Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Hà Nội nêu vướng mắc gì...có đá bóng trách nhiệm?

Hà Nội cho rằng, những vướng mắc hiện nay của dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các bộ, ngành có liên quan. Như vậy có phải đá bóng trách nhiệm?

Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án quan trọng quốc gia, do Bộ GTVT là chủ đầu tư. TP.Hà Nội có trách nhiệm liên quan trực tiếp đến việc tiếp nhận, khai thác, vận hành hệ thống giao thông công cộng này, nhận và trả nợ đối với phần vốn vay lại để thực hiện dự án theo quy định.

Đồng thời, Hà Nội cũng nêu một số vướng mắc như hiện vẫn còn một số vấn đề về kỹ thuật, đăng kiểm, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa chủ đầu tư là Bộ GTVT và tổng thầu của dự án. Vì thế, tiến độ bàn giao, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục bị chậm so với cam kết của chủ đầu tư và tổng thầu.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhận định những khó khăn vướng mắc hiện nay của dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các bộ, ngành có liên quan. Do vậy, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội báo cáo và kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo và quyết định giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Dư luận đặt câu hỏi, như vậy Hà Nội có đang đá bóng trách nhiệm?

 Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VOV.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VOV.

Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho rằng, liên quan đến dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội phải có trách nhiệm liên đới chứ không chỉ của Bộ GTVT và Tổng thầu EPC Trung Quốc.

“Đồng ý dự án trên Bộ GTVT là chủ đầu tư nhưng việc Hà Nội cho rằng, còn tồn tại một số vướng mắc dẫn đến tiến độ bàn giao, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục bị chậm so với cam kết của chủ đầu tư và tổng thầu là trách nhiệm của Bộ GTVT là chưa thỏa đáng, chưa thực sự khách quan. Bởi dự án này nằm trên địa bàn TP Hà Nội dù chậm trễ một phần lớn do đơn vị thi công nhưng việc chậm trễ này cũng một phần do công tác giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, dự án Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội phải có trách nhiệm liên đới”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thời điểm này, Hà Nội phải cùng Bộ GTVT căng tay ra chịu trách nhiệm và phải có hướng khắc phục, sửa chữa cho tốt.

“Giờ Hà Nội sợ, ngại rồi cho rằng chỉ có trách nhiệm liên quan trực tiếp đến việc tiếp nhận, khai thác, vận hành hệ thống giao thông công cộng này, nhận và trả nợ đối với phần vốn vay lại để thực hiện dự án theo quy định là chưa thực sự khách quan. Bởi dự án trên địa bàn, Hà Nội phải giải phóng mặt bằng, rồi hỗ trợ các thứ liên quan dự án. Dù biết rằng, chủ đầu tư là Bộ GTVT – đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc chọn thầu, tổ chức đấu thầu, thời gian qua dự án Cát Linh – Hà Đông chậm trễ thi công, đội vốn từ từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,59 tỷ đồng (vượt 10.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây là một dự án rất lớn, rất quan trọng của thủ đô Hà Nội, việc dự án chậm trễ cũng ảnh hưởng rất lớn đến Hà Nội”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Nói về dự án Cát Linh – Hà Đông, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thời gian qua bộc lộ quá nhiều bất cập do có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là đơn vị thi công chậm trễ, đội vốn do tư vấn thiết kế ban đầu.

“Dự toán công trình lớn như vậy mà năng lực chọn thầu thấp rồi năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế. Tôi cho rằng, do sợ vốn lớn quá nên làm nhỏ. Thực tế ai mà biết vốn lớn, vốn nhỏ. Chỉ có nhà chuyên môn họ mới biết, công trình đó bao nhiêu vốn, như thế nào, ra làm sao thôi. Dẫn đến trong quá trình thi công thiếu cái này, thiếu cái nọ, mua cái này cái kia dẫn đến đội vốn lớn. Rõ ràng, trách nhiệm hết sức lớn thuộc về Bộ GTVT nên phải kiểm điểm chủ đầu tư. Có xử lý nghiêm thì mới không có những hệ lụy kiểu cứ chọn nhà thầu đi, cứ cho đầu tư đi, cứ ghi vốn đi rồi trong quá trình thi công tiếp tục tăng vốn. Việc này phải chấn chỉnh, khắc phục ngay và phải kiểm điểm trách nhiệm chứ không thể nói qua loa, đại khái của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm chính của chủ đầu tư thì trách nhiệm phụ kế đó là của UBND TP Hà Nội”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Ở một góc độ khác, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay có thể hiểu đơn giản, chủ đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức đầu tư sở hữu vốn hoặc có thể là được giao vốn để triển khai xây dựng các công trình hay dự án trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

“Với tư cách là người quản lý nguồn vốn đồng thời có quyền lựa chọn đơn vị thầu, chủ đầu tư là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư của các công trình xây dựng. Chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình triển khai dự án cũng như khắc phục những hậu quả của dự án nếu có. Chủ đầu tư cũng là cá nhân/đơn vị được quyền yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình hay yêu cầu nhà thầu khắc phục hậu quả khi công trình vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và vệ sinh môi trường. trong quá trình thi công”, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Do đó, không chỉ chịu trách nhiệm hoàn toàn về pháp luật, chủ đầu tư còn là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về các khâu thiết kế và thi công công trình.

Cụ thể, chủ đầu tư là người/ đơn vị thẩm định và phê duyệt ý tưởng thiết kế, dự trù kinh phí. Sau đó, chủ đầu tư cũng là người phê duyệt kế hoạch đấu thầu, làm hồ sơ dự thầu mời thầu. Nếu là các công trình không sử dụng vốn Ngân sách nhà nước thì phải đánh giá nhà thầu và thông báo kết quả đấu thầu.

“Như vậy, có thể thấy trong trường hợp này thì Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm trước sự chậm trễ cũng như toàn bộ mọi vấn đề của dự án này”, Luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/duong-sat-cat-linh-ha-dong-ha-noi-neu-vuong-mac-gico-da-bong-trach-nhiem-1280319.html