Duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo người lao động
Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho công đoàn Việt Nam - tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh.
Biên chế cán bộ công đoàn còn bất cập
Sáng 18/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sau khi các ĐBQH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu.
Thay mặt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn viên, người lao động cả nước ông Khang cảm ơn những ý kiến đóng góp sâu sắc, trách nhiệm của các ĐBQH đối với dự án luật.
“Các ý kiến phát biểu tại tổ và tại hội trường đã thể hiện sự quan tâm, trăn trở của các đại biểu Quốc hội tới sự phát triển của tổ chức công đoàn, tới giai cấp công nhân, người lao động cả nước”, ông Khang nói.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này phải đảm bảo cho công đoàn Việt Nam - tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia.
Về cán bộ công đoàn, ông Khang cho biết, để phù hợp với quy định của Đảng như Quy định số 212 ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, bộ máy biên chế, cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện;
Quy định số 24 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, đặc biệt là thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, trong đó đã quy định nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế.
Dự thảo luật đã quy định theo hướng công đoàn các cấp được đảm bảo về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện được đầy đủ chức năng, quyền và trách nhiệm. Đồng thời, cho phép Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.
Về một số nội dung có ĐBQH tranh luận, về Điều 26, dự thảo Luật quy định là "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu bộ máy, vị trí việc làm và chức danh của cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền".
Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng Liên đoàn Lao động ở cấp trung ương gồm có ở cơ quan của Tổng Liên đoàn và các công đoàn ngành Trung ương được Bộ Chính trị giao cho Ban Tổ chức thông báo cho Tổng Liên đoàn thì Tổng Liên đoàn sẽ tiến hành phân bổ các cán bộ công đoàn này cho các ngành Trung ương theo quy mô, số lượng đoàn viên của từng ngành, còn ở tại các địa phương vẫn thực hiện theo đúng quy định là do Ban Thường vụ cấp ủy các địa phương quyết định.
Bên cạnh đó, theo ông Khang, trong thời gian vừa qua biên chế của cán bộ công đoàn có nhiều bất cập. Thực hiện theo Kết luận 40 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp cùng với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá và xây dựng một báo cáo cho Ban Chỉ đạo biên chế Trung ương về tình hình cán bộ công đoàn.
"Có nhiều bất cập mà các đại biểu đã chia sẻ, có những tỉnh, thành có quan hệ lao động phức tạp, số lượng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đông nhưng số lượng cán bộ công đoàn bố trí không đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, một số tỉnh thành có số lượng doanh nghiệp ít và số lượng đoàn viên công đoàn ít, quan hệ lao động không phức tạp lại được bố trí cán bộ công đoàn không tương xứng", ông Khang nêu.
Do đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất với Ban Chỉ đạo về biên chế của Trung ương một công thức tính trên cơ sở số lượng đoàn viên từng ngành, từng địa phương. Đề nghị có số lượng cán bộ hợp đồng cho những đơn vị sự nghiệp của công đoàn.
Tại các công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động như ý kiến một số đại biểu đã nêu, tức là doanh nghiệp trả lương sẽ giảm sút đi tinh thần chiến đấu, bảo vệ trong quan hệ lao động. Do vậy, rất mong muốn sẽ được hợp đồng để có các cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở.
Chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Về kinh phí công đoàn và quản lý tài chính, tài sản công đoàn. Theo ông Khang, đây là một nội dung được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội. Nội dung về tài chính công đoàn, ông Nguyễn Đình Khang cho biết đã có một báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội.
Về kinh phí công đoàn, đa phần các đại biểu Quốc hội đồng tình cho việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, cho người lao động trực tiếp dưới cơ sở.
Về quản lý tài chính, Luật Công đoàn hiện hành năm 2012 ban hành, ngay sau đó Chính phủ có Nghị định 191 quy định rất cụ thể về tài chính công đoàn, về từng danh mục các khoản chi của tài chính công đoàn.
"Chúng tôi cũng thực hiện đúng các quy định về chế độ dự toán giống như các quy định đối với các cơ quan ở Trung ương khác. Ví dụ khoán chi phí hành chính, chi hành chính như thế nào, 100% chúng tôi thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách và các Luật tài chính khác", ông Khang nói.
Về vấn đề công khai tài chính, ông Khang cũng cho biết Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, ở cấp nào thì công khai ở phiên họp Ban chấp hành của 6 tháng đầu năm sau của năm liền kề.
Tài chính công đoàn được Kiểm toán Nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm 1 lần trên cơ sở kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua và kết quả kiểm toán được báo cáo Quốc hội, tổng hợp chung vào báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng chịu sự thanh tra, giám sát của tất cả các cơ quan khác như: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính.. Còn quy định ở trong Luật này là nhằm thể chế hóa cho rõ tình hình công khai tài chính công đoàn", ông Khang nói.
Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐBQH bày tỏ tán thành việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.