Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và câu chuyện 'Thế trận lòng dân' (2): Nắm chắc tình hình, đặt mình vào vị trí người dân
Trong những buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương hay chuyện trò, lắng nghe, trao đổi với người dân về đường Vành đai 4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội từng trăn trở: Đường Vành đai 4 nếu 'chậm một ngày là đi rất xa'. Và ông cũng dành sự trân trọng, ghi nhận trước những hy sinh của bà con khi nhường một phần đất ở, đất canh tác để chủ động di dời phần mộ của người thân, bàn giao mặt bằng cho dự án. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đó chính là biểu hiện rõ nhất về tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân vì lợi ích chung, vì sự phát triển đi lên của Thủ đô và đất nước.
Càng ngẫm nghĩ, tìm hiểu và cảm nhận, càng cảm phục khối lượng công việc khổng lồ, vất vả mà 7 địa phương của Hà Nội đã làm được trong nhiều tháng qua nói chung, trong công tác giải phóng mặt bằng nói riêng.
“Đường của quốc gia, của Thủ đô… mình thuận”
Ở tuổi 50, nhưng nhiều năm nay, ông Nguyễn Hữu Tôn phải đảm trách cương vị rất “nặng”, là trưởng dòng họ Nguyễn Hữu ở xóm 1, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội). Chưa gặp, chưa tiếp xúc, cứ nghĩ ông Nguyễn Hữu Tôn là người khó tính, vì dù đã nhờ Trưởng thôn Văn Giáp giới thiệu, rồi gọi điện thoại, nhắn tin liên tục, nhưng chúng tôi mãi không nhận được hồi âm. Song đến khi gặp bác trưởng họ, ngồi chuyện bên ấm trà trong ngôi nhà tổ, lại thấy dễ gần. “Mấy ngày vừa rồi tôi bận việc hiếu. Thú thật, cũng ít nghe điện thoại số lạ. Tối về mới nhớ ra bác Thư (ông Vũ Văn Thư - Trưởng thôn Văn Giáp) giới thiệu là có nhà báo đang tìm gặp, nên gọi lại. Các anh thông cảm nhé”, ông Tôn chân tình.
Trong ngôi nhà tổ của dòng họ Nguyễn Hữu, chúng tôi đọc được nhiều Bằng khen, Giấy khen của thành phố, huyện Thường Tín tặng dòng họ và cả cá nhân ông Nguyễn Hữu Tôn về thành tích, đóng góp trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công đường Vành đai 4. “Lần đầu tiên dòng họ chúng tôi được khen như vậy, cũng vui, tự hào. Nhưng, xã Văn Bình cũng nhiều dòng họ, nhiều gia đình đóng góp, đồng thuận cho đường Vành đai 4. Chúng tôi chỉ là một trong số đó thôi”, ôngg Nguyễn Hữu Tôn bộc bạch.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín liên quan đến mặt bằng của 9 xã. Trong đó, xã Văn Bình có khối lượng, phần việc phải thực hiện lớn nhất: 47ha/134ha của toàn huyện. Cụ thể, có 2/3 thôn của Văn Bình nằm trong vùng dự án, với đầy đủ các thành phần đất thuộc diện phải GPMB: đất nông nghiệp, đất ở, đất công và khu nghĩa trang. Đặc biệt, cái “nhất” của Văn Bình chính là số mộ phải di chuyển: 1.742 ngôi; nhiều nhất trong toàn 7 quận, huyện của thành phố.
Trong cái “nhất” của Văn Bình ấy, dòng họ Nguyễn Hữu ở xóm 1, thôn Văn Giáp cũng xếp thứ nhất, thứ nhì, với trên dưới 300 ngôi mộ trong diện phải di chuyển, bàn giao mặt bằng. “Lần đầu tiên nghe cán bộ thôn, xã đặt vấn đề về di chuyển mộ của dòng họ, bác có khó chịu, có bực, hay đại loại một tâm thế phản kháng nào không?”, chúng tôi đặt câu hỏi với bác trưởng họ Nguyễn Hữu Tôn. “Hoàn toàn bình thường! Ngay cả khi được mời ra trụ sở UBND xã hồi áp Tết Nguyên đán vừa rồi cũng vậy, tôi cảm thấy hết sức bình thường. Thậm chí, tôi còn đóng góp ý kiến là phải thực hiện thế nào cho hài hòa giữa việc làm dự án và vấn đề tâm linh, tâm lý của các các gia đình, dòng họ”.
Hồi đáp của ông Tôn thực sự khiến chúng tôi bất ngờ. Song, cũng rất nhanh, bất ngờ ấy được vị trưởng họ giải thích: “Là trước đó, tôi nghe đài, đọc báo, xem tivi và tự tìm hiểu, nên nắm được rồi. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là con đường của quốc gia, của Thủ đô, là phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cộng đồng, chứ không phải dự án kinh doanh, thương mại! Đường hình thành thì đất nước phát triển, người dân thuận tiện, chứ không có lợi cho riêng ai. Vì vậy, trước hết cá nhân mình phải nghe”.
Có được sự “thông” về tư tưởng như vậy của vị trưởng dòng họ Nguyễn Hữu, như chia sẻ của người trong cuộc, bắt nguồn không nhỏ từ sự cảm kích trước tinh thần trách nhiệm và “tấm lòng hơn cả người nhà”, của đội ngũ cán bộ cơ sở. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tôn nhắc nhiều đến Chủ tịch UBND xã Văn Bình Ngô Đình Tiến, đến Trưởng thôn Văn Giáp Vũ Văn Thư, đến Trưởng Công an xã Văn Bình -Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng…
Tự tìm hiểu thông tin qua báo đài, và được cán bộ cơ sở tuyên truyền, trò chuyện; những yếu tố đó giúp bác trưởng dòng họ Nguyễn Hữu đả thông tư tưởng. Nhưng, với những thành viên ở các chi trong họ, không phải ai cũng dễ thuận, dễ nghe ngay. “Quan điểm của trưởng họ quan trọng, nhưng nếu quan điểm mà lý lẽ không thuyết phục, quan điểm mà không vì đại cục dòng họ, thì các cụ, các ông, các bà cao niên gạt ngay. Khi ấy, trưởng họ cũng không thể quyết được”, ông Tôn nhớ lại thời điểm mà trực tiếp ông cùng cán bộ xã, thôn đến gặp, chuyện trò với những bậc cao niên, các trưởng chi, ban giúp việc của dòng họ, về đường Vành đai 4.
Mà đâu đã hết, người trong thôn, trong xóm còn có điều kiện để gặp, để trò chuyện, để vận động. Dòng họ Nguyễn Hữu xóm 1 có nhiều con, cháu đi làm ăn xa. Mọi thông tin đều phải được chia sẻ, mọi ý kiến đều phải được lắng nghe, và giải đáp. “Có những lúc nản, mệt chứ, nhưng thấy các bác ở xã, ở thôn cũng đâu có nhàn, vì việc công, việc Nhà nước, nên mình lại cố gắng”, ông Tôn nhớ lại quãng thời gian khoảng 3 tháng mà ông đồng hành cán bộ cơ sở để “dân vận” các thành viên trong dòng họ. Và đến giờ, tất cả đều yên ổn, thuận hòa… Từ hiệu ứng đồng thuận của dòng họ Nguyễn Hữu, xã Văn Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong tiến độ và khối lượng GPMB đường Vành đai 4, được huyện, thành phố ghi nhận.
Sự chủ động vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của lực lượng Công an cơ sở
Quá trình tìm hiểu công tác GPMB đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tại các địa bàn, có một câu hỏi mà chúng tôi đều đặt ra đối với những người trong cuộc, người có trách nhiệm: Mấu chốt thành công trong công tác dân vận, từ đó thành công trong GPMB, là ở đâu? Gần như câu trả lời đều khá tương đồng: là sự nắm chắc tình hình, là luôn đặt mình vào vị trí người dân. Thêm nữa, là “sự chủ động vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của lực lượng Công an cơ sở, trong tham mưu chủ trương, phương pháp, giải pháp xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra liên quan đến tình hình an ninh, trật tự. Có một thực tế, nếu không có sự chuyển đổi đúng thời điểm và vào cuộc của lực lượng Công an chính quy ở cấp xã, công tác GPMB sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, đồng chí Phan Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Tín nhìn nhận.
Trong 9 xã ở Thường Tín thuộc phạm vi dự án đường Vành đai 4, có 2 xã được thành phố ghi nhận mang tính điển hình thành công, là Văn Bình như câu chuyện ở dòng họ Nguyễn Hữu xóm 1, thôn Văn Giáp và xã Khánh Hà, với “tiến độ thần tốc, người dân đồng thuận cao” trong bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Kể câu chuyện về nắm chắc tình hình về tâm thế đặt mình vào vị trí người dân, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Công an xã Văn Bình nhớ lại: “Thông tin đầu tiên đường Vành đai 4 về xã là sẽ lấy nhiều đất ở, đất làng. Dự kiến như thế, bà con không băn khoăn nhiều, vì thổ cư của 3 thôn ở Văn Bình khá nhiều, khá rộng. Nhưng về sau, dự án đường chính thức “băng” qua khu nghĩa trang, lại là nghĩa trang cổ, với diện di dời, giải phóng trên 1.700 ngôi. Chủ trương, quy hoạch của Nhà nước thế, nhưng ở góc độ người dân, gia đình, chắc chắn bất cứ ai nghe đề cập đến chuyện phải di dời mộ, thậm chí cả mộ tổ hàng trăm năm, đều không tránh khỏi tâm tư. Cần lưu ý thêm một yếu tố nữa, nếu như các công trình khác có thể cưỡng chế khi không đạt được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân, thì ngược lại, nghĩa trang và mộ lại là phạm trù hoàn toàn khác, công tác GPMB chỉ có thể thực hiện trên cơ sở đồng thuận, tự giác và chủ động thực hiện của người dân, dòng họ”.
