Duy trì vườn cây thuốc nam tại các trạm y tế

Vườn cây thuốc nam mẫu, hoặc bộ tranh thuốc nam mẫu là 1 trong các chỉ tiêu thuộc tiêu chí số 6 về khám, chữa bệnh phục hồi chức năng và y học cổ truyền trong bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 35 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế và năm 2024, phấn đấu có 70 xã đăng ký đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Vườn cây thuốc được trồng theo nhóm, có bảng ghi tên khoa học, công dụng chữa bệnh, để hướng dẫn người dân sử dụng phòng chống, điều trị một số bệnh thông thường, góp phần thực hiện hiệu quả công tác khám, điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Cán bộ Trạm Y tế xã Pi Toong, huyện Mường La, chăm sóc vườn cây thuốc nam.

Cán bộ Trạm Y tế xã Pi Toong, huyện Mường La, chăm sóc vườn cây thuốc nam.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Tỉnh Sơn La còn nhiều loại cây thuốc nam quý vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Ngành Y tế chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ các trạm về y học cổ truyền; phát các tài liệu chuyên môn về kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại trong cơ sở khám, chữa bệnh. Khuyến khích các trạm y tế xã tự sưu tầm các loại cây thuốc có sẵn trong tự nhiên; hướng dẫn nhân viên y tế bản tìm kiếm giống cây thuốc nam đã được Bộ Y tế công nhận để về trồng và đẩy mạnh truyền thông về điều trị y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại cho nhân dân.

Vườn cây thuốc nam của Trạm Y tế xã Pi Toong, huyện Mường La, rộng 40m2, đang có 40 loại cây thuốc, được gắn biển tên từng loại. Trong đó, nhiều loại cây quen thuộc trong đời sống hằng ngày, hỗ trợ điều trị bệnh thông thường, như ngải cứu, tía tô, kinh giới, bạc hà... giúp điều trị các chứng cảm cúm, thương hàn, viêm họng.

Anh Vì Văn Hảo, Phó trưởng Trạm Y tế xã Phi Toong, cho biết: Khi người dân đến trạm khám bệnh, nếu chẩn đoán có thể chữa được bằng cây thuốc nam, chúng tôi tư vấn và hướng dẫn sử dụng các bài thuốc nam kết hợp với thuốc tây, những trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần điều trị bằng thuốc nam là khỏi.

Trước đây, chị Lò Thị Mai, bản Lè, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, trồng cây húng chanh và lá hẹ để phục vụ các bữa ăn hằng ngày. Được cán bộ Trạm Y tế xã hướng dẫn bài thuốc từ húng chanh, lá hẹ kết hợp với mật ong để điều trị triệu chứng ho, cảm cúm, chị đã áp dụng tại gia đình. Chị Mai chia sẻ: Gia đình tôi có 2 cháu nhỏ, nên khi áp dụng bài thuốc này rất hiệu quả và an toàn. Ngoài ra, tôi còn được cán bộ y tế hướng dẫn trồng cây tía tô, rau má và diếp cá để hạ sốt, chăm sóc sức khỏe cho con ngay tại nhà.

Hằng năm, tỷ lệ khám, chữa bệnh y học cổ truyền, hoặc y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tại các trạm y tế đạt trung bình từ 25-30% trở lên trên tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Riêng 9 tháng qua, các trạm y tế đã khám, chữa bệnh cho hơn 300.000 lượt người; trong đó 76.000 lượt bệnh nhân được khám, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại. Có 29 cán bộ trạm y tế các xã đi đào tạo chuyên sâu về y học cổ truyền từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Mã, thông tin: Huyện có 18/19 trạm y tế xã, thị trấn có vườn cây thuốc nam; 6/19 trạm có y sĩ y học cổ truyền đảm nhiệm khám, chữa bệnh y học hiện đại kết hợp y học cổ truyền. Việc phát triển các vườn cây thuốc nam giúp bà con nhận dạng các loại thuốc ngay tại gia đình, từ đó, áp dụng để tự phòng, chống các bệnh nhẹ tại nhà đúng cách, hiệu quả, giảm chi phí, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng cao, cách xa trạm y tế xã.

Tỉnh ta phấn đấu đến hết năm 2030, có 96,5% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trong đó 100% số xã có vườn cây thuốc nam, các trạm y tế xã trong tỉnh đã xây dựng vườn thuốc nam mẫu có từ 30 loại cây thuốc trở lên, thuộc 9 nhóm khác nhau theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, hiện nay còn một số vườn cây thuốc nam chưa đủ chủng loại theo quy định của Bộ Y tế, hoặc không được chăm sóc. Một số trạm y tế không có quỹ đất để xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu, cán bộ chưa được đào tạo cơ bản kiến thức chuyên môn về y học cổ truyền...

Ngành Y tế đang phối hợp với các địa phương trong việc bố trí quỹ đất xây dựng và mở rộng vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, khuyến khích việc sưu tầm, trồng, chăm sóc và nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc từ dược liệu vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, giúp các trạm y tế thực hiện hiệu quả tiêu chí khám, chữa bệnh phục hồi chức năng và y học cổ truyền trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Bài, ảnh: Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/duy-tri-vuon-cay-thuoc-nam-tai-cac-tram-y-te-EhXT45iNR.html