'Đường sách TP.HCM làm nên tình yêu dành cho thành phố'
Nằm lặng yên giữa quận 1, Đường sách TP.HCM đã trở thành một góc riêng, điểm đến quen thuộc của người dân thành phố suốt 5 năm qua.
Được xây dựng trên đường Nguyễn Văn Bình, Đường sách TP.HCM một mặt giáp với đường Hai Bà Trưng, mặt kia giáp Nhà thờ Đức Bà. Nơi đây có không khí yên ả, mang lại cho người đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.
5 năm qua, Đường sách TP.HCM là trạm dừng chân bình yên cho những tâm hồn bận rộn. Nơi đây được xem là cầu nối giữa hiện đại và cổ điển, giữa ồn ào và tĩnh lặng. Đến với đường sách, người ta được sống chậm lại, được nghỉ ngơi, sẻ chia và tìm ra những điều mới mẻ.
Góc bình yên
Chị Mai (38 tuổi) chia sẻ với Zing luôn xem Đường sách TP.HCM là góc bình yên.
Chị kể từ nhỏ đã mê đọc sách, viết văn tốt nhưng lớn lên lại không làm gì liên quan đến văn chương hay viết lách. Công việc trước đây không thuận lợi khiến chị chật vật trong một thời gian dài. Đến 3 năm trước, chị có duyên với Đường sách khi làm nhân viên của một gian hàng lớn tại đây.
“Thời gian đầu, tôi làm việc 14 tiếng mỗi ngày. Gia đình vẫn hay trách móc vì ít được gặp nhau nhưng tôi lại rất hài lòng với công việc này. Được sống trong không gian ngập tràn sách là ước mơ của tôi từ khi còn bé. Với tôi, mỗi ngày đi làm là một ngày hạnh phúc”, chị vui vẻ nói.
Điều chị Mai yêu thích nhất khi làm việc tại Đường sách là được gặp gỡ và trò chuyện với những bạn trẻ say mê văn hóa đọc. Mỗi lần gặp người có cùng sở thích, chị càng muốn gắn bó hơn với công việc này.
“Tôi tin rằng những quyển sách có cách riêng để làm người ta thấy an lòng. Vì vậy, tôi luôn cho con mình đến đây chơi khi cháu rảnh, xây dựng thói quen đọc từ sớm để sau này cháu có thể tự tìm được niềm vui từ những trang sách như tôi”, chị Mai bộc bạch.
Huy Bảo (sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết cậu thường xuyên lui tới Đường sách TP.HCM từ khi còn học cấp 3. Ban đầu, Bảo đến đây chủ yếu vì cần mua sách phục vụ học tập. Giờ đây, Đường sách đã trở thành góc riêng đặc biệt của người bạn trẻ.
“Khoảng thời gian ôn thi đại học, mình luôn trong trạng thái mệt mỏi và căng thẳng. Đến ngày nhận điểm thi thử không như ý, mình quyết định nghỉ học ca chiều rồi đi đâu đó để bình tĩnh lại. Chẳng nhớ vì sao lại đến Đường sách, nhưng mình đã dành ra 3 tiếng chỉ để ngồi một mình ở đây", Bảo kể.
Điều làm cậu bất ngờ là Đường sách như tách hẳn khỏi mọi thứ ồn ào bên ngoài. "Khi đó mình chỉ muốn tìm một chỗ để tạm trốn khỏi áp lực thi cử chứ không mong gì hơn. Vậy mà không gian yên ả của nơi này còn đem lại nhiều điều hơn thế. Nó giúp mình thấy được vỗ về và chở che".
Từ đó cho đến nay, Bảo giữ thói quen đến đây mỗi tuần một lần để giải tỏa căng thẳng. Cậu nói Đường sách như một góc riêng có khả năng xoa dịu những phiền muộn.
