Đường sáng cho em

Từ ngại ngần mỗi khi nhắc đến ước mơ, hôm nay, phần lớn học sinh khiếm thị tại Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh đều tin mình có thể bước ra thế giới để học và làm nhiều điều to lớn, ý nghĩa. Sự đổi thay ấy bắt nguồn từ lớp học tiếng Anh miễn phí do vợ chồng ông Richard Schmidt tài trợ để tưởng nhớ người con trai đã dành cả thanh xuân để làm thiện nguyện của mình.

Viết tiếp dòng dang dở

Bước vào lớp học tiếng Anh giao tiếp dành cho trẻ khiếm thị có thể thấy ngay bức chân dung của một thanh niên nước ngoài được đặt ở vị trí trang trọng. Chàng trai có nụ cười ấm áp trong ảnh là Landon Schmidt. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng anh rất nặng lòng với những phận người nghèo khó, đặc biệt là trẻ em khiếm thị tại Việt Nam. Landon từng đến Quảng Trị và trở về với câu hỏi: “Làm thế nào để giúp đỡ được những em bé không may mắn có đôi mắt sáng?”. Câu hỏi đó đi vào từng bữa cơm, giấc ngủ của Landon, thôi thúc anh trở lại để làm những điều nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa. Cảm nhận niềm hạnh phúc trào dâng trong lồng ngực con khi giúp đỡ những người dân nghèo ở một đất nước xa xôi, ông Richard và bà Dabney Schmidt, bố mẹ của Landon cũng ấm lòng.

 Giờ học tiếng Anh giao tiếp của các em nhỏ khiếm thị bắt đầu bằng một bài hát. Ảnh: Quang Hiệp

Giờ học tiếng Anh giao tiếp của các em nhỏ khiếm thị bắt đầu bằng một bài hát. Ảnh: Quang Hiệp

Không ai ngờ Landon Schmidt vĩnh viễn nằm lại Việt Nam ở tuổi đôi mươi. Một vụ tai nạn đã khiến những ước mơ, dự định của chàng trai Mỹ mãi mãi dang dở. Mỗi lúc nhớ đến nụ cười ấm áp của con, trái tim ông bà Schmidt như tan chảy. Giữa đau thương, hai vợ chồng ngồi lại với nhau bàn phải làm điều gì đó thật ý nghĩa để tưởng nhớ người con trai quá cố. Cuối cùng, họ quyết định bước tiếp hành trình thiện nguyện của con.

Để hiện thực hóa ý tưởng, vợ chồng ông Richard Schmidt quyết định đến Việt Nam. Tới mảnh đất này, ông bà mới hiểu tại sao con trai mình lại muốn gắn bó đến thế. Những con người xa lạ đón ông bà bằng nụ cười, ánh mắt ấm áp và cái bắt tay xiết chặt. Ông bà Schmidt cảm nhận người Việt Nam cũng có trái tim ấm áp như con trai mình. Nỗi thương nhớ Landon lại cuộn lên nhưng lần này không làm ông bà đau, thay vào đó tiếp thêm động lực cho cả hai người.

Từ đó đến nay, thông qua Quỹ Phát triển cộng đồng toàn cầu, vợ chồng ông Richard Schmidt đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp đỡ những người nghèo khó ở Việt Nam, đặc biệt là Quảng Trị. Bao giờ cũng vậy, ông bà luôn ưu tiên hỗ trợ các em nhỏ khiếm thị, là những người con trai mình rất yêu quý. Đi qua những ngày đen tối, ông bà đều hiểu nỗi đau lớn nhất là không còn thấy cuộc sống muôn màu. Biết các em nhỏ khiếm thị ở Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị rất thích học tiếng Anh nhưng điều kiện không cho phép, ông bà ngay lập tức hỗ trợ kinh phí. Từ sâu thẳm, ông bà muốn mở một “con đường sáng” cho các em.

