Đường sắt Cát Linh- Hà Đông khai thác ra sao sau 5 ngày lăn bánh?
Các ngày trong tuần này, lượng khách đi tàu Cát Linh- Hà Đông đã giảm, không còn tập trung đông đúc như ngày cuối tuần trước đó.
Khách còn khoảng 20.000 lượt/ngày
Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, sau 5 ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành miễn phí (từ 6-11/11), đã có 132.325 lượt hành khách đi tàu.
Trong đó, đông khách nhất là hai ngày đầu khai trương, sau đó khách giảm xuống ở mức dưới 20.000 khách/ngày, ngày thứ năm có số lượng khách thấp nhất.
Cụ thể, ngày khai trương (6/11) có 25.680 lượt khách/chạy 109 chuyến; ngày 7/11 có 54.121 khách/141 chuyến; ngày 8/11 có 19.341 khách/136 chuyến; ngày 9/11 có 16.857 khách/136 chuyến; ngày 10/11 có 16.217 khách/136 chuyến.
Như vậy, trong 3 ngày từ 8 - 11/11 (ngày làm việc trong tuần) số lượng khách đi tàu trung bình có hơn 120 đến 140 khách/chuyến, tương đương với 12-14% sức chở tối đa của đoàn tàu (960 người).
Liên quan đến việc điểm trông giữ xe dọc tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông để phục vụ hành khách, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện chỉ có ga Cát Linh tổ chức giữ xe miễn phí cho khách đi tàu, còn các ga khác chưa tổ chức trông giữ xe.
Sở GTVT Hà Nội cho biết đã đề nghị các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình khảo sát, lên phương án lập các điểm trông giữ xe phục vụ khách đi tàu. Hạn cuối là ngày 12/11, các quận sẽ báo cáo về phương án tổ chức trông giữ xe để Sở GTVT tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga, trung bình 1,2km có một ga. Thời gian này, các đoàn tàu hoạt động từ 5h30 - 22h hàng ngày, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến. Từ 6/11 - 20/11, tàu Cát Linh - Hà Đông chở khách miễn phí, sau đó chở khách có thu tiền.
Giá vé hỗ trợ tối đa
Trong 6 tháng đầu tiên, các đoàn tàu chở khách từ 5h - 23h, tần suất 10 phút/chuyến; mỗi đoàn tàu có sức chở 960 khách, lưu thông với vận tốc trung bình 35km/h, thời gian đi toàn tuyến hết hơn 23 phút.
Giá vé được ngân sách thành phố Hà Nội trợ giá, với các loại vé: vé đi một lượt (8.000-15.000 đồng), vé ngày (30.000 đồng/ngày, đi lại trong ngày, không giới hạn số lượt đi); vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày phát hành vé), vé tháng mua theo tập thể 140.000 đồng (vé tháng, mua theo tập thể từ 30 người trở lên), vé tháng cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp (100.000 đồng/vé); vé miễn phí (trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo).
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, việc tổ chức để thu hút khách đi tàu Cát Linh- Hà Đông cần phải được tiến hành bài bản, thường xuyên và liên tục. Ngay từ khâu đầu tư, xây dựng, chuẩn bị khai thác, vận hành, tổ chức, quản lý… đều phải để đảm bảo những tiêu chí là tàu đường sắt đô thị phải nhanh hơn các loại hình vận tải công cộng khác, rẻ hơn phương tiện cá nhân để phù hợp nhất với người dân.
Ngoài ra còn phải có kịch bản tối ưu, đảm bảo đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của người dân như: bố trí điểm trông giữ phương tiện cá nhân, có hệ thống dịch vụ hàng hóa xung quanh nhà ga, kết nối với xe buýt, taxi… thuận tiện, dễ dàng.
Bên cạnh đó, các địa phương có tuyến đường sắt đô thị cũng rất cần khuyến khích người dân sử dụng như Hà Nội đã hỗ trợ giá vé tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Cần chủ động xây dựng sổ tay hướng dẫn hành khách đi đường sắt đô thị thật cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ để mỗi một hành khách lại trở thành một tuyên truyền viên cho những người trong khu phố, gia đình, bạn bè, lan tỏa lợi ích và ưu điểm của đường sắt đô thị đến toàn xã hội...