Đường sách TP.Thủ Đức - địa điểm du lịch thú vị mới của TPHCM
Sáng 22-12, Đường sách TP.Thủ Đức (đường Hồ Thị Tư, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) chính thức khánh thành đi vào hoạt động sau một năm rưỡi thi công, chuẩn bị.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Lê Hoàng- Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM, cho biết nguồn kinh phí xây dựng Đường sách TP.Thủ Đức là 10 tỉ đồng, đến từ nguồn xã hội hóa. Sau một năm rưỡi "thai nghén" và vài tháng bắt tay vào thi công, nay Đường sách TP.Thủ Đức đã đi vào hoạt động với diện mạo đẹp, góp phần tôn tạo bộ mặt cảnh quan - văn hóa TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.
Có 22 gian hàng sách tại đường sách đi vào hoạt động. Bên cạnh không gian sách là không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không gian văn hóa đọc, không gian sách cũ, không gian trải nghiệm trò chơi trí tuệ dành cho trẻ em và gia đình.
Đường sách TP.Thủ Đức lấy cảm hứng từ văn hóa sông nước vùng Nam bộ nên cảnh quan rất đẹp, thân thiện với nhiều cây xanh. So với Đường Sách TP.HCM, quy mô của Đường sách TP.Thủ Đức lớn hơn rất nhiều, và công năng cũng đa dạng không kém khi nơi đây thời gian tới sẽ là nơi diễn ra các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ... Chiều dài đường sách hơn 190 mét, tổng diện tích hơn 3.500 m2.
Đường sách TP.Thủ Đức không chỉ được kỳ vọng làm mới gương mặt cảnh quan thành phố mà còn thúc đẩy văn hóa đọc sách của người dân, đồng thời trở thành điểm kích cầu du lịch bởi địa điểm đặt đường sách được lựa chọn tại nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường THPT, THCS và tiểu học.
Mascot (linh vật) hoa hướng dương được đặt phía sau bảng hiệu đường sách, đầu đường Hồ Thị Tư (giao với đường Lê Văn Việt). Bên trong đường sách có 2 phiến đá khắc tiểu sử Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tư cùng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đường sách Thủ Đức đã chọn mascot biểu tượng của mình là hoa hướng dương. Đây cũng là biểu tượng thân thiện của TPThủ Đức mang ý nghĩa thân thiện, năng động, hướng năng lượng tích cực về phía Mặt trời.
Ông Lâm Đình Thắng- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, bày tỏ cách đây 7 năm Đường sách TP.HCM ra đời đã trở thành nét son của văn hóa, du lịch, ngành xuất bản thành phố ta. Sự ra đời của Đường sách TP Thủ Đức như là nối dài thành công của Đường sách TP.HCM. Thành phố định hướng tăng cường văn hóa đọc, tăng cường không gian sách, vì vậy dự kiến sẽ phát triển không gian sách ở bốn trục của thành phố. Phía đông là Đường sách TP Thủ Đức. Phía nam là quận 7, phía tây dự kiến là quận Bình Tân và phía bắc sẽ là Củ Chi. Sự ra đời Đường sách TP Thủ Đức hôm nay sẽ cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho các địa phương khác chuẩn bị làm mô hình này.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết việc thành lập Đường sách TP Thủ Đức sẽ góp thêm một điểm nhấn văn hóa trong nếp sinh hoạt của người dân TP, không chỉ là không gian văn hóa đọc mà còn là một điểm du lịch thú vị cho du khách khi ghé thăm TP Thủ Đức. Đường sách TP Thủ Đức được tạo dựng không chỉ thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân mà còn xuất phát từ yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội, hội nhập của một thành phố trẻ năng động.
“Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động thường niên, hằng tháng, hằng quý và tăng cường với các cơ quan cấp trên để tạo các hoạt động tại đây, thu hút người dân độc giả đến đây. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn lắng nghe nhiều góp ý của người dân du khách để tăng các trải nghiệm phục vụ đông đảo người dân, du khách” – ông Nguyễn Hữu Hiệp nhấn mạnh.
Đường sách sẽ hoạt động từ 9 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Riêng ngày lễ khánh thành hôm nay, đường sách mở cửa từ 7 giờ 30. Tuần lễ khai mạc Đường sách TP.Thủ Đức diễn ra từ ngày 22-12 đến ngày 1-1-2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn, đồng thời cũng là khoảng thời gian để người dân chào đón năm mới.