Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Vì sao xin lùi thời gian thực hiện dù đã đưa vào vận hành khai thác?
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Quyết định điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát LinhHà Đông (Dự án) theo hướng kéo dài thêm thời gian thực hiện đến ngày 6/11/2023 thay vì 31/3/2021 như trước đó đã phê duyệt.
Trước đó, tại thời điểm tháng 10/2008, theo Quyết định (QĐ) của BGVT thì thời gian thực hiện Dự án được tính từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 (5 năm). Đến thời điểm tháng 7/2015, tại văn bản số 1046/TTg-QHQT về việc phê duyệt vay bổ sung vốn ưu đãi Chính phủ Trung Quốc cho Dự án, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án là 05 năm, triển khai thực hiện từ năm 2010 và đi vào khai thác thương mại trong năm 2016.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do vướng mắc một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tiến độ Dự án tiếp tục kéo dài và không hoàn thành đúng tiến độ, Dự án tiếp tục được lãnh đạo Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, hoàn thành Dự án đến Quý I/2018 (vào năm 2017); tiếp tục chấp thuận, cho phép kéo dài thời gian thực hiện, hoàn thành Dự án đến Quý I/2019 (2018); cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/3/2021 (2020); trên cơ sở đó, thời điểm này, Bộ GTVT đã có QĐ phê duyệt điều chỉnh Dự án, trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/03/2021.
Mặc dù Dự án đã hoàn thành thi công xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị và nghiệm thu tổng thể công trình, nghiệm thu hoàn thành Dự án và đưa vào vận hành khai thác từ ngày 06/11/2021. Tuy nhiên, mới đây, trên cơ sở Tờ trình của BQL Dự án, Bộ GTVT đã số 493/QĐBGTVT phê duyệt điều chỉnh, trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến ngày 6/11/2023.
Tại QĐ này, Bộ GTVT giao BQL Dự án khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện các thủ tục để đề xuất gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay bổ sung; Khẩn trương làm việc với Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung, công việc còn lại của Dự án theo quy định của hợp đồng đã ký và các điều kiện nghiệm thu công trình. Phối hợp với Tổng thầu EPC rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết và có cam kết/ràng buộc trách nhiệm các chủ thể tham gia trong trường hợp không bảo đảm tiến độ điều chỉnh của Dự án.
Lý giải việc điều chỉnh, Bộ GTVT cho biết: Dự án đã hoàn thành và bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào vận hành khai thác từ ngày 6/11/2021. Tuy nhiên, theo Biên bản nghiệm thu hoàn thành và sau khi dự án được bàn giao vẫn còn một số công việc Tổng thầu phải tiếp tục thực hiện theo hợp đồng EPC như: mua sắm vật tư, linh phụ kiện dự phòng; mua sắm phương tiện chuyên ngành khu Depot; tiếp tục đánh giá an toàn đối với hệ thống tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác; hoàn thành các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng kiểm tra Nhà nước.
Cũng theo Bộ này, hiện nay, Tổng thầu vẫn đang tiếp tục thực hiện các công việc còn lại của Dự án theo quy định của Hợp đồng đã ký. Nội dung này đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có QĐ số 341/QĐ-TTg ngày 04/04/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc Dự án trong đó, chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 06/11/2023. “Để có cơ sở gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu phục vụ công tác nghiệm thu, thanh quyết toán và gia hạn Hiệp định vay bổ sung 1,598 tỷ NDT cần phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án về thời gian thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021.”- Bộ GTVT thông tin.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, về bản chất, lần điều chỉnh này chỉ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 06/11/2023 làm cơ sở gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu phục vụ công tác nghiệm thu, thanh quyết toán và gia hạn Hiệp định vay bổ sung. Tuy nhiên, cần phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021. Vì vậy, Ban QLDA Đường sắt có Tờ trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đối với Dự án Cát Linh - Hà Đông là có cơ sở.