Duy trì mối liên kết, tăng giá trị cây vụ đông
Ở những vùng sản xuất tập trung, hoạt động liên kết bao tiêu sản phẩm, nhất là cây vụ đông ngày càng được quan tâm. Hình thức này giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, yên tâm canh tác.
Cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp
Từ năm 2017 trở về trước, hầu hết nông dân ở thôn Đồi Chính, xã Đại Hóa (Tân Yên) sản xuất manh mún, hiệu quả thấp. Năm nào các hộ cũng lo nông sản làm ra mất giá, không có người thu mua. Khi nhiều nhà máy công nghiệp mọc lên trong vùng, không ít người bỏ đồng ruộng để đi làm công nhân. Là một trong số ít hộ còn bám đồng ruộng ở thời điểm đó, cùng với hơn 1 ha của gia đình, vợ chồng anh Vương Anh Tuấn, chị Hoàng Thị Quyên đã thuê, mượn những thửa ruộng của các hộ lân cận để trồng ngô ngọt, khoai tây.
Tổng diện tích lên tới hơn 20 ha. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác, gia đình anh thu lãi ngay trong năm đầu tiên. Sau khi tính toán hiệu quả kinh tế và đầu ra, những vụ sau, anh chủ yếu tập trung trồng khoai tây. Chất lượng giống bảo đảm, được chăm sóc đúng quy trình trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất khoai đạt cao, tiêu thụ thuận lợi. Nhận thấy mô hình của gia đình anh mang lại hiệu quả, nhiều hộ đã trở lại sản xuất cây vụ đông.
Đầu năm 2020, tỉnh và huyện có chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu chuyên canh cây khoai tây, hỗ trợ cải tạo kênh mương dẫn nước về đồng phục vụ tưới tiêu. Anh thành lập HTX Nông nghiệp Hoàng Linh với 7 thành viên để xây dựng cánh đồng chuyên canh. Từ đó, HTX là "cầu nối" cung ứng giống khoai tây, phân bón, thu mua nông sản cho bà con các xã: Đại Hóa, Ngọc Vân, Việt Ngọc, Lan Giới, Phúc Sơn, Ngọc Thiện và các địa phương lân cận, tạo việc làm thời vụ cho 25-30 lao động. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Trước đây, chỉ có khoai loại to mới dễ tiêu thụ, còn khoai loại 2 (củ nhỏ) thường phải mang ra chợ bán lẻ với giá rẻ, thậm chí bỏ đi thì nay được cung ứng hết cho doanh nghiệp (DN) chế biến. Nhờ “kênh” liên kết, bao tiêu sản phẩm của gia đình anh Tuấn, chị Quyên mà đến nay, thôn Đồi Chính và các vùng lân cận không còn ruộng bỏ trống vụ đông. "Năm nào cũng vậy, sau khi gặt lúa mùa, các cánh đồng được trồng nhiều loại hoa màu. Đến kỳ thu hoạch, xe ô tô ra, vào thu mua nông sản tấp nập", anh Tuấn nói. Vụ đông này, HTX tiếp tục duy trì liên kết để người sản xuất, bên thu mua đều có lợi.
Cũng như ở Đại Hóa, nhiều năm qua, nông dân các vùng sản xuất tập trung ở các xã Chu Điện, Đông Phú, Tam Dị (Lục Nam) không còn lo đầu ra cho nông sản bởi đã có những đầu mối thu mua ổn định. Gặp bà Đào Thị Hằng, thôn Mẫu Sơn trên cánh đồng trồng hành sắp đến kỳ thu hoạch, bà cho biết: “Trồng hành không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần tính toán kỹ lượng phân bón cũng như thời điểm bổ sung phân bón, nước tưới là được. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng gần 1 sào hành, thời tiết thuận lợi nên dự kiến thu được gần một tấn. Giá bán tại ruộng là 17 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 20 nghìn đồng/kg. Ngay từ khi vừa xuống giống đã có khách quen đặt cọc thu mua. Rất lâu rồi tôi không phải mang đi chợ bán lẻ”.
Toàn tỉnh có hàng trăm DN, HTX đứng ra ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản như: HTX Rau sạch Yên Dũng, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Trường An, Công ty TNHH Phúc Hưng Bắc Giang. Ngoài ra còn có các mô hình liên kết nhỏ lẻ ở các vùng sản xuất. Hình thức liên kết đa dạng thông qua thuê mượn ruộng để mở rộng diện tích, tăng quy mô sản xuất; liên kết trong bao tiêu, thu mua nông sản, chia sẻ thông tin, giới thiệu thị trường... Giải pháp này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung và cây vụ đông nói riêng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Thêm nguồn lực để nhân rộng
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng hơn 21,7 nghìn ha rau màu các loại. Liên kết bao tiêu sản phẩm, nhất là nhóm rau, củ, quả được Sở Nông nghiệp và PTNT chú trọng, đề nghị các huyện, TP quan tâm triển khai. Năm 2022, toàn tỉnh xây dựng 118 mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với diện tích hơn 3,9 nghìn ha, cho hiệu quả kinh tế cao từ 100 - 500 triệu/ha/năm, tăng 30-40% so với sản xuất thông thường. Năm 2023, số lượng các mô hình sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm tiếp tục có xu hướng tăng so với năm trước.
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 21,7 nghìn ha rau màu các loại, trong đó ưu tiên trồng các loại rau (13,2 nghìn ha), tiếp đó là ngô (4,6 nghìn ha), khoai lang (1,8 nghìn ha)...
Nhằm hỗ trợ liên kết sản xuất, HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 27/2023/NQ - HĐND nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2020/NQ - HĐND quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Chính sách mới có lợi cho HTX, chủ thể liên kết sản xuất như cắt giảm một số giấy tờ, quy trình, thủ tục hưởng hỗ trợ trước đây. Ngân sách tỉnh hỗ trợ giống, vật tư tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất; hỗ trợ 50% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/dự án, kế hoạch liên kết (tăng 500 triệu đồng so với quy định trước).
Vừa qua, UBND tỉnh cũng phê duyệt danh mục 9 dự án, kế hoạch liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp năm 2023 và các năm tiếp theo cho 7 HTX với tổng kinh phí gần 19,7 tỷ đồng. Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Sở đề nghị mỗi huyện, TP triển khai xây dựng từ 4-5 mô hình liên kết sản xuất tập trung trong vụ đông. Đặc biệt là quan tâm mở rộng các mô hình sản xuất theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm với các HTX, DN ngay từ đầu vụ để bảo đảm nguồn cung - cầu, tránh tình trạng dư thừa, rớt giá sản phẩm”.
Bài, ảnh: Hải Vân