Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giao lưu hàng hóa

Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, sáng 13/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Chi phí bảo trì vượt mức 1 tỷ USD mỗi năm

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhận định, đường sắt Việt Nam, từng được ví như “người khổng lồ” trong lĩnh vực vận tải, "đang ngủ quên" giữa thời đại phát triển bùng nổ của hạ tầng giao thông. "Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chính là cú hích cần thiết để đánh thức "gã khổng lồ" này, mở ra một chương mới đầy tiềm năng cho ngành vận tải. Đây là bước đi táo bạo, không chỉ thúc đẩy giao thương và kết nối vùng miền, mà còn là đòn bẩy để nền kinh tế Việt Nam vươn tầm, sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến", đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh)

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh)

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện Dự án, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ bài toán khổng lồ về vốn đầu tư đến việc quản lý vận hành phức tạp và chi phí bảo trì khổng lồ. Dự án đòi hỏi một lộ trình chuẩn bị khoa học, tính toán cẩn trọng và sự đồng thuận từ mọi cấp độ. Quyết tâm là có, nhưng để thành công, mỗi bước đi cần thực hiện thận trọng, chắc chắn, vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đảm bảo hiệu quả bền vững trong tương lai.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư lên đến 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Theo các đại biểu, đây là một khoản kinh phí khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng Việt Nam. Con số này vượt xa 114% so với tổng mức vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021–2025. Ngay cả dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành – vốn được xem là dự án trọng điểm, phức tạp nhất quốc gia với tổng vốn 16 tỷ USD – cũng chỉ chiếm khoảng 24% so với số vốn mà dự án đường sắt tốc độ cao yêu cầu.

"Điều này cho thấy quy mô của dự án đường sắt không chỉ lớn mà còn đòi hỏi sự dồn sức từ nhiều nguồn lực chưa từng thấy". Và như vậy, nếu không có chiến lược tài chính tối ưu, việc phân bổ nguồn vốn có thể tạo áp lực nặng nề lên ngân sách quốc gia, dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính. Hơn nữa, con số này cũng có nghĩa là dự án có thể gây tác động dài hạn lên nợ công, thậm chí đẩy mức bội chi lên cao trong một số giai đoạn.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn phải ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác như y tế, giáo dục, và phúc lợi xã hội, việc bố trí nguồn lực cho một dự án đồ sộ như đường sắt tốc độ cao sẽ đòi hỏi sự đánh đổi và sắp xếp lại nhiều hạng mục đầu tư quan trọng khác.

Đồng thời, dự án không chỉ là vấn đề xây dựng hạ tầng mà còn kéo theo chi phí vận hành và bảo trì lâu dài. Dự kiến mỗi năm sau khi đi vào hoạt động, chi phí bảo trì sẽ vượt mức 1 tỷ USD (tương đương hơn 25.000 tỷ đồng). Điều này đặt ra bài toán về nguồn vốn và phương thức tài chính bền vững để duy trì hệ thống vận hành an toàn, hiệu quả sau khi hoàn thành.

"Mỗi quyết định liên quan đến dự án này cần được tính toán một cách cẩn trọng, bảo đảm sự đồng thuận từ nhiều phía và phù hợp với sức chịu đựng tài chính quốc gia. Đầu tư lớn có thể mang lại lợi ích vượt bậc, nhưng nếu không có một kế hoạch phân kỳ đầu tư chặt chẽ và khả thi, cùng với phương án thu hồi vốn minh bạch, hiệu quả, thì nguy cơ lãng phí nguồn lực và gia tăng nợ công sẽ rất cao", đại biểu Nguyễn Như So lưu ý, đồng thời đề nghị thời gian hoàn vốn và tiến độ hoàn thành Dự án cũng cần phải tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Trong đó, Chính phủ cần làm rõ hơn nguyên nhân dẫn tới những hạn chế ở các dự án trước, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để tránh tình trạng tương tự. Chỉ khi đảm bảo được tính toán chi tiết và sự sẵn sàng cao, dự án mới có thể tiến hành một cách bền vững, tránh những rủi ro về kéo dài thời gian và đội vốn vốn đã thành “điểm nóng” của nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giao lưu hàng hóa

ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho biết, với địa hình lãnh thổ có chiều dài xấp xỉ 1.750 km, Việt Nam cần có một loại hình vận tải có hiệu suất cao để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; đặc biệt đối với các vùng khó khăn dự án đi qua sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giao lưu hàng hóa; hơn nữa, sẽ đa dạng hóa các loại hình phương tiện, làm giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông.

ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) phát biểu tại tổ thảo luận. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) phát biểu tại tổ thảo luận. Ảnh: Hạnh Nhung

Góp ý cụ thể liên quan đến vấn đề nguồn vốn đầu tư, đại biểu Huỳnh Thành Chung cho biết, đối với một dự án mang tính chiến lược quốc gia, bền vững, có vai trò lớn đối với nền kinh tế thì chủ trương đầu tư công sẽ mang tính bền vững và quản lý tốt hơn sau này.Nguồn vốn đầu tư công cũng sẽ cho phép Chính phủ chủ động tính toán, vận hành, khai thác, phục vụ cho các mục đích khác.

Về kỹ thuật và công nghệ, đại biểu nhận thấy, nên chọn tốc độ tối thiểu tuyến đường là 350km/h và hướng tới 380km/h – 400km/h, việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian khai thác. Giá vé cũng phải thấp hơn, đối với tuyến đường dài đề xuất không quá 70% và tuyến đường ngắn không quá 85% so với giá vé máy bay. “Nếu khai thác tốt thời gian, giá vé hợp lý thì chắc chắn đây sẽ là loại hình giao thông được người dân ưu tiên lựa chọn”.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, với tổng vốn đầu tư ước tính 67 tỷ USD, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hứa hẹn góp phần thay đổi diện mạo giao thông vận tải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Lưu ý vấn đề nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ là một áp lực lớn đối với dự án này, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị có các giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn.

"Dự án rất cần một cơ chế linh hoạt và đặc thù, bao gồm cả việc kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, vay vốn ưu đãi hoặc huy động trái phiếu trong nước để giảm áp lực cho ngân sách. Ngoài ra, việc phân nhỏ các thành phần đầu tư theo giai đoạn không chỉ giúp giám sát kỹ càng hơn mà còn tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí các nguồn lực và phù hợp với năng lực tài chính của từng thời kỳ của nước ta", đại biểu nói.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao nên sẽ phát sinh rủi ro trong việc vận hành và bảo trì. Do đó, đại biểu cũng đề nghị cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để bảo đảm tính bền vững.

Mở ra không gian phát triển kinh tế mới

Phát biểu tại tổ thảo luận, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu tập trung cho đường bộ, hàng không; hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, dẫn đến tụt hậu, phát triển không tương xứng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có của phương thức vận tải này.

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)

Việc đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong 2 khu vực và Châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...

Cũng theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa từng có tiền lệ thực hiện. Trong khi đó, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện chưa được cao; các ngành nền tảng, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Vận tải đường sắt đang dần mất vai trò, hạ tầng lạc hậu, chất lượng dịch vụ thấp và lạc hậu với thế giới và khu vực. Năm 2023, thị phần luân chuyển hành khách chỉ còn 1,07%, hàng hóa chỉ còn 0,91%. Trong khi đó, các nước phát triển, thị phần vận tải hành khách công cộng chiếm rất cao, rất tiện nghi và đúng giờ, thuận tiện, nhanh, các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Ngoài ra, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp phát huy hành lang kinh tế Bắc Nam, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn, gia tăng phương tiện cá nhân gây nên ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các đô thị lớn, đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

"Qua đó, mở ra không gian phát triển, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - dịch vụ, du lịch, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giảm chi phí logistic", đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Thế Công - Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-du-lich-giao-luu-hang-hoa-20241113151844814.htm