Đường Xuân An San

Ngay đầu cầu Cốc San trên Quốc lộ 4D đoạn Lào Cai đi Sa Pa, du khách dễ dàng nhận ra bên tay trái có cổng chào ghi 'Làng văn hóa An San'. Liền kề đó có 3 tấm biển đề: Đường điện sáng nông thôn, Làng sinh thái An San, Đường phụ nữ tự quản. Đây là những minh chứng của một làng quê đạt danh hiệu làng văn hóa trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Thôn An San hôm nay. Ảnh: Hà Dũng

Thôn An San hôm nay. Ảnh: Hà Dũng

Năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng, những gia đình nông dân từ Kiến An (Hải Phòng) lên xã Cốc San, huyện Bát Xát (nay thuộc thành phố Lào Cai) khai hoang. Giữa rừng hoang dưới chân đèo lên khu du lịch Sa Pa mọc lên những căn nhà tạm để hình thành làng (ngày đó hay gọi là hợp tác xã khai hoang) An San. Đây là tên ghép mang nặng nghĩa tình quê hương Kiến An với tình yêu quê mới Cốc San. Những xã viên trẻ nhất của hợp tác xã thời ấy, bây giờ đã ngoại bát tuần, phần nhiều trở thành người thiên cổ, để lại cho đời một làng quê như bức tranh sống động.

Ngày ấy, khi rẽ rừng vào dựng lán tạm, ai ai cũng mừng rỡ với thế đất dựa lưng vào núi lớn, phía trước là cánh đồng lúa của đồng bào Giáy. Vén lớp lá mục dày dưới chân, hiện ra tầng đất dầy màu mỡ, mang hứa hẹn cho con cháu cư ngụ đời đời. Nhưng vạn sự khởi đầu đâu chỉ có niềm vui. Khi san nền nhà mới, nhát cuốc đầu tiên lưỡi bị quăn lại vì bập vào đá, hai cánh tay đau tức nhức lên tận óc. Phát nương trồng cây ngô, cây sắn, chỗ nào cũng thấy đá mẹ, đá con ngồi chồm chỗm canh giữ lãnh địa… đá. Tra lúa nương chỉ sau mươi ngày, nhìn cây lúa đã cao tới gang tay, vui như mở cờ trong bụng vì đất tốt lại gặp tiết trời thuận lợi, ngày nắng, đêm mưa. Nhưng dăm ngày sau lên thăm nương, ngờ đâu cỏ mọc trùm kín lúa. Bằng tấm lòng đoàn kết giữa miền ngược với miền xuôi, bà con người Giáy trong xã Cốc San ủng hộ mươi héc ta đất ruộng để người khai hoang đỡ khó khăn. Vụ gặt đầu tiên, bông lúa chỉ lèo tèo hạt vì giống lúa chiêm tép mang từ quê lên không hợp thủy, thổ. Mấy con lợn sề, đàn gà giống mang từ quê lên không quen khí hậu nên gầy teo tóp rồi thay nhau lăn ra chết. Lao động vất vả, ăn uống thiếu thốn, chưa quen thổ nên nhiều người bị sốt rét “hỏi thăm”. Vài ba nhà không chịu nổi gian khổ, bồng bế con ra ga Lào Cai xuôi tàu hồi hương.

Theo ngày tháng, niềm tin ở tương lai kiên trì vùi lấp dần gian khổ. Những ngày giáp hạt, trẻ con có thêm củ sắn, bắp ngô, không phải bưng bát cháo loãng. Tối mùa gặt, kẻng hợp tác gióng giả gọi xã viên ra nhà kho nhận thóc về phơi. Lương thực đủ ăn và năm nào người An San cũng hoàn thành nghĩa vụ gửi lương thực ra chiến trường đánh Mỹ. Những ngôi nhà gỗ cột kê thay nhau mọc lên, đánh dấu sự yên lòng với làng quê mới. Đất lành chim đậu, một số gia đình từ Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương biết An San là nơi tràn đầy hứa hẹn nên cũng ngược tàu Lào Cai lên đây “mua láng giềng gần”. Ngày đầu hội ngộ nơi rừng xanh núi đỏ, người người đã thấy quý mến nhau vì cùng mang dòng tộc Lê, Trần, Nguyễn…

Đường về An San.

Đường về An San.

