Đường sắt xử lý chặt chẽ chất thải tàu khách, đảm bảo môi trường
Ngành Đường sắt chú trọng công tác đảm bảo môi trường trên tàu khách, đặc biệt là trong xử lý chất thải, chấm dứt xả ra môi trường.
Đầu tư thiết bị vệ sinh tự hoại, chấm dứt xả thải trực tiếp
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên những đoàn tàu khách tuyến đường sắt Bắc - Nam và cả các tuyến địa phương như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai khoảng 4-5 năm trở lại đây, các toa xe sạch sẽ, không còn cảnh mùi tàu đặc trưng đến khó chịu, ám ảnh hành khách. Đặc biệt, buồng vệ sinh đã sạch hơn trước rất nhiều, không còn cảnh xả thải trực tiếp xuống đường tàu.
Bà Hàn Như Quỳnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây là kết quả nỗ lực của tổng công ty trong đầu tư, triển khai nhiều giải pháp đảm bảo môi trường trên toa xe khách nói riêng, môi trường đường sắt nói chung.
Theo bà Quỳnh, chất thải rắn trên tàu khách bao gồm hai dạng chính là chất thải rắn sinh hoạt, phát sinh chủ yếu từ hoạt động thải bỏ của khách đi tàu và chất thải rắn công nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ, phát sinh từ hoạt động sản xuất của nhân viên kỹ thuật theo tàu hoặc từ hành khách đi tàu, được thu gom về phân xưởng khám chữa chỉnh bị toa xe. Tại đây, tiến hành phân loại, lưu chứa, chuyển giao xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, trên mỗi toa xe đều bố trí các thùng lưu chứa rác tạm thời tại đầu toa xe, thùng rác nhỏ tại mỗi khoang hành khách và trong buồng vệ sinh. Nhân viên trên tàu sẽ thu gom, dùng bao kín không để rơi vãi, gây phát tán ra môi trường và đưa xuống các ga. Sau đó, rác được chuyển giao cho các đơn vị xử lý môi trường địa phương theo quy định.
Riêng đối với chất thải do hoạt động vệ sinh trên tàu, từ năm 2015, Tổng công ty Đường sắt VN đã đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị vệ sinh tự hoại trên 821 toa xe khách, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn của Bộ GTVT.
Theo đó, toàn bộ chất thải được thu gom và xử lý theo công nghệ vi sinh, chấm dứt xả thải trực tiếp xuống đường sắt, ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài, đồng thời không gây mùi, ô nhiễm không khí trong toa xe.
Sau dự án này, các toa xe khách đóng mới, cải tạo sau này đều lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại hiện đại, phù hợp với việc khai thác chạy tàu khách. Đồng thời, có quy trình cụ thể trong thu gom, xử lý chất thải phát sinh sau một quá trình chạy tàu.
Toa xe là nhà, dơ đâu làm sạch đó
Thông tin thêm với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm Công tác trên tàu Sài Gòn (Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam) cho biết, tại ga xuất phát, các toa xe cũng được đội vệ sinh chuyên nghiệp thực hiện vệ sinh trong, ngoài.
Trong quá trình tàu chạy, với phương châm “toa xe là nhà”, nhân viên phụ trách toa xe phải làm vệ sinh tối thiểu 3 lần/ngày và với tinh thần “Dơ đâu làm sạch đó, bừa đâu dọn đó”. Trưởng tàu chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Trong mỗi buồng vệ sinh có phiếu kiểm tra vệ sinh để trưởng tàu nhận xét. “Đây là một trong những căn cứ, tiêu chí để đánh giá chất lượng công tác của nhân viên phục vụ trên toa xe, từ đó nâng cao trách nhiệm của nhân viên, giữ toa xe luôn sạch sẽ”, ông Bảy nói.
Cùng với làm vệ sinh toa xe, theo ông Bảy, để đảm bảo chất lượng không khí, xử lý mùi tàu trong môi trường toa xe điều hòa đóng kín, ngành Đường sắt còn quy định định kỳ phun chất khử mùi; quy định nhiệt độ điều hòa tối thiểu.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế đường sắt sẽ có nhân viên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc đảm bảo môi trường trên tàu, từ chất lượng không khí, vấn đề rác thải… Định kỳ hàng tháng phun khử trùng toa xe, phun thuốc khử côn trùng như gián, rệp và phun phòng dịch mùa…
Bà Hàn Như Quỳnh cho biết, với việc tích cực triển khai thực hiện các giải pháp trên không chỉ đảm bảo môi trường trong vận tải hành khách, nâng cao chất lượng phục vụ mà còn nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường của các đơn vị, CBCNV đường sắt và cả hành khách đi tàu.
Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, trong công tác đảm bảo môi trường đường sắt vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định cần khắc phục. Đó là thiếu các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn chuyên ngành về chất lượng môi trường trên phương tiện đường sắt để làm căn cứ áp dụng.
Việc đầu tư dự án hay tập trung nguồn lực KHCN để nghiên cứu ứng dụng các giải pháp mới trong công tác xử lý chất thải đường sắt còn hạn chế. Mặt khác, hiện chưa có quy định xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong lĩnh vực đường sắt…