Đường sắt đô thị cần tầm nhìn dài hạn với sự đồng thuận của người dân
Sau 2,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thành công tốt đẹp.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn một lần nữa nhấn mạnh, theo quy hoạch Thủ đô có 10 tuyến với tổng chiều dài khoảng 417,8km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,5 tỷ USD, đến nay mới hoàn thành được 13km (tuyến 2A Cát Linh- Hà Đông) và đang thi công 12,5km tuyến số 3 đoạn Nhổn- ga Hà Nội.
Để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm (đến năm 2035), cần bố trí khoảng 37 tỷ USD và cần có kế hoạch triển khai thực hiện đồng thời. Thời gian tới, thành phố sẽ phải có những giải pháp mạnh mẽ, cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù để thu hút nguồn vốn đầu tư.
Tại hội thảo, các ý kiến đã thể hiện sự đồng tình, thống nhất cao về vai trò ngày càng lớn của của hệ thống đường sắt đô thị, không những làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ các vấn đề nan giải trong quá trình đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển đường sắt đô thị ở các nước phát triển cũng như các nước đã đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có điều kiện tương đương Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống đường sắt đô thị.
Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân; hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, các ý kiến đóng góp sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung, góp phần xây dựng Thủ đô và Thành phố mang tên Bác trở nên văn minh, hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở cho 2 thành phố có được những đề xuất về chủ trương, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi và sẽ là tiền đề tạo ra những kế hoạch, giải pháp vượt trội trong lĩnh vực tái thiết, phát triển đô thị nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng; tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các giải pháp, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm đã triển khai thành công từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Qua đây, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu và tiếp tục giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, thể chế chính sách hiện hành liên quan trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển hệ thống đường sắt đô thị...