Duy trì lối sống lành mạnh phòng ngừa bệnh tiểu đường
ĐBP - Hiện nay, thói quen sinh hoạt, ăn uống kém khoa học đã khiến cho các bệnh không lây nhiễm như: Đái tháo đường (tiểu đường) và tăng huyết áp có xu hướng tăng và trẻ hóa. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, trong năm 2022 trên địa bàn huyện phát hiện 29 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường (đa số ở lứa tuổi ngoài 40 tuổi, có trường hợp hơn 30 tuổi) nâng tổng số ca phát hiện lên 239 trường hợp; trong đó, số được quản lý 185 trường hợp.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Tiểu đường là bệnh mãn tính do rối loạn chuyển hóa đường kèm theo nhiều rối loạn chuyển hóa khác. Bệnh tiểu đường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các biểu hiện thông thường của bệnh tiểu đường như, luôn thấy đói và ăn nhiều; tiểu nhiều, nước tiểu ngọt nên kiến bâu. Mặc dù ăn uống nhiều nhưng người bệnh lại sụt cân nhanh trong thời gian ngắn, người gầy yếu, mắt mờ, tê bì tay chân, vết thương lâu lành...
Anh Lò Văn Thân, người dân xã Ẳng Nưa là một trong những bệnh nhân vừa phát hiện mắc bệnh tiểu đường, đang được bác sĩ khám và tư vấn. Anh Thân chia sẻ: Gần đây tôi thấy vẫn ăn uống bình thường nhưng lại có biểu hiện sụt cân rất nhanh. Trong vòng 2 tháng tôi sụt 6kg; số lần đi tiểu trong ngày cũng tăng. Tôi đến Trung tâm Y tế huyện để kiểm tra, làm xét nghiệm, kết quả cho thấy bị tiểu đường type 2. Lúc đầu tôi cũng rất lo lắng, nhưng sau khi được các bác sĩ tư vấn về cách điều trị, thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế ăn đồ ngọt, đồ nhiều tinh bột, thường xuyên đi bộ và uống thuốc đều đặn tôi cũng thấy yên tâm hơn. Từ nay, tôi sẽ cai thuốc lá, hạn chế rượu, bia và thường xuyên đi bộ, tập thể dục để có cuộc sống khỏe mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết: So với cùng kỳ năm ngoái số ca tiểu đường phát hiện mới tăng 29 ca, qua chiến dịch khám sàng lọc nhưng chưa đưa vào điều trị (do chưa đến ngưỡng phải dùng thuốc). Người dân phải thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, tối thiểu 6 tháng/lần. Hoặc khi thấy có dấu hiệu bất thường như trên, người dân nên đến cơ sở y tế để được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt, những người béo phì hoặc có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột) bị mắc bệnh đái tháo đường thì càng nên đi khám sớm. Cần theo dõi bệnh sớm, ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu. Vì khi đã có các biểu hiện trên thì nghĩa là mình đã bị mắc bệnh từ lâu. Bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa nếu chúng ta biết thay đổi hành vi, từ bỏ những hành vi, thói quen có hại dẫn đến nguy cơ mắc bệnh. Nên ăn nhiều rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt; giảm bớt tinh bột, thức ăn có nguồn gốc động vật và thay thế bằng các thức ăn có nguồn gốc thực vật (các loại đậu, lạc...); kiêng các thức ăn cung cấp đường nhanh (bánh kẹo, trái cây ngọt...). Có thể dùng các chất ngọt (đường hóa học) thay thế đường thông thường như saccharin. Cần chú ý giảm cân nếu béo phì hoặc thừa cân bằng chế độ ăn giảm calo. Ở người không thừa cân, béo phì không nên ăn kiêng thái quá. Tuy nhiên, bệnh nhân dù ăn kiêng để giảm cân nhưng vẫn phải đảm bảo các vitamin, nhất là vitamin nhóm B; tăng cường vận động, tập luyện thể lực (đi bộ, chạy, bơi...) ít nhất từ 30 - 45 phút mỗi ngày; sinh hoạt điều độ, tránh rượu, bia, không hút thuốc lá...
Tiểu đường là bệnh không lây, có liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động, lối sống của mỗi người. Vì vậy để phòng, tránh bệnh tiểu đường mỗi người cần thường xuyên luyện tập thể dục, có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, hợp lý.