Đường vành đai 3, 4: Phải tìm nhà thiết kế có tiếng trên thế giới, nếu để địa phương thực hiện dễ bị tình trạng 'xôi đỗ'

Liên quan đến quy định trong dự thảo nghị quyết cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, một số ý kiến đại biểu tán thành với việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng.

Bên cạnh đó, đề xuất nên quy định Thủ tướng ủy quyền cho UBND cấp tỉnh, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng 2 công trình này là công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”.

Về nội dung chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất phân cấp cho ủy ban nhân dân tỉnh thành phố thực hiện, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay những vấn đề cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội Thành Phố Hồ Chí Minh: "Các gói thầu ở đây có nhiều gói thầu liên quan đến địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện. Trình tự thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, như vậy chúng ta chốt câu này thì chúng ta có thể yên tâm về ủy quyền."

Ông NGUYỄN VĂN THÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Tôi thiết nghĩ đây là những công trình để đời cho con cháu, nó liên kết giữa các tỉnh, theo ý tôi thì phải giao cho Thủ tướng và nó có những cơ chế đặc thù ví dụ như là tư vấn thiết kế, nếu như Thủ tướng “cầm trịch” vấn đề này thì Thủ tướng cũng nên dành một khoản tiền thích đáng, chúng ta không tham rẻ, dứt khoát là chúng ta phải tìm một thiết kế có tiếng trên thế giới để làm. Nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất.”

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội Thành Phố Hồ Chí Minh: “Về mặt pháp lý, ủy quyền có nghĩa là quyền này vẫn nằm ở chỗ Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể, cái cơ chế ủy quyền nếu có vấn đề phát sinh thì chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh thành có chế độ báo cáo, cần thì xin ý kiến. Bay Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất 2,5 tiếng, nhưng văn bản từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội thì 2 đến 3 tháng sau chưa có văn bản phản hồi đâu.”

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/duong-vanh-dai-3-4-phai-tim-nha-thiet-ke-co-tieng-tren-the-gioi-neu-de-dia-phuong-thuc-hien-de-bi-tinh-trang-xoi-do