Đặt mình vào vị trí người dân, nhiều tháng qua, cán bộ, chiến sĩ Công an xã Văn Bình, hội viên các ngành, đoàn thể xã, huyện, rồi các đồng chí Bí thư, Chủ tịch… đã luôn trọn vẹn tinh thần ấy. Từ vị trí, thời điểm đến những thủ tục về tâm linh. “Mấu chốt hết sức quan trọng trong công tác dân vận là chúng ta phải tìm và tạo được sự đồng thuận mang tính ảnh hưởng, nghĩa là, phải có được những đột phá mang tính đầu tàu”, Ban chỉ huy Công an xã Văn Bình trình bày quan điểm đó tại cuộc họp Thường vụ xã, hồi tháng 9-2022.
“Chúng ta hay nói đến cả hệ thống chính trị vào cuộc. Câu nói này hay, nhưng vào cuộc như thế nào mới là điều quan trọng”, đồng chí Trưởng Công an xã Văn Bình bày tỏ. Cụ thể hóa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Công an xã tham mưu Ban Thường vụ xã cần có nghị quyết, chỉ thị, chủ trương rõ ràng về sự nêu gương của từng cán bộ đầu ngành của các ban, ngành, đoàn thể có công trình nằm trong diện GPMB. Nghĩa là, cán bộ đã nêu gương, cán bộ đã nói là phải làm, sẽ rất thuận cho quá trình tiếp xúc, vận động.
Khâu đột phá tiếp theo là tiếp cận các vị trưởng dòng họ, trưởng chi, các ban giúp việc của các dòng họ. Chủ trương của Nhà nước khó hay dễ triển khai, đối với những địa phương mà tính chất làng xã, cộng đồng cao như Văn Bình, vai trò - tiếng nói - sức ảnh hưởng của các vị trưởng dòng họ, bậc cao niên, trưởng chi… hết sức quan trọng. “Rất may mắn, đối với dự án đường Vành đai 4, từ trước khi công tác tuyên truyền được xã, thôn triển khai, thì chủ trương, mục đích đã được các cơ quan truyền thông nêu rất rõ. Mục tiêu của đường Vành đai 4 là gì? Quyết tâm chính trị của Trung ương, thành phố ra sao? Trách nhiệm của lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thế nào?... người dân đều nắm chắc, và thực tình trong thâm tâm, đa phần đều ủng hộ dự án triển khai. Vấn đề chỉ là sự đảm bảo về quyền lợi theo quy định pháp luật, trên cơ sở tuân thủ, đồng thuận chủ trương và thực hiện trách nhiệm công dân”, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận và chia sẻ: “Việc thông tin, giải thích chủ trương, quyền lợi, trách nhiệm ấy chính là vai trò, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Trong đó, cán bộ càng đảm nhiệm chức vụ cao thì càng phải thể hiện sự nêu gương, tiên phong khi tiếp xúc, vận động, đối thoại với bà con”.
Chủ tịch xã Văn Bình Ngô Đình Tiến kể thêm: “Thuyết phục để nhận được cái gật đầu của bà con đã vất vả. Thời điểm di chuyển vị trí cũ sang nghĩa trang mới cũng là cả vấn đề. Anh em Công an xã, cán bộ huyện, xã, thôn đều phải có mặt ở thời điểm di chuyển ấy, để xác thực, để phối hợp, và cũng để đảm bảo an ninh, trật tự. Cao điểm sau Tết Nguyên đán, có đêm triển khai tới cả trăm trường hợp. Còn trước đó cận Tết, sáng 30, đoàn dân vận xã vẫn vào tận hộ gia đình để “chốt lại cái lịch di dời mộ” là chuyện bình thường”…
Người dân tự nguyện ra khu tái định cư mới
Nếu như Văn Bình gian nan và thành công trong di chuyển nghĩa trang, mộ, thì xã Khánh Hà lại có nỗi vất vả khác, song cũng đã hanh thông! Thiếu tá Nguyễn Hải Sơn - Trưởng Công an xã Khánh Hà kể: “Xã có 37 hộ dân thôn Liễu Nội đang sử dụng nhà, đất ở, diện tích chừng 0,4ha thuộc phạm vi GPMB, phải bố trí tái định cư để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Diện tích đất dự kiến bố trí khi tái định cư khoảng 1,4ha. Trong khi đó, huyện Thường Tín đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dự kiến phấn đấu lên quận vào năm 2023, vì vậy có những thỏa thuận “không chính thống” giao dịch đất nông nghiệp ở thôn Khánh Hà từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù của Nhà nước chỉ hơn 800.000 đồng/m2, nên người dân không muốn bị thu hồi đất, và cả tâm lý nghe ngóng việc sửa đổi Luật Đất đai có thể tăng giá trị nếu bị thu hồi”, chỉ huy Công an xã Khánh Hà chia sẻ.
