Đường sắt đẩy mạnh số hóa, quản chặt lái tàu
Đường sắt đẩy mạnh số hóa quản lý lái tàu, nhiên liệu đầu máy, tăng minh bạch, hiệu quả quản trị.
Chỉ một cái click chuột, biết hết mọi thông số về chuyến tàu, lái tàu
Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều khiển đầu máy kéo tàu, anh Nguyễn Kiều Bách, Tổ trưởng tổ lái máy D19E-950 (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) lại mở điện thoại smartphone, tra tìm thông tin về chuyến đi của mình trên website cơ báo điện tử.
Anh cho biết, cơ báo là báo cáo vận chuyển, thể hiện các thông tin từ lúc lái tàu lên ban cho đến lúc xuống ban và là căn cứ để tính chi phí trả công cho lái tàu cũng như kiểm soát lái tàu.
Trước đây, khi lái tàu lên ban, trực ban đầu máy sẽ phát cơ báo giấy. Lái tàu sẽ phải viết các thông tin dữ liệu vào cơ báo: Tên lái tàu, phụ lái tàu tham gia lái đầu máy kéo tàu, khu đoạn lái tàu, các ga trong khu đoạn, giờ giấc tàu đi, đến các ga, các mục giao nhận nhiên liệu, dầu bôi trơn... Quá trình lên ban lái tàu, phải đi xin ký xác nhận với các bộ phận liên quan như trực ban chạy tàu (thuộc ga quản lý), trưởng tàu (thuộc đoàn tiếp viên đường sắt)...
“Qua tra cứu thông tin về các cơ báo điện tử, người lái tàu cũng có thể tự tính toán được lương, thưởng... của mình một cách tương đối. Vì qua thông số hiển thị, sẽ biết chuyến tàu đó, mình thực hiện kéo tàu bao nhiêu giờ để tính lương.
Rồi giờ tàu đến khu đoạn cuối cùng so với biểu đồ chạy tàu có đúng giờ không để tính tiền thưởng khuyến khích lái tàu đúng giờ; Số nhiên liệu tiêu hao thực tế thấp hơn so với định mức là bao nhiêu để tính trả công khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu.
Từ đó lái tàu biết được thu nhập từng chuyến tàu, thu nhập hàng tháng. Nói chung minh bạch, rõ ràng nên anh em cảm thấy thoải mái.”, lái tàu Nguyễn Kiều Bách cho hay.
Tuy nhiên, từ ngày 1/10/2022, Tổng công ty Đường sắt VN đã áp dụng chính thức phần mềm cơ báo điện tử. Phần mềm này đã có mẫu sẵn, các bộ phận liên quan như điều độ tuyến, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu nhập thông tin vào theo chức năng, nhiệm vụ. Lái tàu chỉ cần báo về trực ban đầu máy các thông tin theo quy định thay vì phải viết vào cơ báo giấy và đi xin ký xác nhận hàng chục thông số như trước.
Theo anh Bách, trường hợp muốn xem lại các dữ liệu chuyến tàu mình đã thực hiện nhiệm vụ, lái tàu chỉ cần nhập số hiệu đầu máy, ngày đi tàu trên hệ thống là có thể tra được thông tin như: Thời gian kéo tàu, thời gian tàu đến đúng giờ, nhiên liệu tiêu hao... Nếu có thông số nào không đúng, có thể phản ánh với trực ban đầu máy để báo cáo cấp trên điều chỉnh.
Tương tự, tài xế trưởng tổ lái máy 928 Lê Công Thức phấn khởi: “Thời đại 4.0 rồi, áp dụng cơ báo điện tử vừa hiện đại, vừa giảm tác nghiệp, công việc cho anh em lái tàu, lại rõ ràng, minh bạch”.
Anh Thức chia sẻ, với cơ báo giấy trước đây, anh em lái tàu đi đường phải bảo quản rất cẩn thận, chỉ sợ mất; Rồi mưa gió hay nước dây vào, bị bẩn, bị hỏng, sẽ phải làm lại, xin xác nhận lại của các bộ phận liên quan, rất phức tạp. Chưa kể dọc đường lái tàu nhiều tác nghiệp, có thể viết thông tin vào cơ báo giấy bị nhầm.
Giờ chỉ cần nhập mã “định danh” vào hệ thống, là sẽ hiện thông tin tên, thuộc đội nào, đơn vị nào quản lý, vừa nhanh vừa tránh nhầm lẫn. Các bộ phận liên quan, trách nhiệm của bộ phận nào, bộ phận đó nhập dữ liệu, từ cấp nhiên liệu, đầu máy kéo tàu hay đầu máy dồn, tấn số đoàn tàu, thời gian tàu đến ga, rời ga... Tất cả hiển thị trên hệ thống, nên bộ phận nọ có thể kiểm soát chéo bộ phận kia, hạn chế tối đa sai, nhầm thông tin.
Giảm tác nghiệp thủ công, tăng tính chính xác
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Năng Khang, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Tổng công ty đã nghiên cứu, triển khai áp dụng phần mềm cơ báo điện tử nhằm giảm thiểu tác nghiệp thủ công, tăng tính chính xác, hiệu quả đáp ứng kịp thời công tác quản trị, điều hành.
Mục tiêu nhằm số hóa các tác nghiệp cho lái tàu trong việc kê khai, nhập, xuất dữ liệu, thông tin về đoàn tàu, đầu máy và kết nối các phần mềm quản trị điện tử khác để thống nhất, đồng bộ về số hóa dữ liệu.
