'Dứt áo' UNESCO, Mỹ dấn bước chủ nghĩa đơn phương

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục dấn thêm một bước trên con đường theo đuổi chủ nghĩa đơn phương 'Nước Mỹ trên hết' khi rút khỏi UNESCO vào ngày cuối cùng của năm 2018.

Mỹ đã chính thức rút khỏi UNESCO vào ngày 31-12-2018

Mỹ đã chính thức rút khỏi UNESCO vào ngày 31-12-2018

Mỹ đã chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vào ngày 31-12-2018, theo quyết định gây chấn động được Bộ Ngoại giao nước này công bố hồi tháng 10-2017. Sau khi rút khỏi UNESCO, Washington sẽ tiếp tục bảo lưu tư cách quan sát viên tại tổ chức này nhưng sẽ không còn đóng góp tài chính hay được bầu vào cơ quan trọng yếu là Ủy ban Di sản Thế giới.

Lý do mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra khi công bố quyết định rút khỏi UNESCO hơn 1 năm trước đây là tổ chức về giáo dục, khoa học và văn hóa lớn nhất thế giới này có quan điểm và chính sách mà Mỹ cho là “chống Israel”. Washington cũng đồng thời cáo buộc, UNESCO bị “chính trị hóa”, trong khi chính quyền định rút khỏi UNESCO được giới phân tích nhận định rằng “hoàn toàn là quyết định chính trị và phục vụ lợi ích chính trị của Mỹ”.

Là tổ chức có vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ các di sản toàn cầu kể từ khi ra đời năm 1946 trong bối cảnh nhiều di sản văn hóa quý giá bị chiến tranh thế giới lần thứ hai tàn phá nặng nề, UNESCO rất quan tâm tới các di sản văn hóa, kiến trúc tại khu vực Trung Đông bị phá hủy, xâm hại nghiêm trọng do xung đột. Vì thế, việc UNESCO chú trọng bảo vệ, khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa ở Trung Đông, trong đó có di sản tại Palestine hay trên các vùng đất Palestine bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến tranh năm 1967, là đương nhiên và hoàn toàn không phải “bị chính trị hóa”.

UNESCO hiện đang có những dự án bảo tồn lớn các di sản văn hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột tại Trung Đông, trong đó có kế hoạch tái thiết khu chợ, thư viện trung tâm, hai nhà thờ và một thánh đường tại Mosul của Iraq. Trong đó, dự án lớn nhất được Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) tài trợ 50 triệu USD nhằm khôi phục đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tòa tháp nổi tiếng Hadba của đền thờ này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy vào tháng 6-2017.

Việc rút khỏi UNESCO vào ngày cuối cùng của năm 2018 không phải là lần đầu tiên Mỹ rút khỏi tổ chức này. Năm 1984, Mỹ cũng từng rút khỏi UNESCO với cáo buộc tổ chức này “lãng phí và có lập trường phản đối Mỹ” và phải 19 năm sau mới trở lại UNESCO vào năm 2003.

Như vậy, có thể thấy việc “đi hay ở” UNESCO là tính toán dựa trên quan điểm chính trị và phục vụ lợi ích của Washington. Điều này càng rõ hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo mà từ khi tranh cử cho đến khi chính thức nắm quyền tại Nhà Trắng hồi tháng 1-2017 luôn giữ quan điểm và hành động với mục đích “Nước Mỹ trên hết”.

Vì lợi ích của nước Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump dễ dàng từ bỏ các cam kết và ràng buộc trách nhiệm toàn cầu như rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu; hay sẵn sàng không đếm xỉa tới những đồng minh thân thiết khi đưa ra các quyết định đối đầu thương mại cho tới việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mới đây nhất là tuyên bố rút quân khỏi Syria…

Nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump không còn quan trọng các nhìn nhận và hành xử truyền thống về cam kết hay trách nhiệm quốc tế cũng như bạn bè và đồng minh. Washington đang băng băng trên con đường chủ nghĩa đơn phương “Nước Mỹ trên hết”, rút khỏi UNESCO chỉ là một bước trên con đường đó mà thôi.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/dut-ao-unesco-my-dan-buoc-chu-nghia-don-phuong/795177.antd