Trước tình hình ấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến - Đội phó Đội An ninh CAH Thường Tín cho biết, lãnh đạo CAH giao các đội nghiệp vụ phối hợp Công an xã phải nắm chắc tình hình, tham mưu UBND huyện đánh giá tác động liên quan đến tình hình an ninh trật tự để lựa chọn vị trí đất tái định cư phù hợp nhất tại xã Khánh Hà. Mặt khác, CAH, Công an xã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân hiểu đúng về chính sách bồi thường, thu hồi đất, GPMB, tái định cư để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đảm bảo đúng tiến độ. “Chúng tôi đã triển khai và thành công trong việc nắm người, nắm việc, tuyên truyền cá biệt, trọng tâm, trọng điểm, tác động kịp thời, không để trở thành điểm “nóng” về tụ tập đông người, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự”, chỉ huy Đội An ninh - CAH Thường Tín khẳng định.
Và những diễn biến tiếp theo đó cơ bản nằm trong chủ trương, dự liệu. Tháng 8-2022, UBND huyện Thường Tín có báo cáo thành phố đề xuất chấp thuận vị trí quy hoạch khu đất xây dựng khu tái định cư cho hơn 20 hộ dân có diện tích thu hồi để phục vụ thi công đường Vành đai 4, là khu đất có diện tích 2,5ha ngay tại thôn Khánh Hà, và đã được thành phố chuẩn y đề xuất. Tuy nhiên, sau khi vị trí tái định cư được thông báo, trung tuần tháng 1-2023, người dân đã gặp trực tiếp lãnh đạo UBND huyện, bày tỏ nguyện vọng xem xét việc quy hoạch tái định cư được chuyển về khu vực thôn Liễu Nội (cũng ở xã Khánh Hà), để các hộ thuận tiện việc sinh sống và làm nghề. Ngày 10-3-2023, UBND TP có văn bản về việc bố trí khu đất tái định cư cho các hộ dân thuộc xã Khánh Hà. Theo đó, vị trí khu đất tái định cư sẽ được quy hoạch tại ô đất thuộc thôn Đan Nhiễm (cũng xã Khánh Hà), thay cho khu đất ở thôn Khánh Vân như đề xuất lúc đầu của UBND huyện.
Nhưng, sau một thời gian, tình huống mới lại phát sinh, đó là vị trí ở thôn Đan Nhiễm lại nằm trong diện tích quy hoạch dự án cây xanh của thành phố. “Để người dân trong diện GPMB “chịu” ngồi nghe cán bộ tuyên truyền, vận động đã không hề đơn giản. Lại thêm việc vị trí đất tái định cư được giới thiệu thay đổi theo tháng, áp lực cho cán bộ làm nhiệm vụ tuyên truyền càng tăng, vì thực sự có lúc… không biết giải thích thế nào”, đồng chí Nguyễn Văn Long - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hà tâm sự.
Và đúng như nhận định của xã, cuối tháng 4, đầu tháng 5-2023, một số hộ dân trong diện GPMB ở Khánh Hà đã đến trụ sở tiếp dân của UBND huyện để bày tỏ nguyện vọng thay đổi, thống nhất vị trí quy hoạch khu tái định cư. Trước tình hình trên, qua nghiên cứu nhận thấy nguyện vọng của người dân là hợp lý, UBND huyện đã có văn bản đề xuất trình UBND TP thay đổi vị trí khu tái định cư cho các hộ dân tại xã Khánh Hà. Ngày 22-6-2023, UBND TP có văn bản về việc chấp thuận vị trí khu đất tái định cư; điều chỉnh vị trí từ địa phận thôn Khánh Vân của Khánh Hà, sang khu tái định cư Hà Hồi (huyện Thường Tín). Chủ trương này hợp lòng dân. Và ngay sau đó, đại bộ phận các hộ dân đã làm đơn gửi UBND huyện, xin tự nguyện cho được ra khu tái định cư mới thuộc xã Hà Hồi.
Câu chuyện ở Khánh Hà thực sự là minh chứng cho tinh thần: “Nắm chắc tình hình, tham mưu đúng và đặt mình vào vị trí người dân”…
(Còn tiếp)