Cùng hành trang vật chất, những người đi khai hoang thời ấy mang theo hành trang tinh thần là “Phát triển kinh tế, văn hóa miền núi” theo lời Đảng và Bác Hồ kêu gọi. Nối tiếp truyền thống cha ông, những năm gần đây, song hành với tăng gia sản xuất, người An San giương cao ngọn cờ đoàn kết để xây dựng nông thôn mới. Như đàn ong cần mẫn xây tổ, các gia đình tự vươn lên, nhà nhà chung tay giúp sức để thay thế dần những ngôi nhà gỗ xoan cột kê bằng nhà xây một tầng, hai tầng. Nếu không thấy xen giữa cây nhãn, cây mít tán lá sum suê, thân gốc sần sùi, được trồng từ thời mở đất, ai cũng tưởng An San là phố thị. Để xứng tầm vẻ đẹp của căn nhà chính, mọi bếp núc, công trình phụ đều được xây và trang bị đồ tiên tiến, hợp vệ sinh, sạch sẽ theo tiêu chuẩn của làng sinh thái.

Bà con An San đều hiểu rằng: Khi đường giao thông thuận tiện mới có đà phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Những gia đình ven đường tự nguyện góp đất mở rộng đường làng. Chương trình phát triển đường giao thông nông thôn của Nhà nước đến với An San bằng những xe xi măng để Nhân dân An San hồ hởi hoàn thành con đường bê tông vững chắc từ trong làng ra tận các bờ vùng ngoài đồng. Tô điểm cho đường làng đổ bê tông là đường hoa trồng hai bên đường, nếu khách từ nơi xa đến tưởng đang đi trong công viên nào đó. Cúc vạn thọ màu vàng, mẫu đơn hồng, mào gà, đồng tiền, nhài trắng, dạ lan, mỗi loài hoa là một màu sắc, hương thơm riêng có. Chủ trì hàng hoa cây cảnh là bàn tay khéo léo của các hội viên chi hội phụ nữ nhưng mọi người trong thôn đều góp công góp sức tìm chọn các loài hoa đẹp về trồng. Cứ bảo quấy phá là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò nhưng mọi học sinh trong thôn đều biết giữ gìn và chăm sóc hoa trên đường làng thêm đẹp.

Liền kề với hai đường hoa ấy là các bức tường rào xây trở thành đường tranh sinh động cuộc sống mới. Tấm vẽ hình các em thiếu nhi tung tăng cắp sách đến trường, là khung cảnh làng quê có những ngôi nhà tầng xen giữa vườn cây xanh tốt, là đồng quê đang mùa gặt tấp nập người. Những bức họa chân thật, chất phác nhưng sinh động ấy không ai định được giá bao nhiêu tiền bởi là công sức và trí tuệ của các họa sỹ không chuyên là các đoàn viên, thanh niên cùng các thầy cô giáo trong xã, góp phần tôn thêm vẻ đẹp của làng quê núi An San.

Cùng với đường là hiện hữu còn có đường không dây cũng theo về. Đó là đường loa truyền thanh sóng ngắn phát từ trung tâm xã. Ngoài tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh thành phố, còn thường xuyên đưa tin sự phát triển kinh tế - xã hội và những việc làm cần thiết của xã đến với người dân. Từ ngày Cốc San sáp nhập về thành phố Lào Cai nhằm giúp An San xứng tầm làng trong phố, hai mươi bóng đèn dùng năng lượng mặt trời thắp sáng dọc đường làng nên đường An San lung linh suốt đêm. Hệ thống chiếu sáng ấy không thể tính giá trị bằng 50 triệu đồng mà cao hơn cả là tình cảm của cán bộ, nhân viên Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố giúp đỡ vì một An San tươi sáng. Hệ thống đường điện ấy còn thúc đẩy cho gia đình trong các ngõ nhỏ xóm cũng cùng nhau kéo điện trong lối ra, vào của mình.

Đến thăm nhà văn hóa An San, chúng tôi gặp mấy người đang sửa sang dọn dẹp và trang hoàng nhà văn hóa để đón Tết. Ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Chi bộ hồ hởi bảo: Từ ngày thành lập thôn An San, năm nào cũng vậy, sáng mùng Một tết Nguyên đán, sau khi dâng lễ cúng gia tiên, mọi người đều tập trung đến nhà văn hóa chào cờ đầu năm, nghe đọc Thư chúc tết của Chủ tịch nước và đi chúc tết các gia đình thương binh, liệt sỹ, các vị cao niên và những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Đây chính là nét văn hóa đẹp đã trở thành truyền thống của người An San.

Trong nắng xuân ấm áp, từng tốp, từng tốp già trẻ nam nữ An San, người cầm chổi quét dọn đường làng, người tỉ mẩn sửa sang những cây hoa ven đường, tô lại các bức tranh để chuẩn bị chào đón tết Nhâm Dần tràn đầy hứa hẹn. Ai ai cũng tự hào rằng đường làng hôm nay chính là lối rẽ rừng của thế hệ đi trước để có ngôi làng mang đầy sự bình yên dưới chân núi Rừng Mít.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352812-duong-xuan-an-san