Đường Trường Sơn ở Bình Phước

Bài cuối:
PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

BPO - Có thể nhiều người đã biết về giá trị của các di tích là điểm cuối đường Trường Sơn ở Bình Phước. Đó là nơi ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ, tướng lĩnh, những người con ưu tú của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; ghi dấu những sự kiện lịch sử rất quan trọng của dân tộc.

Các tuyến đường Trường Sơn trên địa bàn Bình Phước không chỉ đóng góp to lớn trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn phát huy giá trị trong giai đoạn bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày nay. Các tuyến đường trở thành đường chiến lược quốc phòng như Đường 14C đoạn từ Bù Gia Mập đi Lộc Ninh; có đường trở thành tuyến giao thông chiến lược của tỉnh và quốc gia, như Đường 13 đoạn qua Lộc Ninh. Đây là tuyến đường quan trọng nối Bình Phước, Đông Nam Bộ với các nước Campuchia và Lào. Các tuyến đường khác đang là tuyến giao thông quan trọng của tỉnh như: đường nối Bù Đốp - Lộc Ninh, đường Đồng Xoài - Mã Đà.

Đường dẫn vào di tích Tổng kho nhiên liệu VK98 ở xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) là đường gắn với tuyến vận chuyển xăng dầu từ năm 1974 đến 30-4-1975 nên có thể giới thiệu thêm về tuyến đường này trong bảng giới thiệu về di tích - Ảnh: Minh Luận

Đối với sự nghiệp văn hóa và giáo dục, các điểm di tích đường Trường Sơn ở Bình Phước luôn đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích liên quan đến điểm cuối đường Trường Sơn ở Bình Phước. Những hoạt động này không chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua hoạt động khai thác du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, hoạt động bảo tồn và phát huy các di tích liên quan đến đường Trường Sơn ở Bình Phước vẫn cần được quan tâm hơn nữa để nâng cao hiệu quả. Trước hết là vấn đề thông tin giới thiệu về di tích trên thực địa, nội dung và hình thức vẫn rất khiêm tốn. Nhiều điểm di tích, việc dựng bia ghi dấu với nội dung quá ngắn gọn, còn chung chung và giống nhau. Điều này chưa thể giúp người dân và du khách hiểu được giá trị của di tích một cách đầy đủ. Một số nơi, quá trình mở rộng đường đã làm biến mất hoàn toàn bia ghi dấu, chẳng hạn như ngã ba Lộc Tấn - nơi cấp phát xăng dầu, điểm ngã ba Đường 10 (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) - nơi đón khách, điểm thông tin tải ba ở Bù Đăng (trước đây đặt bên hành lang quốc lộ 14, gần cổng UBND huyện Bù Đăng)…

Đối với những tuyến từng là đường Trường Sơn ở Bình Phước, cần có giải pháp giới thiệu lịch sử và quá trình hoạt động của tuyến đường, có thể quy hoạch một khu vực để giới thiệu đầy đủ, toàn diện về lịch sử và hoạt động của các tuyến đường này. Hoặc cũng có thể giới thiệu bổ sung nội dung về tuyến đường Trường Sơn gắn với các di tích là đoạn cuối đường Trường Sơn. Chẳng hạn di tích Bồn xăng Kho nhiên liệu VK98 ở Lộc Quang (huyện Lộc Ninh), hiện nay tuyến đường dẫn vào di tích là đường gắn với tuyến vận chuyển xăng dầu từ năm 1974 đến 30-4-1975, có thể giới thiệu thêm về tuyến đường này trong bảng giới thiệu về di tích. Làm được như vậy, các di tích điểm cuối đường Trường Sơn sẽ có thông tin đầy đủ, đa dạng và phong phú hơn.

Di tích tổng kho nhiên liệu VK98 ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh - Ảnh: Minh Luận

Vấn đề khác cũng rất cần được quan tâm là nhiều điểm di tích đoạn cuối đường Trường Sơn vẫn chưa được xác định và chưa thực hiện các công trình để ghi dấu nhằm phát huy giá trị. Chẳng hạn như di tích Tổng kho xăng dầu VK96 tại Bù Gia Mập, hiện vẫn là một bãi đất và dấu tích hố chôn các bồn chứa xăng, cảnh quan hoang sơ, khó tiếp cận nên du khách ít đến tham quan di tích này. Đặc biệt hơn, địa điểm đoạn cuối đường Trường Sơn ở Bù Na (huyện Bù Đăng), Đồng Xoài - nơi từng trở thành căn cứ có quy mô rất lớn, có giá trị lịch sử quan trọng. Đây là những nơi tập kết nhân lực, vật lực chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tuy nhiên, đến nay vẫn không mấy người biết về địa điểm này. Do đó, theo tác giả, địa điểm này rất cần được quan tâm, cần xây dựng bia ghi dấu với đầy đủ thông tin để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Đối với Đồng Xoài, việc này cũng không khó, có thể xây dựng một bia và đặt trong khuôn viên di tích Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài để kết hợp phát huy giá trị các di tích…

Dấu tích di tích Tổng kho nhiên liệu VK96 tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh chụp năm 2010

Dấu tích di tích Tổng kho nhiên liệu VK96 tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh chụp năm 2010

Có thể thấy, đường Trường Sơn đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước (11 tỉnh) và mỗi địa phương, đường Trường Sơn lại mang những nét riêng, tạo nên sự khác biệt. Việc tăng cường các giải pháp nhằm làm phong phú, đa dạng và đặc sắc hơn về nội dung, giá trị lịch sử của các di tích đường Trường Sơn ở Bình Phước sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả và sự đóng góp của các di tích này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quốc gia.

Hưng Điền

Bài viết có tham khảo, sử dụng các tài liệu: Phùng Đình Ấm (2009), Mở đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ”, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia; Phan Hữu Đại, Nguyễn Quốc Dũng (1999), Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, Hà Nội, NXB Quân đội nhân dân; Hoàng Kim Đáng (2007), Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia…

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/137704/duong-truong-son-o-binh-phuoc