Đường sắt Yên Viên - Hạ Long cần thêm 4.000 tỷ đồng để thay đổi công năng vận chuyển

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo Chính phủ phương án đầu tư đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân - dự án bị đình hoãn từ 2011 đến nay. Bộ cho biết đơn vị tư vấn đã hoàn thành rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh cho dự án. Kết quả cho thấy dự án cần thay đổi công năng vận chuyển.

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng phê duyệt đầu tư từ năm 2004 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, có chiều dài 131 km, nối ga Yên Viên đến cảng Cái Lân, với tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án độc lập, khởi công năm 2008 và dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên đến năm 2011, dự án bị đình hoãn do chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có 4 tiểu dự án, nay đã đưa vào sử dụng tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân), trong khi 3 tiểu dự án khác vẫn đang chờ được hoàn thiện. Tiểu dự án 2 và 3 bao gồm việc xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại dài 35 km và nâng cấp, cải tạo tuyến cũ đoạn Phả Lại - Hạ Long dài 78 km. Tiểu dự án 4 (đoạn Yên Viên - Lim), do trùng với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và đã là đường đơn khổ đường lồng 1.435 mm và 1.000 mm, hiện tại chưa cần đầu tư thêm vẫn đáp ứng yêu cầu khai thác.

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân cần thay đổi công năng.

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân cần thay đổi công năng.

Để phù hợp với nhu cầu vận tải, quy hoạch đô thị và phát triển du lịch, đơn vị tư vấn đã đề xuất điều chỉnh từ đường đơn khổ lồng thành đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, đồng thời điều chỉnh chức năng và vị trí của một số ga dọc tuyến.

Với những thay đổi và quy mô đầu tư mới, Bộ GTVT ước tính cần thêm khoảng 4.000 tỷ đồng, nâng tổng chi phí dự án lên khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với mức đầu tư ban đầu. Bộ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn 2026-2030, tạo cơ sở để bố trí vốn và hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án.

Được biết, định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030. Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định việc đầu tư vào tuyến đường sắt này trong cùng giai đoạn. Đây là những cơ sở chính trị và pháp lý tạo tiền đề cho ngành giao thông tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt, kết nối hiệu quả Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/duong-sat-yen-vien-ha-long-can-them-4-000-ty-dong-de-thay-doi-cong-nang-van-chuyen-i758741/