Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối
Đến nay, tiến độ do Thủ tướng Chính phủ đưa ra đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông (31/3/2021) vẫn đang được các bên bám sát.
Sáng nay, 19/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cùng đại diện các Sở, ngành, Công ty TNHH MVT Metro Hà Nội đã có buổi kiểm tra, làm việc với Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) về dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông trước khi tiếp nhận, bàn giao dự án này về Hà Nội khai thác.
Chú trọng yêu cầu an toàn tuyệt đối
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã giao Công ty Metro Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để TP sẵn sàng tiếp nhận Dự án từ Bộ Giao thông vận tải đúng quy trình thủ tục khi đã đủ điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối theo quy định.
Hiện, Công ty Metro Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo 600-700 nhân viên bao gồm lái tàu, nhân viên bán vé, điều hành… đủ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng tích cực phối hợp với Bộ GTVT để hoàn thiện những công đoạn còn lại của dự án.
Đến nay, tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra đối với dự án là 31/3/2021 vẫn đang được các bên bám sát, Hà Nội sẽ tiếp nhận dự án để đưa vào vận hành thương mại khi đảm bảo đầy đủ các yếu tố, trong đó có đánh giá an toàn của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.
“Sau khi đầy đủ các yếu tố theo quy định để bàn giao, Hà Nội sẽ tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT và có kế hoạch vận hành cụ thể. Trong đó, phải vận hành thương mại thử từ 1-3 tháng sau đó mới đưa vào vận hành thương mại chính thức”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, khởi điểm có vai trò quan trọng, việc đưa vào vận hành thương mại tuyến này sẽ giúp thành phố có kinh nghiệm vận hành các tuyến tiếp theo như Nhổn- Ga Hà Nội và các tuyến khác (8 tuyến theo quy hoạch).
“TP Hà Nội sẽ chỉ đạo Công ty Metro Hà Nội và các bên liên quan tích cực phối hợp với Bộ GTVT để hoàn tất các thủ tục còn lại, đẩy nhanh việc đưa dự án vào vận hành thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”- ông Dương Đức Tuấn cho hay.
Phó Chủ tịch Hà Nội cũng nhận định, khi tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông đi vào vận hành thương mại sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm tải phương tiện cá nhân trên tuyến. Việc lưu thông 13km trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông rất thuận tiện so với việc lưu thông bằng phương tiện cá nhân trên tuyến.
“Đây là phương tiện giao thông ưu việt trong tổ chức giao thông đô thị, nhất là với những đô thị lớn, mật độ phương tiện cao như Hà Nội”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá.
Hơn nữa, tại ga cuối Cát Linh của tuyến được nối thông với ga S10 của tuyến đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội, người dân có thể đi tiếp vào trung tâm thành phố hoặc đi ra khu vực cầu Giấy, Nhổn. TP Hà Nội sẽ có chính sách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng như miễn phí cho người dân trong nửa tháng đầu tiên, giá vé ưu tiên theo từng đối tượng…
Sớm có quyết định chính thức về giá vé
Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực phối hợp và thống nhất với Bộ GTVT phương án chuyển giao quyền điều hành từng phần để Metro Hà Nội có thời gian tiếp nhận, từng bước vận hành.
UBND TP Hà Nội sẽ chấp thuận phương án tiếp nhận chuyển giao từng phần theo báo cáo của Metro Hà Nội, cho phép nghiên cứu cho phép Metro Hà Nội ký triển khai các dịch vụ cung cấp như bảo vệ, điện nước.
Ngoài ra, lãnh đạo TP Hà Nội giao Metro Hà Nội, các Sở như Xây dựng, GTVT…. phối hợp với Ban QLDA đường sắt - Bộ GTVT hoàn thiện các hạng mục còn lại, như trồng thảm cỏ, cây xanh dọc tuyến để chống lấn chiếm, làm sao để cảnh quan xứng tầm với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội.
Về phương án giao thông kết nối với tuyến đường sắt đô thị này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, về phương án giao thông kết nối đã được Sở GTVT chỉ đạo sớm, trong đó trọng yếu là các tuyến xe buýt kết nối.
Theo ông Viện, sau khi tuyến Cát Linh- Hà Đông vận hành thương mại chính thức thì các tuyến buýt cũng sẽ dịch chuyển dần để phối hợp, đáp ứng nhu cầu, thói quen đi lại của người dân.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (đại diện chủ đầu tư), Bộ GTVT thông tin, đến nay dư án đã cơ bản hoàn thành nghiệm thu.
Về nghiệm thu PCCC, đã được Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an cấp chứng nhận. Nhưng theo ông Tùng, hiện vẫn còn một số vướng mắc, Ban QLDA Đường sắt đang tích cực làm việc với Tổng thầu EPC để hoàn thiện.
“Đến nay, Ban QLDA vẫn đang bám sát tiến độ hoàn thành dự án mà Chính phủ và Bộ trưởng GTVT đưa ra”- ông Tùng thông tin.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Metro Hà Nội thông tin thêm, hiện đã hoàn thành công tác kiểm đếm cơ sở vật chất tại hiện trường; hoàn thành kiểm đếm trang thiết bị hiện có; đã kiểm đếm xong 80% hồ sơ hoàn công theo danh mục hồ sơ. Hiện nay, Tổng thầu và Metro Hà Nội vẫn duy trì vận hành 2 đoàn tàu trên tuyến/ngày.
Tại cuộc họp, ông Trường kiến nghị TP Hà Nội sớm có quyết định chính thức về giá vé trên tuyến trước khi dự án đưa vào vận hành thương mại, đồng thời hoàn thiện một số thủ tục liên quan.