Thông tin cụ thể, ông Khang cho biết, trước đây, lái tàu nhận cơ báo (giấy) để lên ban và ký xác nhận với trực ban đầu máy thời gian lên ban, các tác nghiệp liên quan, dọc đường sẽ tiếp tục xin xác nhận của các bộ phận, đơn vị theo quy định cho đến khi xuống ban.
Trên tờ cơ báo thể hiện rất nhiều thông tin phải được xác nhận của các bộ phận khác: nhiên liệu khi lĩnh, nhiên liệu tiêu hao trong quá trình chạy tàu, tấn số đoàn tàu, toa xe thay đổi trong hành trình chạy tàu... Nói chung rất nhiều thủ tục để kiểm soát, tốn rất nhiều nhân lực và thời gian.
Sau khi xuống ban, tờ cơ báo được đưa về tổ thống kê để xác định: Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, chỉ tiêu đúng giờ có đạt hay không, kéo tàu có an toàn không, đánh giá cơ báo loại gì... Kết quả thống kê này lại được chuyển đến bộ phận kế hoạch để tính sản lượng, trên cơ sở đó bộ phận tiền lương tính tiền lương cho lái tàu.
Do vậy, cơ báo rất quan trọng, là dữ liệu đầu vào của một đơn vị. Nhưng do viết thông tin trên giấy, lại qua nhiều khâu bằng thủ công nên phải đối chiếu qua nhiều khâu. Việc giám sát, kiểm đếm, xác minh lại cũng sẽ mất nhiều thời gian.
Với cơ báo điện tử, các bộ phận liên quan chỉ cần ngồi một chỗ để xác nhận các thông tin này lên hệ thống. Các bộ phận có thể “nhìn” được ngay các thông tin trên hệ thống nên xác định được các dữ liệu hành trình đoàn tàu có chính xác không. Ví dụ: ở ga nhập thông tin tàu chạy đến ga là 15h00, nhưng nhân viên điều độ tại trung tâm điều hành chạy tàu nhìn trên biểu đồ chạy tàu hiển thị giờ tàu đến là 15h05, sẽ xác minh, điều chỉnh lại thông tin này ngay trên hệ thống.
“Các bộ phận có thể kiểm soát lẫn nhau, đảm bảo tính chính xác của thông tin đầu vào. Không như với cơ báo giấy, sẽ phải rà, hỏi các bộ phận, chức danh liên quan; thậm chí phải kiểm tra qua băng đồng hồ tốc độ trên đầu máy...
Mỗi tháng có hàng nghìn cơ báo với nhiều thông số phải kiểm tra, xác minh như vậy, nên khối lượng công việc nhiều, rất mất thời gian cho các bộ phận, đơn vị thực hiện. Nay vừa giảm được khối lượng công việc, vừa tăng tính chính xác và thuận tiện.”, ông Khang nhấn mạnh.
Hiệu quả trong quản trị
Ở cấp đơn vị trực tiếp quản lý lái tàu, đầu máy, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, việc áp dụng cơ báo điện tử mang lại hiệu quả rõ ràng trong quản lý, đây là bước tiến vượt bậc. Trước đây, với cơ báo giấy, vì viết tay nên không tránh được nhầm lẫn, cũng không ngoại trừ khả năng cố tình vi phạm, sửa thông tin dữ liệu.
Nay tất cả thể hiện trên hệ thống, mác tàu, số hiệu đầu máy kéo tàu, tấn số..., kéo đúng giờ không, rất minh bạch. Qua đó giúp công tác thống kê kịp thời, chính xác hơn, làm cơ sở tính các chỉ tiêu nhiên liệu, kéo tàu đi, đến đúng giờ, lương, thưởng.
“Đồng thời, có thể tra tìm trạng thái tức thời của đầu máy, tức đầu máy nào đang kéo tàu ở đâu, chở gì, đầu máy nào về ga giờ nào..., sẽ hỗ trợ các cấp lãnh đạo quản lý tình hình vận dụng đầu máy một cách chính xác, kịp thời, từ đó tiết giảm các chi phí vận hành và tăng hiệu quả khai thác vận dụng đầu máy.”, ông Thủy cho hay.
Ở cấp quản lý, vận dụng đầu máy toàn ngành, Phó TGĐ Hoàng Năng Khang nhấn mạnh, việc áp dụng cơ báo điện tử không chỉ thuận lợi cho quản lý, điều hành tại các xí nghiệp đầu máy mà còn thuận lợi đối với Tổng công ty Đường sắt VN trong quản lý điều hành sức kéo chung.
Trước kia, dữ liệu được các xí nghiệp đầu máy gửi về Tổng công ty hàng tháng, Tổng công ty sẽ phân tích, tính toán trả chi phí sức kéo cho các đơn vị này. Giờ các dữ liệu đều có trên hệ thống, phần mềm phân tích ngay kết quả đưa ra những chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật, từ đó có phương án xử lý kịp thời, góp phần tăng hiệu quả điều hành quản trị.
“Hơn nữa, giúp các cấp lãnh đạo điều hành có thể nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, từ đó đưa ra các quyết định chỉ đạo sản xuất hiệu quả, tức thời theo thời gian thực và từng bước thực hiện chuyển đổi số ở Tổng công ty”, ông Khang nói.