Đường ven biển và giá trị khác biệt tại miền Trung
Những tuyến đường ven biển tại các tỉnh miền Trung đang dần hình thành, đó chính là sợi dây kết nối liên vùng, tạo giá trị khác biệt trong phát triển kinh tế, du lịch khu vực miền Trung.
“Bức tranh” hạ tầng ven biển
Những năm gần đây, chuyện liên kết vùng vẫn tiếp tục được nhắc tới. Có những địa phương làm rất tốt công tác quy hoạch hạ tầng, nhưng cũng có nơi chưa làm được, nên không phát huy hiệu quả vốn có. Thế nhưng, câu chuyện có thể sẽ khác, sau khi các bộ, ngành cùng với các địa phương tìm cách hợp lực.
Nhắc lại một sự kiện rất được chú ý cách đây 5 năm về việc 3 bộ và 6 địa phương tìm cách hợp lực để phát triển tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa. Đó là việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì, mời hai Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải tới tham dự một cuộc họp bàn về việc xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh, qua Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tới Thanh Hóa, dài 550 km.
Lãnh đạo cả 6 tỉnh nói trên, bao gồm Bí thư và Chủ tịch tỉnh đều tham dự đông đủ tại cuộc họp này để bàn về việc xây dựng một tuyến đường bộ ven biển, chạy dọc qua 6 tỉnh, dù trước đó lãnh đạo các địa phương đã không ít lần ngồi với nhau.
Đây là một câu chuyện đẹp và từ đó, cách làm mới, có ý nghĩa thiết thực để các bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động, còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gọi đây là một “sự kiện lịch sử” với liên kết vùng. Quan trọng hơn là một tư duy phát triển mới, dựa trên lợi ích toàn vùng - thông qua cuộc họp này - đã được thống nhất cao độ.
Tại các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, một số tỉnh đi đầu trong việc hoàn thiện tuyến ven biển như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên… tạo nên một bức tranh đẹp về hạ tầng, cú hích phát triển kinh tế địa phương; đồng thời đây được ví là những sợi dây kết nối giao thông liên vùng tạo giá trị khác biệt tại khu vực miền Trung hôm nay.
Trong đó, nói về Quảng Nam - Tuyến đường ven biển (đường Võ Chí Công), trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng đã thông xe từ năm 2020, mở ra bức tranh mới về hạ tầng của vùng Đông của tỉnh này, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế toàn khu vực.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, kể từ tháng 10/2020, khu vực phía đông tỉnh Quảng Nam, rõ nhất là khu vực tuyến đường Võ Chí Công kết nối từ đô thị cổ Hội An tới sân bay Chu Lai mang một diện mạo hoàn toàn mới, hiện đại và chỉn chu khi tỉnh Quảng Nam chính thức thông tuyến ven biển, làm nên một kỳ tích mới về hạ tầng chiến lược cho địa phương này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho hay, đường ven biển Võ Chí Công bắt đầu từ TP. Hội An đến sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) dài 69 km, được xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.479 tỷ đồng. Cùng với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quốc lộ 1A, tuyến đường này là trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa kinh tế ven biển miền Trung và vùng Đông Quảng Nam.
Ngay sau khi hoạt động, tuyến đường Võ Chí Công như bước “mở màn” góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực. “Trong đó, một trong những lĩnh vực ghi nhận tác động nhanh và rõ rệt nhất là bất động sản”, lãnh đạo Quảng Nam cho hay.
Bình Định cũng có những chiến lược mở rộng ‘cửa’ ra biển lớn với những “cung đường ngàn tỷ” ven biển từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn và những con đường kết nối các khu công nghiệp, sân bay, trung tâm đô thị phía tây chạy về phía biển được kỳ vọng hiện thực hóa tỉnh sớm thành trung tâm kinh tế biển.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, cung đường ven biển dài gần 120 km chia thành nhiều dự án nhỏ khác nhau để đầu tư trong nhiều giai đoạn. Đã có 3 dự án của các đoạn Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, cầu Lại Giang - cầu Thiện Chánh tổng chiều dài gần 34 km (trong đó có cầu vượt đầm Đề Gi) tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng đang gần về đích.
Tuyến tiếp theo là Tuyến ven biển tỉnh Bình Định đoạn từ Cát Tiến - Diêm Vân (tổng mức đầu tư hơn 2.674 tỷ đồng) đã được tỉnh Bình Định tiến hành khởi công vào giữa tháng 4/2022, dự kiến sẽ được thi công xây dựng trong thời gian 32 tháng.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, đường ven biển tỉnh Bình Định khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương; khai thác tiềm năng quỹ đất dọc tuyến (đặc biệt là khu vực ven đầm Thị Nại) để tạo nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển du lịch của địa phương. Bình Định kỳ vọng cung đường ven biển này hoàn thành sẽ kéo theo sự phát triển của hàng loạt dự án du lịch, bất động sản, khu đô thị và công nghiệp.
