Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sắp chạy thử để nghiệm thu
Trong tuần đầu tiên của tháng 12/2020, đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sẽ chạy thử trong vòng 20 ngày để đánh giá an toàn. Sau đợt chạy thử này, nếu đủ điều kiện, dự án sẽ chính thức chạy thương mại.
Thông tin trên vừa được Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin trong ngày 18/11/2020. Việc vận hành thử toàn hệ thống đóng vai trò quan trọng để đơn vị tư vấn Pháp đưa ra các đánh giá, phục vụ nghiệm thu.
Tại lần chạy thử tới, toàn bộ nhân sự vận hành tuyến tàu điện với khoảng 800 người, trong đó 200 người của tổng thầu Trung Quốc, sẽ được huy động; tất cả hạng mục trong nhà ga hoạt động giống như khai thác thương mại để đánh giá an toàn.
Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cũng cho biết, căn cứ kết quả vận hành thử, Liên danh tư vấn độc lập Pháp (ACT) sẽ cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án (dự kiến trong quý I/2021). Sau khi được cấp chứng chỉ, chủ đầu tư (tức Bộ Giao thông Vận tải) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Thành phố Hà Nội quản lý, vận hành.
Hiện Tổng Giám đốc ACT đã có mặt ở dự án và trong tuần tới sẽ có thêm 7 chuyên gia sang Việt Nam để thực hiện công tác đánh giá vận hành thử.
Trong khi đó, Tổng thầu Trung Quốc đã có 100 chuyên gia sang Việt Nam, trong đó 70 người đang làm việc tại dự án và 30 người đang cách ly theo quy định. Đây là các chuyên gia kỹ thuật, giám sát thiết bị của dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến. Theo tiến độ trước đây, dự án chạy thử toàn hệ thống vào đầu năm 2020 để đánh giá an toàn, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chuyên gia từ Trung Quốc và Pháp không thể sang Việt Nam.
Giữa tháng 10/2020, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định cuối tháng 12 sẽ hoàn thành vận hành thử dự án, diễn tập các tình huống để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống, đánh giá theo quy định. Tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể để bàn giao tuyến đường sắt cho Hà Nội.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và một khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.
Tháng 9/2018, dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng và bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục nghiệm thu, bàn giao.