Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đòn bẩy phát triển khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu là ga Ngọc Hồi, khi triển khai hứa hẹn sẽ là đòn bẩy phát triển cho khu vực cửa ngõ phía Nam, tạo nên một trung tâm lớn về logistic, công nghiệp, vận tải hành khách cho Hà Nội.
Biến Ga Ngọc Hồi thành đầu mối giao thông vận tải Hà Nội
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, theo phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vận tốc thiết kế 350 km/h, tổng chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, chạy bằng nhiên liệu điện khí hóa.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, đi qua 20 tỉnh, TP và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Toàn tuyến được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70km/ga; 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ cả hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD. Theo lộ trình, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024, khởi công cuối năm 2027, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, đối với tổ hợp ga Ngọc Hồi, TP sẽ chỉ phối hợp giải phóng mặt bằng, còn đầu tư xây dựng sẽ theo dự án do Bộ GTVT chủ trì. Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ có đa chức năng, vừa phục vụ đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, vừa có khu depot cho đường sắt đô thị (ĐSĐT) của Hà Nội. Vì vậy dự kiến tổ hợp này sẽ có diện tích trên 250ha.
"Đây sẽ là đầu mối giao thông chính không chỉ của Hà Nội mà còn của cả Vùng Thủ đô, kết nối theo hướng Bắc - Nam. Tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại này sẽ kéo gần khoảng cách giữa Hà Nội với cả vùng, liên vùng, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội rất mạnh mẽ", ông Thành cho hay,
Chia sẻ về sức ảnh hưởng của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo ông Thành, đối với Hà Nội, nó sẽ tạo nên một đường liên kết mạnh mẽ, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa khu vực cửa ngõ phía Nam. Hiện khu vực này đã được quy hoạch xây dựng đô thị Phú Xuyên và phụ cận. Đô thị Phú Xuyên, tập trung nhiều đầu mối giao thông quốc gia như: Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam; cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5 và cảng sông Vạn Điểm.
Mặt khác, các khu công nghiệp Phú Xuyên là nơi thuận lợi để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) tới và phù hợp phát triển dịch vụ trung chuyển hàng hóa. Các khu công nghiệp này liên kết với các khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp đồng bằng phía Nam sông Hồng.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Lê Trung Hiếu nhận định, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ giúp vận chuyển hành khách nhanh chóng, thông suốt và hiệu quả hơn giữa hai chiều Nam - Bắc, biến Ngọc Hồi thành một trong những đầu mối giao thông vận tải quy mô nhất trong Vùng Thủ đô cũng như cả nước.
"Với Hà Nội, Tổ hợp ga Ngọc Hồi và đô thị cửa ngõ phía Nam sẽ trở thành hạt nhân của những mạch kết nối quan trọng, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng suất. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp", ông Lê Trung Hiếu nói.
Mở ra những cơ hội kinh tế mới
Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tổ hợp ga Ngọc Hồi không chỉ là bàn đạp phát triển đô thị phía Nam, mà còn là điều kiện để phân bố lại mật độ, kéo giãn dân cư từ trung tâm TP ra ngoại thành. Tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đã xác định kiến tạo khu vực này thành Đô thị Phú Xuyên và phụ cận.
Trong khoảng 10 - 15 năm tới, một khu vực đô thị rộng lớn phát triển bậc nhất Hà Nội sẽ được hình thành tại cửa ngõ phía Nam, trên địa bàn các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa.
Người dân từ nội thành, các huyện thị khác hay tỉnh, TP khác sẽ theo cơ hội việc làm, kinh doanh… kéo đến nơi này. Ở đâu có đầu mối giao thương lớn, có khu công nghiệp, dịch vụ ở đó sẽ có đô thị hóa", bà Hoàng Thị Thu Phương nói.
Bà Thu Phương nhận định, đầu mối giao thông phía Nam không chỉ mang đến lợi ích cho Hà Nội mà còn giúp các tỉnh gần như Hà Nam, Hưng Yên… đẩy nhanh quá trình đô thị hóa hơn. Bởi khi nhu cầu về logistic, sản xuất công nghiệp, thương mại tăng lên, các doanh nghiệp sẽ không chỉ tìm đến Hà Nội mà còn lựa chọn các tỉnh gần, tiếp giáp với điều kiện giao thông thuận lợi để thiết lập hệ thống sản xuất, phân phối.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, tuy đường sắt cao tốc chủ yếu được thiết kế để vận chuyển hành khách, nhưng nó cũng có khả năng vận chuyển hàng hóa. Việc tích hợp vận chuyển hàng hóa vào hệ thống đường sắt cao tốc có thể mở ra những cơ hội kinh tế mới, giúp thương mại nhanh hơn và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, ông Lê Trung Hiếu cũng cho rằng, đường sắt cao tốc sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa các khu vực, giúp thúc đẩy giao thương và du lịch. Điều này không chỉ giúp tăng cường phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi văn hóa và xã hội. Ngoài ra cả đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị đều sử dụng nhiên liệu sạch, giúp giảm lượng xe cá nhân và xe tải trên đường. Từ đó giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô.