Đường trần mấy nẻo
Không phải Lệ kén cá chọn canh, mà bởi bản tính cô vốn thế. Khoan hòa, nhẫn nhịn và an yên. Một chút yếu đuối và nhạy cảm, một chút lãng mạn trong tâm hồn, khiến Lệ lo sợ lấy chồng giàu sẽ phụ thuộc vật chất và nhiều áp lực. Và trái tim Lệ đã mở cửa sau cho Hiếu từ lúc nào. Một thanh niên trắng trẻo thư sinh, tay chân nhỏ nhắn như con gái, ăn nói nhẹ nhàng, bố mẹ dạy học ở quê, hẳn không phải giàu có trọc phú.
Nắng miền Trung như thiêu như đốt, ngoài trời dễ đến 40 độ. Mặt đường nhựa nhẫy mỡ, ánh lên loang loáng. Chợt nhiên, quán nước dừa dưới tán bàng như chiếc dù xanh khổng lồ, trở thành chiếc nam châm hút người đi đường.
Hai người đàn bà gần như cùng dừng lại một lúc. Cùng chạm mặt nhau, cùng sững sờ và cùng thốt lên mừng tủi. Nga trên chiếc xe máy tay ga màu sữa trắng. Lệ cùng cậu con trai chừng sáu tuổi, bước xuống từ chiếc ôtô con màu mận chín. Họ gần như đổ ập vào nhau sau một phút ngỡ ngàng. Hai thiếu phụ trẻ ứa nước mắt, thổn thức.
- Chị Nga! Chị vẫn đẹp và cứng cỏi như xưa. Em cảm ơn chị... Sau phiên tòa, em đi luôn, không kịp nói lời cảm ơn... Lệ cười, quệt giọt nước mắt lăn trên gò má ửng hồng.
- Lệ đấy ư? Em giờ trông như bà hoàng í… Mừng cho em!
Nga kéo Lệ và cậu bé điển trai, ngồi ra một góc xa, mỗi người một quả dừa tươi đã cắm ống hút. Nga trìu mến nhìn mẹ con thiếu phụ trẻ, đài các ngồi trước mặt, lòng tràn ngập niềm vui và nỗi áy náy sâu sắc. Chị tự thấy mình là vị quan tòa tắc trách, đã từng dửng dưng như một cái máy trước số phận người đời. Và suýt nữa, Lệ đã chết mòn, chết oan...
- Chị xin lỗi em! Chị đã không tìm hiểu, chỉ ngồi một chỗ rồi phán như sách vở, không biết chi thực tế cay nghiệt gia đình em...
- Chị đừng nói thế. Hằng tháng, có biết bao án dân sự vây lấy chị, thời gian đâu chị dành riêng cho trường hợp của em. Vả lại, lỗi phần nhiều ở em, ở số phận em...
*
Quả có thế. Tốt nghiệp đại học, bọn con gái trong lớp ai nấy tíu ta tíu tít mở lòng đón nhận bạn trai. Mong gặp được người có điều kiện, để đảm bảo cuộc sống thong thả an nhàn. Không hiểu sao, Lệ ngược lại, né tránh và từ chối tất cả. Cô khép mình, gìn giữ như một tu sĩ. Dù vậy, đám con trai vẫn lượn lờ vòng trong vòng ngoài, có người sán vào săn đón, tán tỉnh. Cô sợ nhất những thanh niên bặm trợn vạm vỡ, bợm bãi râu tóc. Bởi cô nghĩ, những người đàn ông hầm hố thường vũ phu, coi vợ như thứ đồ chơi trong tay mình. Sự an phận của một cô gái nông quê nghèo khó ngăn cản trái tim non dại của Lệ chăng?
Không phải Lệ kén cá chọn canh, mà bởi bản tính cô vốn thế. Khoan hòa, nhẫn nhịn và an yên. Một chút yếu đuối và nhạy cảm, một chút lãng mạn trong tâm hồn, khiến Lệ lo sợ lấy chồng giàu sẽ phụ thuộc vật chất và nhiều áp lực. Và trái tim Lệ đã mở cửa sau cho Hiếu từ lúc nào. Một thanh niên trắng trẻo thư sinh, tay chân nhỏ nhắn như con gái, ăn nói nhẹ nhàng, bố mẹ dạy học ở quê, hẳn không phải giàu có trọc phú. Tình yêu giữa Lệ và Hiếu kéo dài gần hai năm thì cưới. Ai cũng mừng cho hạnh phúc của đôi trai tài gái sắc. Lệ cũng hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Với công việc ổn định, Hiếu có chút vị trí trong công ty đang bề ăn nên làm ra, lại được gia đình giúp sức, vợ chồng Lệ cũng đã có căn nhà ba tầng ở rìa thành phố. Vốn vùng nông thôn xưa, đất rẻ và vườn khá rộng. Bỗng nhiên thành phố quy hoạch mở rộng, nhà vợ chồng Lệ thành trung tâm, có trục đường lớn chạy qua. Ngôi nhà có giá gấp mấy lần giá trị cũ. Ai cũng mừng cho cô. Một số bảo cô có mắt tinh đời, biết chọn chồng hội tụ đủ yếu tố người đời mơ ước, đẹp trai, hiền lành, và biết kiếm tiền, lại gặp thời gặp thế. Lạ thay, tình cảm vợ chồng Lệ ngày càng không tỉ lệ thuận với vật chất có được. Thậm chí trái ngược hoàn toàn.
Khi Lệ mang bầu đứa con đầu lòng, cơ thể yếu ớt lại bị cái thai hành hạ, người dần như tàu lá, xanh xao võ vàng. Với khả năng kiếm tiền của Hiếu, đủ để trang trải cuộc sống gia đình, không cần đến những đồng lương công chức của Lệ. Vợ chồng thống nhất, Lệ xin nghỉ việc, ở nhà dưỡng thai và tiện chăm sóc con sau này.
Hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng như khi đang yêu. Cuộc sống vợ chồng Lệ chỉ yên ấm được thời gian đầu. Tâm tính Hiếu cũng thay đổi theo thời gian. Thay bằng việc yêu thương chăm sóc vợ thì Hiếu lại thờ ơ, tìm thú vui bên ngoài. Hình như suốt thời gian Lệ mang bầu, ở cữ và chăm sóc con dại, Hiếu đã thường xuyên trút sinh lực đàn ông vào một nơi nào đó. Đến nỗi không buồn che đậy bí mật nữa.
Có lần bạn bè báo cho Lệ biết số phòng, tên khách sạn, nơi Hiếu đang mây mưa hoan lạc với người tình trẻ. Lệ bụng mang dạ chửa, một mình khóc ròng trong đêm giá lạnh. Không chịu được, cô bấm máy gọi cho chồng, hết cuộc này cuộc khác, mãi rồi Hiếu cũng mở máy. Nhưng thay vì nghe lời chồng, là tiếng thở hổn hển và tiếng đàn bà trong cơn hứng tình như con thú bị trúng đạn. Và Lệ cũng bị trúng đạn! Viên đạn người chồng phụ tình bắn ra từ khách sạn ấy, găm thẳng vào trái tim người đàn bà một thời vang bóng, khiến Lệ chết đứ đừ như cá lên khỏi mặt nước.
Cơn ghen tuông đàn bà trong Lệ dày vò khủng khiếp, khi cô hình dung chồng mình ân ái với người tình, vừa hú hí vừa cười cợt cô. Mẹ chồng biết chuyện, động viên con dâu hãy bình tĩnh, nhất định Hiếu sẽ hồi tâm chuyển ý. Bà tỏ ra thông hiểu lẽ đời, rằng nhân tình chỉ như cái áo khoác ngoài, cởi ra mặc vào tùy lúc. Còn vợ, là cái áo mặc trong, luôn giữ ấm trái tim, người đàn ông không tùy tiện cởi bỏ. Bà cười, thủ thỉ, đàn ông mèo mỡ thế thôi, có mấy người dám bỏ vợ rước tình nhân về nhà đâu con? Lệ cũng dằn lòng, nhắm mắt nghe theo...
Hiếu về, mặt nặng mày nhẹ, vung rá đá kiềng. Anh quát, bảo Lệ rảnh rỗi quá, ngồi kiếm chuyện không đâu, trong khi anh ta vất vả đi làm, kiếm tiền lo kinh tế gia đình! Cuộc cãi vã xảy ra. Hiếu như mất hẳn lý trí, không từ việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người vợ bụng chửa vượt mặt. Đêm đó, Lệ sinh non bé Thương, cái thai mới bước sang tháng thứ tám...
Tình cảm vợ chồng rạn nứt. Cái bình pha lê hôn nhân của Lệ vụn vỡ. Khuyên can chồng mãi không được, từ một cô gái vui vẻ yêu đời, Lệ trở nên lặng lẽ, sống bên chồng như một cái bóng. Căn bệnh trầm cảm của Lệ càng nặng hơn sau khi sinh con. Lúc nào cũng trong trạng thái lo lắng, bồn chồn bất an. Mẹ chồng nhìn Lệ ái ngại, thương cảm. Thời đại đã thay đổi, mọi cái đã vượt ra ngoài ý nghĩ của bà xưa nay. Bà chẳng biết làm gì hơn, ngoài việc cố gắng để mắt đến đứa cháu nội đang còn đỏ hỏn.
Cái lần nhà Lệ tanh bành nhất, là khi Hiếu gần như say điên đảo với người tình trẻ, bất chấp mẹ già can ngăn, ra mặt chu cấp cho cô ta ăn học đại học, tính chuyện vuông tròn. Hiếu là lẽ sống của cô ta, là bậc trượng phu đã cứu cô thoát khỏi công việc ô uế, hứa hẹn cho cô tương lai, và Hiếu, dĩ nhiên đã chán ngấy cô vợ mặt lúc nào cũng đăm đăm cau có. Mỗi lời nói, ánh mắt, nụ cười của người tình trẻ đều khiến Hiếu mất ăn mất ngủ. Hiếu mê muội, say đắm bên người tình bất cứ lúc nào có thể. Vì yêu, vì thương cảm hoàn cảnh éo le, sự mới lạ, xúc cảm với người tình trẻ khiến Hiếu hào hoa quân tử bao nhiêu thì trái lại, Lệ nhận lấy sự dối trá ghẻ lạnh từ chồng bấy nhiêu.
Người ta nói, đàn ông ngoại tình giống như nghiện thuốc phiện. Chuyện Lệ bị Hiếu đánh diễn ra ngày một dày hơn, và bao giờ phần lỗi cũng đều do Lệ. Mà có sao đâu, do ai, vì đâu thì Lệ cũng bị đánh, tổn thương cả tinh thần lẫn thế xác. Có một điều mà Lệ không sao hiểu được, đó là những lần vũ phu, Hiếu chỉ đấm vào đầu, tát vào mặt Lệ, không thương tiếc. Hình như Hiếu không chịu nổi cái mặt vợ mỗi lần bước về nhà. Từ bao giờ, hai bàn tay của Hiếu trở thành nỗi ám ảnh trong tim Lệ.
Lệ biết là không thể cứu vãn hạnh phúc. Cô hiểu, dù có kéo được Hiếu trở về bên cạnh, thì đó chỉ là sự gá ghép sống sượng, cả hai cô đơn âm thầm bên nhau. Cô viết đơn ly hôn. Lệ tưởng chồng sẽ mừng như vớ được vàng mà đặt bút ký ngay vào đơn. Nhưng anh ta gạt đi. Cả hai lần đứng trước tòa, anh đều nói mạch lạc, rằng vợ chồng hiểu nhầm, sinh va chạm là không tránh khỏi, rồi sau mưa trời lại sáng trong thôi...
Tòa nghe thế thì mát ruột, khuyên Lệ đừng quá nông nổi đàn bà mà vội phá bỏ ngôi nhà hạnh phúc. Trong sâu thẳm ý nghĩ của những người có mặt trong hai phiên hòa giải, không ai hiểu được lòng dạ của Hiếu.
Thẳm sâu trong lòng, Hiếu biết trước sau rồi cũng ly hôn, bởi Lệ đã rất quyết tâm và anh cũng không còn yêu Lệ nữa. Nhưng để mất Lệ, thì anh không chấp nhận được. Đàn ông ích kỷ hơn người ta tưởng. Lệ không tin chuyện có người đã ly hôn xong, đường ai nấy đi và mình đã cưới vợ mới, nhưng thoáng thấy có bóng người đàn ông nào léng phéng đến gần vợ cũ là sừng sộ gây gổ…
Thế mà Hiếu còn hơn thế, anh ta thâm thúy trăm lần. Biết giờ đây do mang thai và sinh nở, Lệ xanh rớt và tiều tụy. Nhưng ẩn chứa bên trong Lệ là vẻ đẹp trời cho. Vẻ đẹp ấy sẽ hồi sinh, khi qua giai đoạn nuôi con nhỏ. Hiếu không muốn vẻ đẹp ấy rơi vào gã đàn ông khác. Anh phải làm cho tan vàng nát ngọc, khiến Lệ thân tàn ma dại khi bước ra khỏi nhà này. Và không có thằng đàn ông nào thèm nhìn lại Lệ nữa...
Lần tòa gọi phiên hòa giải thứ hai vào một ngày hạ nắng nóng, Lệ trùm khăn kín đầu, kín cả hai thái dương và hai má, chỉ chừa hai con mắt. Ai cũng nghĩ rằng do mới sinh, nên Lệ kiêng gió máy. Đâu hay rằng, chiếc khăn trùm là cách duy nhất để Lệ che đi những vết sưng bầm tím do những quả đấm, quả thụi từ bàn tay quen hành hạ của chồng...
Phiên hòa giải thứ ba, khuôn mặt Lệ như trận địa, một con mắt sưng vù như quả trứng chực bung vỡ, cái khăn trùm không thể che lấp. Hiếu vẫn trơn chảy và ngọt ngào trong mỗi câu nói yêu thương vợ. Rằng đó là do Lệ trượt chân cầu thang, để mặt đập vào tay vịn.
*
- Thú thực, khi chị dọa chuyển hồ sơ sang tòa hình sự, Hiếu lý nhí nhận lỗi một cách yếu ớt, chị mới hiểu ra tình cảnh đau đớn mà em chịu đựng suốt thời gian qua. Đáng ra chị phải giải quyết ngay, không kéo dài thời gian hòa giải. Nga tiếp - Mà cũng không phải dọa, nếu em không cản, chị định chuyển hồ sơ thật...
- Sau đó vài hôm, em sốt li bì, đầu óc đau như búa bổ, mê man bất tỉnh. Bố em đưa đến bệnh viện, chỉ kịp cứu được con mắt lành. Bác sĩ bảo, con mắt phải đã hoại tử nặng, nguy cơ cả nhiễm trùng máu. Phẫu thuật kịp nó, là cứu được con mắt trái, và cũng cứu được mạng sống em...
- Thế giờ... em mang một con mắt giả? Sao chị không nhận ra? Nó vẫn đẹp và sinh động như mắt kia!
- Dạ, cũng may chị ạ...
Lệ cười bẽn lẽn, rỉ rủm kể:
Rời phiên tòa, Lệ lên taxi đi ngay. Tất cả gọn nhẹ như ngày về nhà chồng, giờ chỉ thêm đứa bé ẵm trước ngực. Chiếc taixi chở mẹ con Lệ lao vút ra khỏi ngõ như chạy trốn. Mà cô chạy trốn thật, chạy trốn người chồng mất nhân tính, mà cô nghĩ nếu chậm chân, sẽ khó an lành cho hai mẹ con cô. Cô chỉ cần bé Thương là đủ, mọi thứ khác, nhà cao vườn rộng, không là gì nữa.
Đã từ lâu Lệ thủ phận nuôi con một mình. Không còn tin vào đàn ông, càng không mơ màng cuộc sống tươi đẹp đến với mình. Cô thấy mình quá nhiều mất mát. Con mắt phải hứng trọn quả đấm thôi sơn hiểm ác của người chồng bội tình, đã không cứu vãn được. Lệ ngơ ngác và đau đớn nhìn mình trong gương, khi cái hốc mắt đỏ lòm, sâu hoắm, trống hoác như hố bom. Số phận đã đẩy cô đến bước này sao?
Trong tình cảnh bố mẹ già khó cáng đáng thêm hai mẹ con mình, Lệ đã đặt một máy ép mía và bán sinh tố trái cây ngoài rìa đường, dưới gốc phượng tỏa bóng, chỗ đối diện với ngã ba có bãi đất trống người ta chăn thả gia súc. Lệ lấy bông đệm vào hốc mắt, băng lại, và đeo vào đôi kính đen. Khách của Lệ chủ yếu là bọn trẻ chăn bò và cánh thanh niên chiều chiều ra đá bóng ngày một đông. Bỗng nhiên, bãi đất trống thành công trường xây dựng một siêu thị lớn mấy tầng. Xe máy rộn ràng, công nhân đông đúc. Và quán nước mía sinh tố trái cây của Lệ theo đó mà đắt hàng.
Có một người ngày nào cũng ghé qua, ấy là ông chủ thầu công trình. Ông trạc tuổi sáu mươi, người tầm thước, tóc muối tiêu thò ra dưới vành mũ nhựa vàng công nhân. Ông và bé Thương thành ông cháu thân thiết từ lúc nào. Ông già vừa chơi trốn tìm với bé Thương, nhưng lại kín đáo nhìn Lệ từ một góc khuất. Cuối mỗi chiều, Lệ cùng chiếc xe đẩy chất đầy những ly sinh tố, đưa vào công trường cho công nhân.
Khi công trường sắp xong phần thô, ông già lặn đi đâu mất. Thay ông là một thanh niên khá điển trai, tên Cần, nghe nói từng du học mấy năm ở Tây về. Anh ta lặp lại quy trình như ông già ấy. Nghĩa là ngày nào cũng có mặt ở quán Lệ, gọi một ly sinh tố, và say mê chơi trò bố con với bé Thương. Đôi khi anh ta kín đáo nhìn Lệ không chớp. Lệ vội vàng quay đi, lẩn tránh cái nhìn lạ lùng ấy.
Được một thời gian, khi đã khá thân thiết, Cần ấp úng ngỏ lời đưa Lệ đi chữa trị con mắt hỏng. Cô giật mình như phải bỏng, lắc đầu quầy quậy, chối đây đẩy. Nhưng hình như Cần đã lường ước tất thảy:
- Mọi chi phí anh lo, chỉ cần em đồng ý.- Cần ngập ngừng nói thêm, hẳn để Lệ yên tâm: - Anh quý bé Thương, coi như... anh làm từ thiện...
Lệ đem chuyện nói với bố mẹ, hai ông bà suy nghĩ mãi, rồi cũng đồng tình. Còn động viên Lệ: Xã hội cũng còn lắm người tốt, họ giúp mình chữa bệnh, có ràng buộc gì đâu con? Lệ nhắm mắt đưa chân, lòng mong có được một đôi mắt khả dĩ để cất đi đôi kính đen cho nhẹ nhàng.
Máy bay đưa hai người đến một bệnh viện khá tiên tiến, chuyên điều trị thẩm mỹ về mắt. Mọi việc diễn ra trong một không gian hiện đại choáng ngợp. Lệ thường nắm chặt tay Cần trong hành lang đi vào phòng mổ. Lạ thay, cô không thấy đau và sợ, khi nắm bàn tay nóng ấm, tin cậy của anh...
Một tháng sau, người ta tháo băng cho cô. Lệ vẫn lấy tay che bưng hai mắt, cô sợ một cái gì không rõ, hồi hộp và lo lắng. Suốt hành lang dẫn về phòng riêng, Lệ vẫn nhắm tịt. Khi chỉ còn hai người, với lời dịu dàng khích lệ của Cần, cô mới từ từ hé mắt giữa hai ngón tay, nhìn vào gương. Lệ reo lên vì sung sướng. Mọi thứ hoàn hảo đến không ngờ, như thể cô chưa từng bị mất một mắt. Khó ai có thể nhận ra, khi con mắt giả cũng liếc láy sinh động như con mắt thật, chúng như một đôi trời sinh.
Sau những gì đau thương mất mát đi qua, Lệ trở lại tự tin, xinh đẹp và nền nã của con gái xuân thì. Trắng hồng, đầy đặn và quý phái. Cần nheo mắt cười nhìn cô, như thể anh đã biết viên ngọc quý từ khi chưa mài sáng. "Anh cười gì thế?" - Lệ thẹn thùng hỏi. Cần gật gật đầu như xác nhận: "Hì hì... Bố anh có con mắt tinh đời. Nhờ bố, anh mới gặp được em...".
*
- Ông trời thật có mắt! Chị mừng cho em. Hạnh phúc của em, mà chị vui như được của, thật đấy!
Nga bỏ trái dừa uống dở, nắm lấy bàn tay Lệ thật chặt, như người chị thấy em gái tai qua nạn khỏi và đang rất hạnh phúc. Bao năm chị canh cánh nỗi buồn có lỗi, khi cố ý chùng chình chuyện ly hôn của Lệ, mong vợ chồng họ hàn gắn, vô tình suýt gây nên tai họa lớn.
- Em cũng không tin nổi, mình lại được như ngày nay... Chợt Lệ cảm biết được sự áy náy trong lòng Nga, cô nói át đi - Thôi, chuyện qua rồi chị ạ. Em cũng không nhớ chi nữa.
- Anh ta cưới cô bồ trẻ ấy rồi, phải không? Là Hiếu ấy?
- Không! Nghe nói, khi biết chuyện cũ của Hiếu, cô ấy cũng sợ mà rời bỏ...
Cả hai chợt im lặng, không biết vui hay buồn. Lệ chợt ngậm ngùi.
- Thực ra... em có gặp lại anh ấy, một lần...
- Anh ta tìm đến chỗ em sao? Chắc đã hối lỗi...
- Dạ không... Hôm đó, đoàn rước dâu đám cưới em vô tình đi qua trục đường ấy. Em và Cần trên chiếc xe hoa. Ngang qua con đường cũ, gió thổi ngược... Ngôi nhà xưa hoang vắng, mảnh vườn cỏ dại, cạnh đường, Hiếu chống cuốc nhìn ra...
- Âu cũng là... thượng đế công bằng với mọi sinh linh...
Nga khẽ kéo Lệ ngồi xuống ghế. Lệ lặng im, không nói gì. Nhưng cái im lặng của Lệ, Nga hiểu rằng, cô ấy đang trong cơn cảm xúc của một tấm lòng nhân hậu, vẫn thầm mong Hiếu sớm tu tỉnh, rồi cũng sẽ tìm được hạnh phúc. Nga xóa tan bầu không khí vướng chút bùi ngùi, bằng cách khẽ kéo thằng bé về sát mình, hôn lên mái tóc khét nắng của cu cậu. Lệ nhìn con trai, chợt bật cười thành tiếng.
- Còn có gì bí mật sao? Nga nheo mắt nhìn Lệ, hỏi.
- Dạ không! Lệ bẽn lẽn - Là em chợt nhớ chuyện cũ, chị ạ...
*
Khi thằng bé hai tuổi, giữ nó như bắt cóc bỏ đĩa. Lệ vừa mở mạng, quay lại chẳng thấy nó đâu nữa. Tìm quanh không thấy, vội leo lên tầng hai, rón rén đi tìm. Qua khe hẹp cánh cửa khép hờ phòng bố chồng, thấy thằng bé đã khoanh tròn như con chó con trong lòng ông nội. Ông trên tay ly rượu màu cánh gián, má cà lên mái tóc mềm thắng bé, mắt ngước nhìn Cần đang khoan thai đi lại cạnh ông. Họ đang nói chuyện, rất vui vẻ...
"Lúc đó, con rất sợ! Sợ bố không đồng tình, khi Lệ đã có bé Thương, lại còn mất một mắt...". Tiếng Cần rỉ rả. "Ha ha! Anh tưởng bố vô tình cử anh thay bố trên công trường ấy sao?". Tiếng ông bố cười vang, sảng khoái. "Thế ra... bố đã chấm..?". Cần hơi ngớ ra. "Nhưng bố để tùy con. Và xem... mắt nhìn người của bố con mình có cùng một góc? Có thấy ra con bé lọ lem bán sinh tố trái cây góc đường? Có nhận ra thần thái với nét dịu dàng tỏa sáng, nét nhân hậu sâu sắc và kín đáo? Tựa bếp lửa trong ngôi nhà ấm cúng. Con tưởng bố phong kiến, lạc hậu sao?”. "Con nhớ rồi. Con cảm ơn bố".
"Có điều... làm sao con thuyết phục được Lệ, một cô gái đầy tự trọng, và lúc đó đang co mình lại trong cái boong ke thủ phận?". "Con chẳng biết nữa, cứ nói đại như lòng mình nghĩ. Và thực sự đã có một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa chúng con đấy, bố ạ! Khi nghe con nói, Lệ giãy nảy, như thể nghe nhầm, phủi tay lia lịa, nói gạt phắt, bảo là đã có bé Thương, đã là đàn bà, và khiếm khuyết chỉ còn một mắt. Nhưng có lẽ thấy con kiên quyết một cách chân thành, cuối cùng Lệ đã đồng ý cho con đưa đi chữa trị...".
“Bố biết, con bé Lệ không tầm thường đâu. Bố coi chuyện của nó hồi đó, như một tai nạn. Bố rất thông cảm. Đàn bà, đường trần mấy nẻo...”. Ông bố cười rung đùi, lâu sau nói thêm: "Ai đó đã nói, bố quên tên, nhưng vẫn nhớ lời. Rằng, phong thủy trong mỗi ngôi nhà, chính là người đàn bà. Ngẫm lại, mẹ con xưa, và hy vọng Lệ bây giờ, là phong thủy ngôi nhà ta, mà cha con mình may mắn có được...".
Nga sững sờ, nghe như nghe chuyện cổ tích.
Lại mừng vui trào dâng, nghẹn thở, không nói nên lời.
Hai trái dừa trong tay hai người đàn bà trẻ, ngọt mát hơn ngày thường...
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/duong-tran-may-neo-635932/