Duy trì sản xuất an toàn, thúc đẩy kinh tế phát triển
Nền kinh tế Bình Dương đang ra sức chống chọi và thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh đã sẵn sàng các kịch bản để chủ động thực hiện 'mục tiêu kép', trong đó quyết liệt phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Vấn đề đặt ra hiện nay là tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó nhằm duy trì đà tăng trưởng, thu về kết quả cao nhất vào cuối năm 2021.
Bình Dương đang nỗ lực hết sức, tạo điều kiện để các DN bảo đảm an toàn trong dịch bệnh để tiếp tục sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH NTI Vina (KCN VSIP 2)
Nỗ lực vượt khó
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã gây ra tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) và phát triển của các DN, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong bối cảnh đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, một số ngành, lĩnh vực đình trệ như dịch vụ, du lịch, vận tải không thiết yếu…
Tuy một số chỉ tiêu KT-XH trong tháng 7 sút giảm so với tháng 6 và cùng kỳ, nhưng những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm vẫn đem lại những đóng góp quan trọng, làm nền tảng cho các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,85 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,7%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ…
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhiều DN đang đối diện với rủi ro, khó khăn hoạt động do chuỗi cung ứng gián đoạn, chi phí sản xuất tăng cao bên cạnh việc thêm chi phí để phòng, chống dịch bệnh… Mặc dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tránh đứt gãy sản xuất như “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm”, tuy nhiên hiệu quả của các giải pháp chưa thật sự đạt được như mong đợi. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn là chống dịch quyết liệt, hiệu quả, đồng thời cần giữ vững và phục hồi SXKD, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Bình Dương đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất cùng với việc phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH ở mức cao nhất bằng các biện pháp hỗ trợ tối đa cho các DN SXKD, người dân và người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tổ công tác hỗ trợ DN có trách nhiệm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến hoạt động SXKD; đồng thời rà soát, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên và Tổ công tác hỗ trợ DN báo cáo, tham mưu, đề xuất hàng tuần để có phương án hỗ trợ kịp thời cho các DN.
“Bình Dương đang nỗ lực hết sức mình tạo điều kiện để các DN bảo đảm an toàn trong thời gian dịch bệnh, tiếp tục sản xuất. Tỉnh cũng mong các DN chung tay, đồng hành với chính quyền địa phương, giữ vững “thành trì” chống dịch. Tỉnh luôn ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn mà các DN đang gặp phải cũng như đánh giá cao và trân trọng sự quyết tâm của các DN thực hiện “3 tại chỗ” để góp phần phát triển kinh tế. Bình Dương sẽ cố gắng kiểm soát tốt dịch bệnh để DN an tâm SXKD, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ”.
(Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)
Theo ông Mai Bá Trước, nhằm đồng hành, chia sẻ kịp thời với DN để vượt qua dịch bệnh Covid-19, tỉnh đang gấp rút xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN áp dụng hiệu quả phương án “3 tại chỗ” bằng tiền mặt, nhân lực và vật lực, kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm, sàng lọc, phòng chống dịch bệnh cũng như điều trị cho các đối tượng công nhân nhiễm bệnh. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” theo hướng phù hợp hơn, thông thoáng hơn để khuyến khích áp dụng cho các DN không thể thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tỉnh đang tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc trong các DN, có giải pháp để động viên tinh thần NLĐ; xây dựng phương án hỗ trợ DN tìm nguồn lao động thay thế do thiếu hụt; thực hiện tốt các biện pháp phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong quản lý lưu thông hàng hóa, bảo đảm thuận lợi cho các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, vận chuyển hàng hóa và hàng tiêu dùng thiết yếu một cách thông suốt; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, hải quan, thuế, thương mại, thanh toán điện tử… cho các DN. Hiện tỉnh đang tích cực triển khai các gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng…
Về vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho NLĐ trong các DN, ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, cho biết trước mắt sẽ tiêm hết cho NLĐ các DN trong “vùng xanh” đang thực hiện “3 tại chỗ”. Tính đến thời điểm này đã tiêm xong cho 4 KCN có DN thực hiện “3 tại chỗ”, các khu còn lại đạt 70%. Sắp tới sẽ triển khai tiêm tại KCN Bàu Bàng, nơi có khoảng 7.000 - 8.000 công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết việc thực hiện “mục tiêu kép” là chủ trương đúng đắn mà tỉnh đang kiên trì thực hiện. Để bảo đảm duy trì hoạt động SXKD, giữ vững chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, các DN cần phối hợp với địa phương tổ chức tốt các mô hình sản xuất trong tình hình mới. Thời gian tới, tỉnh và các địa phương “vùng xanh” tiến hành chọn một số DN thí điểm tổ chức sản xuất theo mô hình công nhân một công ty ở cùng một địa điểm trọ đủ điều kiện an toàn, khi vào nhà máy được xét nghiệm sàng lọc theo quy định. Về tổ chức sản xuất, bảo đảm nhà trọ phải “xanh”, công nhân “xanh”, nhà máy “xanh”.