Lớp học niềm vui

Các em nhỏ khiếm thị đang theo học tại lớp tiếng Anh giao tiếp miễn phí ở cơ sở 2 Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh không thể nhìn thấy bức ảnh và cả nụ cười ấm áp của Landon Schmidt nhưng ai cũng biết câu chuyện về anh. Vì thế, các em thỏa thuận với nhau trước mỗi buổi học sẽ dành ít phút để tưởng niệm Landon. Việc làm ấy diễn ra tự nguyện, thầm lặng. Sau phút giây lắng lòng ấy, lũ trẻ trở lại với không khí vui tươi, sôi động.

Hôm chúng tôi đến thăm, lớp học vừa bắt đầu với bài hát “Three little birds” (Ba chú chim nhỏ). Thanh âm tươi vui từ chiếc đàn ghi ta trên tay người giáo viên ngoại quốc như chắp thêm đôi cánh cho tiếng hát của các học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1991), đến từ Trung tâm Anh ngữ quốc tế EIS tươi cười bật mí, dù mới học nhưng các em đã thuộc rất nhiều bài hát tiếng Anh. Nói rồi, cô Mai hòa mình với những thanh âm vừa sôi động, vui vẻ, vừa ấm áp, vỗ về cùng em thơ: “Đừng lo lắng về điều gì… Bởi mọi việc sẽ đâu vào đó… Đừng lo lắng gì nữa… Bởi ngày mai vẫn sáng tươi”.

 Niềm vui của em nhỏ khiếm thị trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Quang Hiệp

Niềm vui của em nhỏ khiếm thị trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Quang Hiệp

Là người trực tiếp đứng lớp và tham gia trợ giảng cho giáo viên nước ngoài, cô Nguyễn Thị Mai từng rất lo lắng khi lần đầu tiên nhận nhiệm vụ dạy các em nhỏ khiếm thị. Hằng hà câu hỏi xuất hiện trong đầu cô Mai: “Liệu các em có thích học tiếng Anh hay không?”, “Làm thế nào để các bạn nhỏ thuộc từ vựng khi không nhìn thấy?”, “Phải làm gì cho lớp luôn vui tươi, sôi nổi”… Để tháo gỡ những nút thắt, cô giáo trẻ đã ngồi hàng giờ với giáo viên nước ngoài để lên chương trình giảng dạy. Họ thống nhất với nhau sẽ tập trung giúp các em phát triển kĩ năng nghe, nói; tổ chức nhiều trò chơi; đưa các bài hát thiếu nhi vào giáo trình… Toàn bộ tài liệu về buổi học được gửi trước cho giáo viên Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh chuyển sang chữ Braille để học sinh dễ tiếp cận. “Chuẩn bị kĩ thế nhưng tôi vẫn cứ lo vì chất lượng lớp học phụ thuộc rất lớn vào học sinh”, cô Mai giải bày.

Nỗi lo của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Mai cùng đồng sự tan biến ngay từ buổi học đầu tiên. Tất cả 10 em nhỏ khiếm thị phấn khởi, háo hức với giờ học và tự tin như những đứa trẻ bình thường. Đặc biệt, qua tiếp xúc, cô Mai cảm nhận rõ tình yêu lớn mà các em dành cho bộ môn tiếng Anh. Đó là động lực thôi thúc cô và đồng sự nỗ lực nhiều hơn để những giờ học luôn đầy ắp tiếng cười. “Ông trời lấy đi đôi mắt sáng nhưng bù lại cho các em trí nhớ, khả năng nghe và nói rất tốt. Nếu được đào tạo bài bản, các em hoàn toàn có thể giao tiếp với người nước ngoài, tạo cho mình thêm nhiều cơ hội”, cô Mai khẳng định.

Những ước mơ tỏa sáng

Tuy lớp tiếng Anh giao tiếp mới diễn ra hơn 1 tháng nhưng các em nhỏ khiếm thị đã sợ đến ngày kết thúc. Thành nếp, cứ đến tối có lịch học, các thành viên trong lớp đều ăn uống, vệ sinh thật nhanh, thật sớm. Các em và giáo viên đón nhau bằng cái ôm siết chặt, rồi cùng khám phá thứ ngôn ngữ mới đầy thú vị. Bao giờ cũng vậy, tiết học luôn kéo dài hơn thời gian ấn định bởi ai cũng muốn nán lại. Sau giờ miệt mài trên lớp, về phòng, những nhạc khúc, đoạn hội thoại tiếng Anh vẫn theo chân các em.

