Đường ta đi tới

Với sự nỗ lực vượt bậc, khắc phục khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2019, kinh tế Tuyên Quang tiếp tục tăng trưởng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, tạo đà để năm 2020 về đích các mục tiêu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đường ta đi tới đã rộng dài hơn trong niềm hân hoan đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc…

Hành trình xanh

Tuyên Quang đang lưu giữ một “kho vàng xanh” với trên 240.000 rừng tự nhiên, gần 200.000 ha rừng sản xuất. Rừng Tuyên Quang không chỉ bảo đảm cho điều hòa khí hậu, trở thành “lá phổi xanh” của sự sống mà giờ đây rừng sinh ra… vàng. Mỗi năm, Tuyên Quang trồng mới hơn 11.000 ha rừng và để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 25.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, dẫn đầu toàn quốc, giá trị gỗ rừng trồng nhờ đó tăng lên khoảng 20%.

Cầu Bình Ca được hoàn thành thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ảnh: Thùy Linh.

Cầu Bình Ca được hoàn thành thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ảnh: Thùy Linh.

Giữ rừng và mở rộng diện tích rừng trồng, Tuyên Quang hướng đến 2 mục tiêu: Phát triển công nghiệp chế biến và du lịch dịch vụ. Đây là hai trong ba khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tự nguyện thực hiện. Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được tổ chức vào tháng 2-2017, Tuyên Quang đã tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án, mở rộng quy mô sản xuất gỗ nguyên liệu. Quan điểm của tỉnh không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà chú trọng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó chế biến lâm sản là điểm nhấn quan trọng.

Nhiều công ty lớn đã đầu tư nhà máy và mở rộng quy mô sản xuất gỗ nguyên liệu tại tỉnh như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Nhà máy đũa Phúc Lâm… Với tinh thần khẩn trương, đồng hành cùng các nhà đầu tư, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền hoạt động. Hiện, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 4 nhà máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) với hệ thống dây chuyền hiện đại, tận dụng tối đa sản phẩm từ gỗ rừng trồng để sản xuất các mặt hàng dân dụng như bàn, ghế, giường, tủ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất trên 30 ha, do đó nhu cầu về nguyên liệu ngày càng lớn, tạo thuận lợi về đầu ra cho gỗ rừng trồng của người dân.

Nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào đã giúp Công ty cổ phần Giấy An Hòa không ngừng lớn mạnh, ngoài việc duy trì hoạt động ổn định 2 nhà máy, hiện nay công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với việc xây dựng thêm 1 nhà máy bột giấy công suất 150 nghìn tấn/năm, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020 để chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới. Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương, đất nước, năm 2019, Công ty cổ phần Giấy An Hòa được UBND tỉnh vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu, cá nhân Tổng Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Văn Anh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Một công trình xây dựng quy mô, hiện đại tại Khu Đô thị Việt Mỹ (TP Tuyên Quang). Ảnh: Quốc Việt.

Một công trình xây dựng quy mô, hiện đại tại Khu Đô thị Việt Mỹ (TP Tuyên Quang). Ảnh: Quốc Việt.

Tỷ lệ che phủ rừng của Tuyên Quang đạt 65%, đứng thứ 3 toàn quốc. Với những cánh rừng nguyên sinh trải khắp các địa phương trong tỉnh đã tạo nguồn sinh thủy dồi dào “nuôi dưỡng” những thác nước độc đáo như thác Bản Ba (Chiêm Hóa), thác Khuổi Nhi (Na Hang), đặc biệt hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình với hơn 8.000 ha mặt nước bao quanh các khu rừng nguyên sinh, được ví như “Hạ Long trên cạn”, trở thành điểm đến kỳ thú của du khách. Hiện ở Lâm Bình, Na Hang và nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển du lịch homestay gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Trung bình mỗi năm, Tuyên Quang đón trên 1,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Sản xuất nông sản gắn với tiêu thụ

Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu của Tuyên Quang trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Từ việc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung vào cây trồng chủ lực như chè, cam, phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm đạt tiêu chí thu nhập, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 ha cam, gần 9.000 ha chè đang thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đây là các sản phẩm ổn định đầu ra nhất cho người nông dân bởi có hợp đồng bao tiêu giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Các sản phẩm này hiện đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trong nước và nước ngoài. Sản phẩm Chè Kia Tăng của xã Hồng Thái (Na Hang) được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 8-2019, mở ra cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo bạn bè quốc tế.

Công ty TNHH Thường Mai (thị trấn Na Hang) phát triển nghề nuôi cá đặc sản. Ảnh: Hồng Lĩnh.

Công ty TNHH Thường Mai (thị trấn Na Hang) phát triển nghề nuôi cá đặc sản. Ảnh: Hồng Lĩnh.

Phát triển chăn nuôi hàng hóa đã hình thành theo từng vùng, phù hợp với điều kiện, lợi thế của mỗi địa phương. Theo đó, chăn nuôi trâu, bò, lợn tập trung tại huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương; phát triển bò sữa trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương; chăn nuôi gà, chăn nuôi vịt bầu địa phương tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa; chăn nuôi cá đặc sản tại Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Điểm nhấn trong phát triển chăn nuôi năm 2019 là tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi quy mô lớn, tập trung, không còn nhỏ lẻ như trước. Tiêu biểu là chuỗi chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã Công nghệ cao Tiến Thành với quy mô gần 2.000 con tại Yên Sơn, Chiêm Hóa, Lâm Bình. Đối với các sản phẩm cá, gà, vịt bầu ngoài việc hình thành chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp thì các địa phương chú trọng chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tạo nên bức tranh kinh tế Tuyên Quang nhiều sắc màu tươi mới. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 8,05%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.660 tỷ đồng; nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.407,5 tỷ đồng; bình quân thu nhập đạt 39 triệu đồng/người/năm, có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thành Công

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ha-tang/duong-ta-di-toi-126806.html