Duy trì hoạt động ở công đoàn cơ sở
Sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hệ thống Công đoàn còn 2 cấp. Hiện các cơ sở duy trì hoạt động, tăng cường công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động tại đơn vị. Tuy nhiên, công đoàn cơ sở (CĐCS) cho rằng không còn công đoàn cấp trên trực tiếp, hoạt động thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn.
Tại Khu công nghiệp Bình Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Giang Samho có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, với 8.733 người lao động, trong đó 8.398 là đoàn viên Công đoàn, chiếm 96,16% người lao động. Chủ tịch CĐCS Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Giang Samho Võ Thanh Nhã cho biết, quý II/2025, CĐCS tham mưu Ban Giám đốc tăng các khoản phụ cấp thu hút người lao động đối với công nhân mới làm việc dưới 4 năm; phụ cấp sinh hoạt, nhà ở cho công nhân làm việc từ 4 năm trở lên. Cùng với đó, phối hợp Ban Giám đốc công ty xét chọn hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trong chương trình “Mái ấm Samho”, kinh phí 100 triệu đồng; cấp nhà “Mái ấm Công đoàn” cho 1 công nhân, kinh phí 50 triệu đồng.
Công đoàn thường xuyên quan tâm đến đời sống, sức khỏe của đoàn viên, công nhân, người lao động. Trong quý II, quyên góp, giúp đỡ 7 trường hợp đang gặp khó khăn, với số tiền 88,9 triệu đồng; thăm hỏi đoàn viên, người lao động bị bệnh, hiếu, hỷ, mừng sinh nhật… tổng số tiền 293,8 triệu đồng. Không chỉ vậy, Công đoàn còn chú ý để có thêm nhiều hỗ trợ khác như: Phối hợp với Ban Giám đốc mua máy sản xuất nước đá tinh khiết cung cấp miễn phí cho công nhân; ra mắt mô hình “Bơm, vá xe miễn phí”; phối hợp tổ chức tín dụng vi mô CEP giúp đỡ đoàn viên có nhu cầu vay vốn ưu đãi, thường xuyên kiểm tra chất lượng bữa ăn ca của công nhân…

Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Universal Apparel trao hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Để thích nghi với tình hình mới, các CĐCS chủ động lập kế hoạch hoạt động theo nhu cầu thực tế của đoàn viên, phù hợp với đặc điểm doanh nghiệp. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Universal Apparel có 100% vốn đầu tư Singapore, mỗi hoạt động chăm lo diễn ra đều được anh Lê Gia Phúc - Chủ tịch CĐCS Công ty đăng lên mạng xã hội, giới thiệu để người lao động quan tâm đến tổ chức Công đoàn. “Theo tình hình hiện nay, CĐCS tập trung vào công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong công ty. Các hoạt động khác được tổ chức quy mô nhỏ trong nội bộ, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới”, anh Phúc chia sẻ.
Trước đây, Công đoàn khu công nghiệp (CĐKCN) đóng vai trò hỗ trợ tư vấn, đại diện, hướng dẫn nghiệp vụ cho các CĐCS, nhất là trong các tình huống phát sinh tranh chấp lao động hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể. Khi CĐKCN kết thúc hoạt động, các CĐCS phải tự đảm nhận phần việc này, trong khi lực lượng cán bộ Công đoàn tại cơ sở không chuyên trách và thiếu kinh nghiệm. Đại diện các CĐCS doanh nghiệp chia sẻ, việc kết thúc hoạt động CĐKCN có thể gây ra khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để CĐCS thích nghi, đổi mới và phát triển, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, cơ sở vẫn rất cần một tổ chức trung gian có vai trò như cánh tay nối dài từ tỉnh đến cơ sở.
Các chương trình, hoạt động phong trào như Tháng Công nhân, mô hình “Sức khỏe của bạn”, giao lưu văn nghệ, thể thao… vốn do CĐKCN điều phối, nay thiếu nguồn lực tổ chức. Trước đây, CĐKCN giúp liên kết các CĐCS trong khu công nghiệp thành mạng lưới hỗ trợ nhau, hiện mỗi CĐCS hoạt động riêng lẻ, thiếu tính phối hợp. Tuy có nhiều thách thức, nhất là trong giai đoạn đầu, nhưng các CĐCS dần thích nghi, tự chủ hơn và nâng cao vai trò của mình vì luôn được hỗ trợ kịp thời từ Liên đoàn Lao động tỉnh và sự đồng hành của người sử dụng lao động.
Khi vận hành mô hình Công đoàn 2 cấp, phần lớn trách nhiệm triển khai nhiệm vụ Công đoàn tại doanh nghiệp được chuyển giao trực tiếp về CĐCS. Điều này đòi hỏi cán bộ CĐCS không chỉ đảm nhiệm vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên mà còn chủ động tổ chức các hoạt động, phong trào, tiếp cận chính sách và giải quyết phát sinh tại chỗ - điều trước đây có sự hỗ trợ trực tiếp từ CĐKCN. Các CĐCS đề xuất Công đoàn cấp tỉnh tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhất là pháp luật về lao động, kỹ năng thương lượng, tổ chức phong trào…
Khối lượng công việc tăng lên, trong khi phần lớn cán bộ CĐCS là kiêm nhiệm, đang chịu nhiều áp lực về thời gian và chuyên môn. Vì vậy, để tạo động lực, khuyến khích cán bộ gắn bó lâu dài và đảm bảo chất lượng hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp, đại diện CĐCS kiến nghị cơ quan cấp trên xem xét điều chỉnh, nâng hệ số phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ CĐCS, nhất là tại các doanh nghiệp có đông đoàn viên, hoạt động sản xuất nhiều ca, kíp.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/duy-tri-hoat-dong-o-cong-doan-co-so-a424512.html