Đường Vành đai 3: Tạo thế và lực phát triển kinh tế - xã hội
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34km, đi qua 4 tỉnh thành, gồm: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần, vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Đoạn qua tỉnh Bình Dương tổng chiều dài 26,6km, tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng. Trong đó, đoạn nút giao Tân Vạn dài 2,393km, đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9km, đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km.
Khu đất diện giải tỏa đền bù của người dân trong dự án đường Vành đai 3 được cắm mốc
Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối
Tuyến đường có quy mô đầu tư 8 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn hoàn thiện, vận tốc thiết kế 100km/h. Đối với phần đường song hành hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60km/h.
Tuyến Vành đai 3 bao gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) có tổng mức đầu tư là 5.752 tỷ đồng và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) có tổng mức đầu tư là 13.527,82 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Ông Trần Hùng Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết với vị trí chiến lược, đường Vành đai 3 khi xây dựng hoàn thành sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là tuyến giao thông huyết mạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi khép kín, tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho cả vùng, là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư với những dự án liền kề Vành đai 3.
Cụ thể, rút ngắn thời gian đi lại từ TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, các tỉnh Tây Nam bộ tới khu vực phía bắc và ngược lại; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tăng cường cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh vùng Đông Nam bộ; cơ cấu lại quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3 để phát triển đô thị - thương mại - dịch vụ; phân luồng giao thông quá cảnh qua TP.Hồ Chí Minh góp phần giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng môi trường, cải thiện đời sống xã hội, kinh tế của nhân dân trong vùng.
Quyết tâm thực hiện
Triển khai thực hiện các thủ tục để xây dựng tuyến đường Vành đai 3, Bình Dương đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung, quyết tâm thực hiện. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương; tổ chức mời họp các hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án để công bố chủ trương trước khi thực hiện. Song song đó, để đẩy nhanh tiến độ, các hoạt động bên ngoài thực địa như cắm cọc xác định ranh giải phóng mặt bằng và khoan thăm dò địa chất… cũng được thực hiện đồng thời.
Nhằm gấp rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, kịp thời khởi công tuyến đường, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ban Chỉ đạo dự án đường Vành đai 3 và các đơn vị liên quan; đồng thời đi khảo sát vị trí tuyến đường và đến làm việc với từng địa phương có tuyến đường đi qua nhằm kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. TP.Thuận An cũng nhận thức được trách nhiệm của mình nên ngay từ đầu địa phương đã triển khai một cách bài bản. Đến nay, qua kiểm đếm đo đạc, TP.Thuận An có hơn 780 trường hợp người dân bị giải tỏa với quảng đường dài gần 13km. Đến nay, công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện rất tốt. Người dân ở các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Thạnh, An Sơn rất ủng hộ, đồng thuận với chủ trương xây dựng đường Vành đai 3.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trong một chuyến khảo sát thực tế dự án đường Vành đai 3
Ông Lương Văn Đông, Trưởng ban Điều hành khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, TP.Dĩ An, cho biết sau khi Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phối hợp UBND TP.Dĩ An họp các hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng công bố về dự án, UBND phường Bình Thắng đã họp với Ban điều hành các khu phố triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con.
Ông Lương Văn Đông chia sẻ: “Vừa là một người dân sinh sống trên địa bàn, vừa là cán bộ khu phố, tôi đã vận động người thân trong gia đình đồng ý nhận tiền bồi thường để làm gương, đồng thời vận động anh em trong dòng họ chấp hành chủ trương của Nhà nước cho dự án quan trọng này”.
Ông Lương Văn Đông cho biết thêm, khu phố Ngãi Thắng có khoảng 250 hộ thuộc diện giải tỏa trắng, có nhiều phần diện tích đất giáp với TP.Hồ Chí Minh. Ông Đông đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với các hộ dân. Cứ 7 giờ sáng mỗi ngày, ông không quản ngại uống cà phê với bà con diện giải tỏa trắng, tuyên truyền về tầm quan trọng của dự án để người dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Đến nay, đa số bà con trong khu phố đã đồng thuận.
Có thể thấy, ngay từ khi triển khai dự án Vành đai 3, lãnh đạo tỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt thực hiện để vừa giải phóng mặt bằng, vừa thúc đẩy các thủ tục phê duyệt thiết kế, mời thầu… nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An: “Qua công tác kiểm đếm đo đạc, người dân đã phối hợp rất tích cực. Đến nay, TP.Thuận An đã hoàn thành công tác kiểm kê, đo đạc và hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường cho người dân với số tiền gần 200 tỷ đồng. Chúng tôi dự kiến đến cuối năm 2023, công tác chi trả tiền bồi thường cho người dân sẽ hoàn thành, đầu năm 2024 sẽ vận động người dân ở các nút giao thông sớm bàn giao mặt bằng, cụ thể như đại lộ Bình Dương, đường Cách mạng Tháng Tám để có không gian cho đơn vị thi công được thuận lợi. Trong chi trả tiền bồi thường cho người dân, chính quyền thành phố luôn lắng nghe ý kiến người dân, tổ chức họp dân. Thay vì phương án bồi thường niêm yết theo quy trình là 20 ngày, địa phương đã họp dân thống nhất rút ngắn chỉ còn từ 5 đến 7 ngày”.