Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến doanh thu gần 80 tỷ trong năm 2022
Trong năm 2021, Hanoi Metro - đơn vị vận hành khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông) ghi nhận doanh thu 5,3 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế đến 63,7 tỷ đồng. Năm 2022 dự kiến doanh thu khoảng 76,1 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vừa công bố báo cáo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021, năm đầu tiên doanh nghiệp quản lý hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô Hà Nội ghi nhận doanh thu sau khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành.
Cả năm ngoái, Hanoi Metro cho biết đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân công chiếm phần lớn cơ cấu chi phí khi vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỷ đồng trong năm 2021. Trước đó, năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hiện tại, Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cho biết Hanoi Metro chưa chính thức được UBND TP. Hà Nội bàn giao tài sản từ dự án ga đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, tuyến Cát Linh - Hà Đông do đó chi phí khấu hao tương ứng chưa được tính cho kết quả kinh doanh năm 2021.
Mặt khác, công ty chưa xây dựng được đơn giá đặt hàng dịch vụ thực hiện và được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, ký hợp đồng, do vậy chưa thể xác định được ảnh hưởng của vấn đề này đến báo cáo tài chính năm 2021.
Ban tổng giám đốc Hanoi Metro thì lý giải kết quả kinh doanh bị tác động bởi Covid-19, nhưng không thể ước tính được một cách hợp lý các ảnh hưởng đến báo cáo tài chính.
Trong năm 2022, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng, cao gấp gần 90 lần so với cùng kỳ, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là 76,1 tỷ đồng, tương ứng gần 16% tổng doanh thu.
Sản lượng hành khách trong năm dự kiến đạt 7,94 triệu hành khách, với lượt tàu chở khách là 82.495 lượt. Bình quân mỗi ngày, Hanoi Metro phải phục vụ gần 21.800 lượt khách với gần 250 lượt chạy tàu để hoàn thành chỉ tiêu nói trên.
Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2021, Hanoi Metro sẽ tiếp tục triển khai đầu tư dự án tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông và tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự án được phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 và khởi công từ tháng 10/2011.
Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc.
Tổng thầu EPC thi công dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương, quận Hà Đông./.