Đường sắt đòi 'lấn sân' bất động sản
Ngành Đường sắt bất ngờ đưa ra một số đề xuất như giao toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng, nhà cung cầu, cung đường và toàn bộ tuyến Đà Lạt - Trại Mát cho ngành chủ động đầu tư hoặc hợp tác đầu tư xây mới, nâng cấp nhà ga thành các khu trung tâm phức hợp hiện đại. Ngoài công năng chính là phục vụ vận tải như phòng đợi, bãi hàng, kho... sẽ có các chức năng thương mại như siêu thị, cho thuê văn phòng.
Mới đây, trong cuộc họp có đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo ngành đường sắt tiếp tục cho rằng “năm 2019 là một giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành. Một trong những nguyên nhân là vướng mắc về cơ chế để đầu tư, phát triển hạ tầng. Kết cấu hạ tầng trực tiếp và nhà ga đều của Nhà nước, nhưng không có cơ chế để doanh nghiệp tự đầu tư”.
Không thể phủ nhận khát vọng được cống hiến, được tỏa sáng của các doanh nghiệp nhà nước như Tổng Công ty Đường sắt, nhưng có ít nhất bốn vấn đề khiến người ta băn khoăn sau khi nghe đề xuất trên.
Thứ nhất, khi đã đi làm kinh doanh, nếu thất bại thì trước tiên phải xem lại chính khả năng, sức sáng tạo của mình. Ngành Đường sắt không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều phải cạnh tranh với hàng không, đường bộ. Câu chuyện những chiếc đầu máy và đường ray răng cưa Phan Rang – Đà Lạt từng bị “bán sắt vụn”, Thụy Sĩ mua về phục vụ du lịch “hốt bạc”, đến nay vẫn là nỗi đau với nhiều người Việt.
Thứ hai, dư luận chưa quên những dự án đường sắt lãng phí như Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, tốc độ thiết kế 120km/h với tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỉ đồng, được kỳ vọng giải quyết vấn đề “đạt tầm quốc tế”. Thực tế đã cho thấy điều ngược lại, khi ga Hạ Long đón mỗi ngày có khi chỉ một chuyến tàu chợ, vài chục khách.
Thứ ba, “lò lửa” chống tham nhũng đang rực cháy với rất nhiều vụ án liên quan sai phạm trong quản lý sử dụng đất công: Thâu tóm đất tại Đà Nẵng, sai phạm sử dụng đất tại TP HCM… Nhiều “đại đại gia” như bà Bạch Diệp từng một thời nổi tiếng với những “siêu xe”, nay cũng “vào lò” vì cáo buộc tương tự. Đề xuất của Đường sắt Việt Nam cho “hợp tác đầu tư” để kiếm lời trên đất Nhà nước; trước khi phải vượt qua khâu đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt của pháp luật về quản lý đất công, tài sản công; còn vấp phải e ngại có nguy cơ xuất hiện thêm một “mỏ vàng” cho các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng.
Còn một lý do khác. Tự thân ngành nào, trước tiên phải làm tốt chuyên môn đó. Đường hàng không máy bay. Đường bộ ô tô. Đường sắt, trước tiên cần làm tốt chuyện tàu hỏa, rồi mới nên tính chuyện “lấn sân” bất động sản.
Thế nên gọi những đề xuất trên của ngành Đường sắt là “bất khả thi” thì hơi quá, nhưng gọi là “mơ màng” chắc không sai.