Làm con đường ven biển thông suốt từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn, chạy song song với Quốc lộ 1, là khát khao và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. “Xác định lợi thế lớn nhất của Bình Định là biển, nên con đường ven biển này sẽ tạo sức bật quan trọng cho sự phát triển của quê hương”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Lợi thế khác biệt từ những “cung đường ngàn tỷ”
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hạ tầng giao thông là yếu tố sống còn đối với bất kỳ thị trường bất động sản nào. Tại Bình Định, giao thông là hạng mục được đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây để thu hút doanh nghiệp về địa phương làm ăn. Khi hạ tầng giao thông hoàn thiện, đô thị lõi TP. Quy Nhơn như mạch máu được nối liền với các hướng Đông, Bắc, Tây, Nam với Quốc lộ 19 mới, tuyến Tây Nam cửa ngõ đến Khu công nghiệp Becamex, trục kinh tế Nhơn Hội nối dài đến Cảng hàng không Phù Cát, tuyến ven biển Đề Gi…
Năm 2021, Bình Định hoàn thành 3 tuyến đường kết nối biển hiện đại, gồm Quốc lộ 19 mới (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1) dài gần 18 km, đường phía Tây tỉnh kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định dài hơn 14,3 km, tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài từ Cảng hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội dài 18,5 km.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận rằng, Bình Định đã tạo nên sự khác biệt nhờ cú hích về chiến lược hạ tầng đi trước. Bằng chứng rõ ràng nhất là các vị lãnh đạo Tập đoàn Kurz của Đức đã liên tục đến Bình Định trong suốt 2 năm 2020, 2021 để tìm hiểu và cuối cùng quyết định đầu tư 40 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định.
Ông Andreas Hirschfelder, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kurz cho hay, Tập đoàn đã khảo sát 20 khu công nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, nhưng “lãnh đạo Bình Định rất thiện chí, cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống cảng biển ở Bình Định rất tốt, môi trường đầu tư lý tưởng” đã thuyết phục Tập đoàn, ông Andreas Hirschfelder tiết lộ.
Với góc độ chuyên gia, TS. Trần Du Lịch phân tích, Bình Định có tới 5 trụ cột (công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu kinh tế; cảng logistics mở thêm cảng cạn; du lịch biển đảo; nông nghiệp công nghệ cao và cuối cùng là đô thị gắn với thị trường bất động sản) phát triển kinh tế. “Tất cả 5 trụ cột đó đều xoay quanh lợi thế về biển. Bình Định còn làm đường ven biển, theo tôi, đây mới là không gian kinh tế chính trong tương lai của tỉnh này chứ không phải là Quốc lộ 1”, ông Trần Du Lịch nhận định.
Tại khu vực miền Trung, những “cung đường ngàn tỷ” ven biển được các địa phương đồng loạt thực hiện như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Nghệ An… trong giai đoạn từ 2021-2025.
Tương lai, miền Trung vẫn đang đón thêm những công trình hạ tầng giao thông quan trọng, bên cạnh những công trình chiến lược hiện hữu. TS. Trần Du Lịch từng đề nghị xem Vùng Duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển của đất nước.
“Trong đó, tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính là ngư nghiệp, du lịch biển - đảo và khu kinh tế ven biển. Cần đưa các nội dung trên thành những chương trình quốc gia để phát triển với lộ trình cụ thể đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Nếu chúng ta xem kinh tế biển là chiến lược phát triển quốc gia, thì miền Trung phải là chiến lược của chiến lược”, TS. Trần Du Lịch khuyến nghị.
Các dự án hạ tầng đang triển khai
Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình, với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng; tổng chiều dài là 85,4 km, đi qua các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, kết nối trục Nam Hà Tĩnh và đường ven biển tỉnh Quảng Trị, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; thời gian thực hiện 2021-2026.
Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị. Giai đoạn I có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 4/2022, thực hiện từ năm 2021-2025. Dự án với mục tiêu tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, trong đó cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển sẽ là hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế.
Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An cũng được tỉnh này tiến hành khởi công vào tháng 3/2022 vừa qua. Dự án có tổng vốn đầu tư hoàn thiện 3.496 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành công trình là 3 năm. Dự án cũng tạo quỹ đất ven biển khoảng 1.500 ha để phát triển đô thị. Thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến với Thừa Thiên Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng…
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/duong-ven-bien-va-gia-tri-khac-biet-tai-mien-trung-d170730.html