Đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần kết nối các hành lang kinh tế trong nước và cả Trung Quốc, Lào, Campuchia

Chủ trì họp về đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các cơ quan Chính phủ đánh giá kỹ về nợ công, đồng thời phân tích rõ hơn hiệu quả tổng hợp của dự án.

Sáng nay 5-10, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ, ngành về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải nhấn mạnh đây là nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 và Kết luận của Bộ Chính trị giao.

Đường sắt tốc độ cao lưỡng dụng

Ông yêu cầu Bộ GTVT, các bộ, cơ quan liên quan bám sát chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, đồng thời tiếp thu tối đa các ý kiến của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành để trình Hội đồng thẩm định, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội theo quy định với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai nhanh chóng.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: NHẬT BẮC

Theo người đứng đầu Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, với vận tốc thiết kế 350 km/h. Đây là đường sắt lưỡng dụng, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh.

Nhưng để triển khai, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đánh giá tác động tới nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách. Các cơ quan tham mưu cần phân tích rõ hiệu quả của dự án, không chỉ về mặt kinh tế, mà phải đánh giá hiệu quả tổng hợp, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và nền kinh tế…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam phải theo hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh các khu dân cư lớn, một mặt không phải giải phóng mặt bằng nhiều, tiết kiệm kinh phí, giúp triển khai nhanh, mặt khác tạo không gian phát triển mới cho các địa phương mà đại dự án này đi qua.

Các ga cần được quy hoạch và xây dựng theo hướng hiện đại, tầm nhìn xa, nhưng tránh lãng phí. Cần tính toán công năng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng các địa phương và cả khu vực.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành; đảm bảo tính kết nối với các hạ tầng, phương thức giao thông khác, như hàng không, hàng hải; có khả năng kết nối các hành lang kinh tế trong nước và kết nối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Dù đã có con số dự kiến đầu tư hơn 67 tỷ USD, nhưng Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, đảm bảo chính xác nhất có thể.

Cùng với đó là rà soát và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, linh hoạt cho dự án, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng… Phương châm là “cơ chế thông thoáng, thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn”.

Đa dạng hóa các nguồn lực làm đường sắt cao tốc

Về nguồn lực, các cơ quan Chính phủ cần đề xuất cơ chế huy động, đa dạng hóa các nguồn lực, gồm nguồn lực đầu tư công của Trung ương, địa phương, nguồn lực từ vốn vay, phát hành trái phiếu và các nguồn lực hợp pháp khác – nhất là trong xây dựng, vận hành nhà ga…

Không chỉ nguồn lực tài chính, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, huy động tổng lực nguồn nhân lực, phương tiện của đất nước phục vụ dự án.

Về tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã thành lập Tổ công tác, Bộ GTVT cần lập tổ giúp việc chuyên trách xây dựng, triển khai dự án với các nhân sự có chất lượng tốt nhất.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, quản lý, vận hành đường sắt…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để triển khai chủ trương đầu tư án phải có cách làm mới với quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó.

Ông yêu cầu "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", khơi dậy và phát huy tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần dám nghĩ dám làm, vận dụng sáng tạo truyền thống nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong lịch sử dân tộc để làm công trình này.

Đã tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ

Báo cáo của Bộ GTVT cho hay dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được các cơ quan Chính phủ tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/h.

Tuyến đường sắt cao tốc này sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), với tổng cộng 23 ga hành khách, cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.

Qua rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tính toán sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỉ USD.

Bộ GTVT đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10 này; trên cơ sở đó sẽ đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026.

Việc triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM dự kiến cuối năm 2027. Khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang dự kiến năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan liên quan đã thảo luận về việc triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc gồm các tuyến: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Theo Bộ GTVT, các bộ, cơ quan liên quan đang tích cực nghiên cứu các phương án, thúc đẩy hợp tác triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc nói trên.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/duong-sat-cao-toc-bac-nam-can-ket-noi-cac-hanh-lang-kinh-te-trong-nuoc-va-ca-trung-quoc-lao-campuchia-post813468.html