ Giao thông Vận tải Đan Mạch từng tuyên bố 2022 là năm của xe đạp ở quốc gia này. Đây là một phần trong kế hoạch thay đổi cơ sở hạ tầng, khi Đan Mạch sẽ đầu tư 485 triệu USD để xây mới cơ sở hạ tầng dành cho việc đi xe đạp.
Những tuyến đường cho xe đạp đang được phát triển một cách an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền cũng nỗ lực tạo thêm nhiều đường cao tốc dành cho xe đạp ở các đô thị lớn.
Đường cao tốc được thiết kế với ít điểm dừng và tăng độ an toàn dành cho người đi xe đạp. Những đường cao tốc này sẽ kết nối với các khu dân cư, trường học, nơi làm việc, tạo điều kiện cho người dân đi xe đạp được dễ dàng hơn so với di chuyển bằng ôtô. Các đường cao tốc này cũng được đặt gần trạm xe buýt và tàu hỏa để giúp người dân dễ dàng kết hợp di chuyển giữa xe đạp và các phương tiện công cộng khác.