 Cô giáo Trung tâm Anh ngữ quốc tế EIS dạy tiếng Anh cho các em nhỏ khiếm thị thông qua việc nhận biết các đồ vật. Ảnh: Quang Hiệp

Cô giáo Trung tâm Anh ngữ quốc tế EIS dạy tiếng Anh cho các em nhỏ khiếm thị thông qua việc nhận biết các đồ vật. Ảnh: Quang Hiệp

Đồng hành cùng lớp từ những ngày đầu, cô Trần Hoàng Hà, giáo viên Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh rất vui mừng trước những tín hiệu khả quan ấy. Cũng như học trò của mình, cô Hà không may mắn có đôi mắt sáng. Chính tình yêu con chữ và nghị lực phi thường đã giúp cô vươn lên để có ngày trở thành “người gieo hạt”. Cô Hà kể, Trường Trẻ em khuyết tật nơi mình giảng dạy đón khá nhiều đoàn khách ngoại quốc đến thăm. Mỗi lần như thế, cô và các giáo viên khác phải vận dụng tất cả vốn tiếng Anh mình có để giao tiếp. “Sau khi nghe tôi trò chuyện bằng tiếng Anh với khách, các em níu lại, đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến ngôn ngữ thứ hai này. Tôi luôn nói: “Các em hoàn toàn có thể học tiếng Anh, giao tiếp với người nước ngoài, chỉ cần cố gắng”. Vì thế, em nào cũng mong làm được như cô. Lớp tiếng Anh giao tiếp miễn phí chính là giấc mơ có thật đối với các em nhỏ khiếm thị ở trường mình”, cô Hà bộc bạch.

Những giờ tiếng Anh đã chắp cánh cho những ước mơ của học trò cô Trần Hoàng Hà bay cao. Trước đây, các em học sinh khiếm thị thường không dám hoặc ngại chia sẻ về ước mơ của mình. Nếu có, các ước mơ ấy thường nhỏ bé, vụn vặt và… giống nhau. Vì thế, khi nghe cậu bé Mai Văn Quân (sinh năm 2009), quê ở xã Hải An, huyện Hải Lăng chia sẻ về ước mơ có thể trò chuyện với nhiều người ngoại quốc, rồi được đi vòng quanh thế giới, cô Hoàng Hà rất xúc động. Hay như em Nguyễn Trường Hiếu (sinh năm 2007) thường lắc đầu khi được hỏi về ước mơ của mình, bỗng thầm thì với cô mong ước trở thành một nghệ sĩ piano, có thể đánh nhiều bản nhạc tiếng Anh. Ít ai biết, Hiếu là con trai cả trong gia đình có 3 anh em. Bố mẹ Hiếu quanh năm làm lụng vất vả nhưng cả nhà vẫn thiếu trước, hụt sau. Mới đây, một vụ tai nạn giao thông đã khiến sức khỏe của bố Hiếu sa sút nghiêm trọng. Chính những giờ học tiếng Anh vui vẻ đã giúp cậu bé khiếm thị vơi đi phần nào nỗi lo vốn không dành cho con trẻ.

Ngay những buổi đầu tiên, các em nhỏ khiếm thị đã chọn cái tên “Niềm vui” để đặt cho lớp học của mình. Không phụ sự kì vọng ấy, lớp học đã mang đến cho các em rất nhiều niềm vui và cả niềm tin, hi vọng. Trong giấc ngủ yên bình sau mỗi buổi học, nhiều em đã mơ thấy được đến nước Mỹ xa xôi, gặp đôi vợ chồng đã mở cho mình con đường sáng và nghe nhiều hơn những câu chuyện về một chàng trai Mỹ có trái tim ấm áp Landon Schmidt.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145007