Duy trì hiệu quả Đề án chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính
Với quan điểm 'Làm đến đâu chắc đến đó, nơi nào thuận lợi thì làm trước, nơi nào khó khăn thì làm sau', thực hiện Đề án chuyển học sinh (HS) từ các điểm trường về học tại trường chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quang Bình đã chuyển được 18 điểm trường với hàng trăm HS về trường chính, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em.
Từ năm học 2015 - 2016, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Bản Rịa đã chuyển 1 điểm trường với 2 lớp học và 30 HS ở thôn Bản Thín về trường chính, xóa toàn bộ điểm trường. Năm học 2020 - 2021, toàn trường có 5 lớp học khối THCS và 7 lớp học khối Tiểu học với tổng số 326 HS. Trong đó, có 13 phòng và 265 em ở bán trú tại trường. Nhằm quản lý tốt HS, nhất là các em lớp 1, nhà trường bố trí cho các em ở cùng các anh, chị lớp lớn để hỗ trợ sinh hoạt. Cán bộ, giáo viên của trường chia thành 5 ca để trực buổi tối. Các thầy, cô giáo ở trường nhiều hơn ở nhà, coi HS như con, tâm huyết, tận tụy dạy dỗ các em từ những điều nhỏ nhất.
Thầy giáo Hoàng Văn Hòe, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Bản Rịa cho biết: “Bên cạnh việc học tập, nhà trường thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa để nâng cao kỹ năng sống cho HS. Các em từ lớp 4 đến lớp 9 còn trồng rau để bán lại cho trường, số tiền thu được các em sẽ đóng góp vào quỹ lớp để trang trí phòng học, in tài liệu, mua áo đồng phục, liên hoan cuối năm. Thông qua các hoạt động ý nghĩa, các em học tập tiến bộ, nhận thức nhanh, khả năng nói tiếng Việt lưu loát hơn. Với môi trường giáo dục thân thiện, HS luôn giữ vững kỷ luật, đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện, không phụ công ơn của các thầy, cô giáo”.
Trường PTDTBT Tiểu học Yên Thành đã chuyển 1 điểm trường thôn Yên Thành, chuyển HS lớp 3 điểm trường thôn Thượng Bình và HS lớp 5 điểm trường thôn Đồng Tiến về trường chính. Toàn trường có 38 cán bộ, giáo viên và 350 HS. Đây là trường duy nhất trong huyện có HS ở bán trú tại các điểm trường từ thứ 2 đến thứ 6, các em được ăn uống theo thực đơn của trường chính. Mỗi điểm có 6 giáo viên, các thầy, cô giáo dạy ở điểm trường phân công trực hàng ngày để quản lý HS. Tại trường chính có 148 HS bán trú, riêng khối lớp 1, nhà trường chia phòng cho các em ở cùng các anh, chị. Buổi tối, nhà trường có 5 giáo viên trực, các em lớp 1 được tổ chức nhóm học tập và có thầy, cô giáo dạy kèm; các khối lớp khác tự ôn tập bài. Lúc đầu HS còn bỡ ngỡ nhưng giờ các em đi vào nề nếp, nghiêm túc chấp hành các quy định của trường, lớp. Với mô hình quản lý HS hiệu quả, tỷ lệ duy trì sỹ số HS của trường đảm bảo 100%; tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi đạt 30%.
Em Đặng Phương Thúy, lớp 5A1, Trường PTDTBT Tiểu học Yên Thành, chia sẻ: “Em rất thích ở trường vì được học tập, vui chơi cùng các bạn. Chúng em có nhiều thời gian tham gia các hoạt động giáo dục bổ ích như: Truyền dạy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Mông, Pà Thẻn, Tày; giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa; trồng rau cải thiện bữa ăn; trồng hoa làm đẹp khuôn viên nhà trường; tích lũy được kiến thức, rèn kĩ năng sống”. Em Trịnh Việt Anh, lớp 5A1 cho hay: “Em thích học nhất môn Toán và được giải Nhì trong giao lưu Toán, Tiếng Việt cấp trường, giải khuyến khích cấp huyện. Em luôn nỗ lực, cố gắng học tập để đạt thành tích cao trong năm học 2020 - 2021”.
Đồng chí Hoàng Thị Phiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quang Bình cho biết: “Giai đoạn 2016 - 2020, huyện chuyển trên 1.200 HS từ các điểm trường về trường chính; giảm từ 54 điểm trường xuống 36 điểm và giảm 12 giáo viên; HS hoàn thành chương trình học chiếm trên 98%. Ngoài kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách 4,9 tỷ đồng, huyện đã huy động nguồn xã hội hóa gần 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phòng học, phòng lưu trú, bếp ăn… đảm bảo điều kiện tối thiểu cho HS. Các điểm trường được bàn giao làm hội trường thôn hoặc lớp học cho trẻ mầm non, không để lãng phí cơ sở vật chất. Đối với HS chuyển từ điểm trường về trường chính được bố trí, sắp xếp học 2 buổi/ngày; giảm tình trạng HS bỏ học, chấm dứt tình trạng HS đi học muộn; các em được chăm sóc và đảm bảo chất dinh dưỡng tốt hơn. Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện”.