Duy trì bền vững Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả
BHG - Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được thực hiện từ năm 2016 đến nay với nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, công trình vệ sinh và các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh đang mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới, địa hình bị chia cắt mạnh, một số xã vùng sâu, vùng xa, biên giới thiếu nước vào mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau; nguồn nước ở nhiều địa phương chưa được đầu tư khai thác, sử dụng hợp lý; nhận thức của người dân đối với vấn đề nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe còn hạn chế; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh thấp; một số trường học, trạm y tế chưa có công trình cấp nước sinh hoạt và nhà vệ sinh bền vững. Trước thực trạng đó, chương trình với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững tới nước sạch và vệ sinh nông thôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Chương trình gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn, vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình 266.379 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư cấp 218.807 triệu đồng; tỉnh vay lại 10% là 19.457 triệu đồng và vốn đối ứng của tỉnh 28.115 triệu đồng. Để thực hiện hiệu quả chương trình, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo điều hành chương trình của tỉnh; quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành liên quan triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành trên 11.310 đấu nối đến các hộ dân, vượt 100% kế hoạch; đầu tư xây dựng 114 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học, 60 công trình vệ sinh trạm y tế và hoàn thành 35 xã “Vệ sinh toàn xã”, hỗ trợ xây dựng nhà tiêu mới cho 4.828 hộ, đạt 100% mục tiêu chương trình giao. Ban Chỉ đạo điều hành chương trình tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, tập huấn sổ tay hướng dẫn trong cấp nước nông thôn cho cán bộ thực hiện chương trình ở cơ sở; tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò nước sạch và vệ sinh môi trường, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng hiệu quả các công trình sau đầu tư gắn với các vấn đề về giới và dân tộc thiểu số.
Các công trình cấp nước và vệ sinh đều được thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình của địa phương, tiết kiệm, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng lượng nước, số hộ, số khẩu hưởng lợi, đồng thời căn cứ vào điều kiện địa chất từng khu vực, chọn vị trí thích hợp, sử dụng nguồn nước tự nhiên tự chảy từ trên đỉnh núi, suất đầu tư thấp và được người dân đồng tình ủng hộ. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với UBND các địa phương, tổ quản lý công trình và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng công trình sau đầu tư. Các tổ vận hành công trình được đào tạo, tập huấn cơ bản. Nhờ vậy, các công trình sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, đảm bảo hoạt động bền vững theo đúng tiêu chí của chương trình.