Nơi khơi nguồn cảm hứng
Năm 2017, khi đậu vào lớp chuyên Văn của một trường THPT có tiếng trong thành phố, Lam Thảo (19 tuổi) quyết tâm nghiên cứu văn học cổ điển thay vì đọc những tác phẩm tiểu thuyết như trước đây. Đó cũng là lúc cô bắt đầu đến với Đường sách TP.HCM.
“Mình thích đến đây để chọn sách hơn là đến những cửa hiệu lớn, vì nơi này luôn cho mình cảm giác đang ở trong một không gian đậm tính học thuật, khiến mình muốn đọc nhiều hơn".
Một điều khiến Lam Thảo thích thú là Đường sách TP.HCM thường xuyên tổ chức các buổi talkshow về văn học, nghệ thuật và các vấn đề xã hội khá hấp dẫn. "Sau mỗi chương trình, mình được giao lưu với những diễn giả nổi tiếng, tạo điều kiện để mở rộng vốn hiểu biết và phục vụ cho việc học tập”, Lam Thảo chia sẻ.
Thảo nói Đường sách đã chắp cánh cho đam mê văn học, là động lực để cô đạt được nhiều giải thưởng lớn trong các kỳ thi, cũng như đậu vào khoa Văn học trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn, (ĐH Quốc gia TP.HCM).
“Mỗi lần mất cảm hứng viết, mình lại đến đây và chọn một góc để ‘cô đơn’, lắng lòng lại và lấp đầy nó bằng bầu không khí trong lành của con đường ngập nắng", nữ sinh viên lớp Cử nhân tài năng chia sẻ.
Ngồi đọc sách bên cạnh mô hình xe buýt số 08, Trúc Linh (23 tuổi, Nghệ An) khiến người khác tò mò khi bên cạnh cô là một chiếc vali khá lớn. Cô cho biết mình chuẩn bị ra sân bay để về quê nên tranh thủ ghé qua Đường sách.
Linh kể lúc mới vào TP.HCM học, chưa quen với nhịp sống mới nên cô luôn thấy lạc lõng và cô đơn. Khi đó, làm bạn với Trúc Linh chỉ có những quyển tiểu thuyết mang theo từ quê nhà. Một lần vô tình đọc được bài viết giới thiệu về Đường sách Thành phố, cô tò mò nên đến xem thử rồi gắn bó suốt nhiều năm qua.
“Cách mọi người ở đây tiếp đón khách hàng luôn làm mình thấy ấm lòng. Có lần mình vào tìm sách mà không có, một chị nhân viên cùng chú bảo vệ đã chủ động sang các gian hàng bên cạnh hỏi giúp đến khi mua được mới thôi. Khi ấy mình rất bất ngờ và cảm động", cô bạn đến từ Nghệ An chia sẻ.
Trúc Linh cho rằng Đường sách là lý do đầu tiên làm nên tình yêu dành cho Sài Gòn trong cô. Bằng một cách nào đó, Đường sách đã kết nối Linh với thành phố mới, khiến cô muốn gắn bó hơn với nơi này.
“Nhiều hôm đi làm gặp khách hàng xấu tính, mình buồn lắm. Nhưng cứ nghĩ đến những chuyện tử tế nho nhỏ mà các anh chị ở đây làm cho mình trong khoảng thời gian mới đến Sài Gòn, mình lại có thêm niềm tin để tiếp tục làm việc. Đôi lúc thấy như đang ở nhà, vì chỉ người nhà mới dịu dàng với mình như thế”, Linh mỉm cười kể lại.
Nhiều người cũng yêu thương, gắn bó và xem Đường sách TP.HCM là nhà. Trong 5 năm qua, Đường sách không đơn thuần là một nơi để người ta đến mua sắm mà đã sớm trở thành một điểm đến quen thuộc, một trạm dừng chân bình yên, một sợi dây liên kết bền chặt giữa biết bao người với thành phố.
Mong rằng Đường sách sẽ luôn ở đó, tiếp tục phát triển theo từng ngày để có thể trở thành góc riêng yêu thích của bất kỳ ai.