Duy trì chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có hiệu quả

Tiếp đà những thành công trong năm qua, năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có hiệu quả; trong đó, tập trung vào nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Nguồn: Báo cáo triển vọng Phát triển châu Á. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Báo cáo triển vọng Phát triển châu Á. Đồ họa: Văn Chung

Thận trọng nới lỏng chính sách tài khóa

Năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP. Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật

Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2024, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế & chính trị thế giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và bất thường, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung và và không ngừng nâng tầm vị thế quốc tế.

“Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại, cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Hầu hết các chỉ số tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023” - Ths. Nguyễn Trần Minh Trí dự báo.

Tuy vậy, không thể chủ quan khi thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2024, Quốc hội quyết mức tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là chỉ tiêu khá thách thức.

Theo Ths. Nguyễn Trần Minh Trí, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm lãi suất tín dụng cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Đồng thời, cần triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch; tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 5% so với thực hiện năm 2023; cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Coi doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần đặc biệt chú trọng trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Từ đó, các chính sách vĩ mô phải xoay quanh việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu...

Đặc biệt, kỷ luật kỷ cương cần tiếp tục được siết chặt, đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tăng năng lực phản ứng chính sách theo hướng linh hoạt, đa dạng.

Chính sách vĩ mô cần đồng bộ, thiết thực và hiệu quả cao; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Đối với chính sách tài khóa, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy.

Phấn đấu thu đạt dự toán để có nguồn lực cho phát triển

Để đạt được các mục tiêu đề ra đối với Bộ Tài chính trong năm 2024 là không đơn giản, bởi dự báo còn nhiều khó khăn ở phía trước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp. Trong đó, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước; tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới.

Đồng thời, toàn ngành thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia,…

Phải coi đầu tư công chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn; đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên chú trọng đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm; tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/duy-tri-chinh-sach-tai-khoa-mo-rong-linh-hoat-co-hieu-qua-143666-143666.html