Đường vào 10 di tích lịch sử và địa chỉ đỏ của quận Phú Nhuận sẽ rợp bóng cờ Tổ quốc
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Phú Nhuận sẽ triển khai thực hiện công trình Đường cờ Tổ quốc tại tất cả các tuyến đường dẫn vào 10 di tích lịch sử và địa chỉ đỏ của quận.
Sáng 15-10, Quận Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Phú Nhuận (TP HCM) tổ chức lễ ra mắt công trình "Đường cờ Tổ quốc". Công trình được thực hiện tại con hẻm số 19 Hồ Văn Huê, nơi dẫn vào di tích Lăng Võ Tánh.
Đây là công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15.10.1956 – 15.10.2023), 41 năm Ngày truyền thống Thanh niên Công nhân TP HCM (15.10.1982 – 15.10.2023) và hướng đến các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024-2029.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trần Minh Trí, Bí thư Đoàn Thanh niên Báo Người Lao Động, đã trao bảng tượng trưng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Phú Nhuận để thực hiện công trình "Đường cờ Tổ quốc" trên địa bàn.
Ông Trần Thanh Trí, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Phú Nhuận, cho biết "Đường cờ Tổ quốc" là công trình có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên thanh niên và người dân. Qua đó bồi đắp thêm lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đẩy mạnh hiệu quả phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi" từ những lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Cũng theo ông Trần Thanh Trí, hiện nay, trên địa bàn quận Phú Nhuận có 10 di tích lịch sử và địa chỉ đỏ. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Phú Nhuận sẽ triển khai công trình "Đường cờ Tổ quốc" tại tất cá các tuyến đường dẫn vào 10 di tích lịch sử và địa chỉ đỏ của quận.
"Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Phú Nhuận sẽ triển khai đồng loạt công trình "Đường cờ Tổ quốc" tại các di tích lịch sử trên địa bàn quận để những lá cờ sẽ rợp đỏ khu phố xung quanh các di tích lịch sử này" - ông Trần Thanh Trí nói.
Hẻm 19 Hồ Văn Huê nằm trên địa bàn phường 9, quận Phú Nhuận. Đây cũng là đường dẫn vào di tích Lăng Võ Tánh. Người dân tại đây cho biết rất vui mừng, phấn khởi khi hẻm 19 được chọn làm nơi để triển khai công trình này
Bà Võ Thị Hoa (59 tuổi, sống tại hẻm 19 Hồ Văn Huê) chia sẻ: "Tôi thấy rất vui và vinh dự khi được nhận cờ Tổ quốc. Con hẻm được treo cờ nên không khí sinh động hơn, đẹp hơn và giống như ngày lễ, Tết. Người dân trong hẻm ai cũng rất vui và đồng lòng khi triển khai thực hiện công trình Đường cờ Tổ quốc".
Ông Võ Tánh quê gốc ở huyện Phước An, trấn Biên Hòa, sau dời về huyện Bình Dương thuộc Phiên Trấn (nay là TP HCM). Lớn lên giữa thời kỳ loạn lạc, chưa đầy 20 tuổi, ông đã chiêu mộ nghĩa quân thành lập đạo quân Kiến Hòa (Gò Công ngày nay). Nghĩa quân của ông lên đến hàng vạn người, lúc đầu lấy danh nghĩa trừ gian diệt ác, đánh dẹp bọn côn đồ, tướng cướp quanh vùng. Vì vậy, ông được người địa phương mến phục, bỏ tiền bạc ra đúc khí giới nhờ bảo vệ xóm làng.
Ông Võ Tánh theo Nguyễn Ánh từ năm 1788. Vốn có tài lập đồn, bày trận, năm 1799, Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu được lệnh trấn giữ thành Bình Định (nay thuộc tỉnh Bình Định). Thành bị đại quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây suốt gần 2 năm, cuối cùng ông đã gửi thư cho Trần Quang Diệu xin không giết hại binh sī trong thành, riêng bản thân ông lên lầu Bát giác tự thiêu tuẫn tiết. Ngô Tùng Châu cũng dùng độc dược quyên sinh truớc đó. Võ Tánh mất ngày 7-7-1801, lúc mới ngoài 30 tuổi.
Theo lời thỉnh cầu của dân Gia Định, năm 1802, vua Gia Long ra sắc chỉ lập miếu thờ và lăng mộ Võ Tánh tại thôn Phú Nhuận để dân chúng xa gần tiện việc đi lại cúng lễ.
Lăng mộ Võ Tánh tọa lạc tại số 19 đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận. Kiến trúc mộ mang đặc trưng kiến trúc mộ đầu thế kỷ XIX. Lăng Vō Tánh có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ hết sức to lớn, mà nổi bật hơn cả là về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Lăng mộ Võ Tánh đã được UBND TP HCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố theo Quyết định số 5462/QĐ-UBND ngày 30-12-2019.