Duyên nghiệp của ông Ba Dân

Rồi rong ruổi với đôi chân khập khiễng trên những con đường đầy khói bụi chốn thị thành, không được trả lương, cũng chẳng cần ai khen, ông cứ đội nắng, đội mưa cặm cụi vá từng 'ổ voi', 'ổ gà' với mong muốn đem lại an toàn cho người tham gia giao thông. Ông là Nguyễn Hồng Dân, ngụ tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, nổi tiếng với công việc vá đường tình nguyện.

Mệnh lệnh từ trái tim

Không khó để tìm được ông Dân dù chưa một lần gặp mặt. Người ta bảo cứ xách xe chạy lòng vòng trên địa bàn quận Bình Thủy, nếu thấy người đàn ông bị tật một chân đang giặm, vá những lỗ hổng trên đường thì đó chính là ông Ba Dân. Chưa tìm đã gặp, tình cờ đi làm về trên đường Nguyễn Duy Tân, đoạn rẽ từ Lê Hồng Phong ra Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, tôi nhìn thấy ông với dáng người khắc khổ, bên cạnh là chiếc xe ba gác chở ít vật liệu xây dựng và một bảng hiệu nhỏ ghi dòng chữ “Đang vá đường, xin đi chậm”.

Tấp xe vào vỉa hè, tôi vội chạy đến phụ ông xách thùng nhựa đường còn nóng hổi, bởi với đôi chân không lành lặn của ông thì việc đó hơi khó khăn và có phần nguy hiểm. “Cảm ơn cô”, ông Dân nhẹ nhàng nói. Tiếng cảm ơn theo phép lịch sự được cất lên từ một con người mà chính những người thường xuyên đi qua con đường này cần phải cảm ơn khiến cho tôi càng thêm trân trọng ông.

 Ông Ba Dân một đoạn đường xuống cấp ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Ông Ba Dân một đoạn đường xuống cấp ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Qua trò chuyện, tôi được biết quê của ông Ba Dân ở Nông trường Sông Hậu nhưng gia đình không có đất đai, ruộng vườn nhiều nên hơn 10 năm qua, hai vợ chồng ông cứ nay đây mai đó để mưu sinh bằng nghề bán vé số và vài món đồ lặt vặt phục vụ những người cùng xóm trọ. “Lúc trước tôi ở trên Bình Dương, sau về Kiên Giang rồi qua ở Cần Thơ được gần hai năm nay. Quá trình đi bán vé số, thấy đoạn đường nào bị hư hỏng là tôi dành tiền để vá. Cũng chẳng nhớ là vá được bao nhiêu "ổ gà", "ổ voi" và ở những đường nào nữa, cứ có tiền là mua vật liệu làm thôi”, ông Dân cho biết.

Khi tôi hỏi ông làm nghề vá đường được lâu chưa và vì sao lại làm công việc này, ông Dân dí dỏm: “Không phải nghề mà là nghiệp cô ạ. Nghề thì phải kiếm ra tiền, còn nghiệp giống như cái số nó vận vào người, chẳng ai bảo, ai bắt mà mình cũng cứ làm và làm một cách nhiệt tình”. Cũng theo ông Dân, khi chứng kiến nhiều người bị tai nạn, thậm chí tử vong vì những "ổ voi", "ổ gà" trên đường, ông đã tình nguyện vá lại những chỗ hư hỏng ấy để góp phần giúp bà con đi lại được an toàn.

“Trước đây, sau khi tai nạn được giải quyết xong, tôi chỉ tìm đất, đá quanh đó để giặm tạm. Dần dần thành thói quen, rồi những hình ảnh tai nạn thương tâm cứ ám ảnh mãi nên tôi đã quyết định đầu tư một chiếc xe ba gác, mua vật liệu, làm bài bản hơn”, ông Dân chia sẻ.

Không có kiến thức về xây dựng, ông Dân suy nghĩ, nếu mình làm không đúng kỹ thuật thì chỗ vá sẽ nhanh hỏng, vừa tốn tiền lại uổng phí công sức mà hiệu quả không cao. Do vậy, kết hợp lúc đi bán vé số, ông học hỏi thêm kinh nghiệm của người dân và những công nhân xây dựng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉ một thời gian ngắn, ông đã thành thạo công việc này, bảo đảm vá chỗ nào chắc chỗ đó. Ông Dân hồ hởi: “Về cơ bản thì kỹ thuật trộn hồ, bê tông cũng không khó lắm, cứ theo tỷ lệ mà làm. Ngoài ra, tôi còn có cách vá độc đáo bằng dầu đỏ và nhựa đường loại phế thải, vừa bền chắc, vừa tiết kiệm được chi phí”.

Từ tấm vé số đến những đoạn đường lành lặn

Hơn 11 giờ trưa, người đàn ông trên 50 tuổi ấy vẫn cặm cụi, hì hục vá từng lỗ hổng trên đường. Ông Dân cho biết, thời tiết mùa này hay mưa buổi chiều, phải tranh thủ trời nắng làm cho nhanh khô. Hơn nữa, buổi trưa mật độ giao thông giảm nên thuận lợi hơn, ít gây phiền hà cho người đi đường. Nghe những lời ông nói, nhìn những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen kia khiến tôi rưng rưng cảm động. Có ai làm không công còn sợ phiền hà đến người khác! Càng cảm phục hơn khi biết được tiền mua vật liệu vá đường đều được trích từ thu nhập bán vé số của ông. “Mỗi ngày tôi bán được khoảng 200.000 tiền vé số. Nhờ vợ bán thêm lặt vặt nên cũng có tiền nuôi sống hai vợ chồng. Vậy nên mỗi tháng tôi bỏ ra được 1 triệu đồng để vá đường”, ông Dân bộc bạch.

Ông Ba Dân vá một đoạn đường xuống cấp ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Ông Ba Dân vá một đoạn đường xuống cấp ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Công việc bán vé số tương đối vất vả mà thu nhập không đáng là bao, nhưng vì tàn tật, không đi làm thuê được nên ông Ba Dân chỉ còn cách chăm chỉ ngược xuôi mong bán được càng nhiều càng tốt để có tiền trang trải cuộc sống và mua vật liệu. Vậy mới biết hành trình từ tờ vé số đến những đoạn đường lành lặn thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của người đàn ông tật nguyền ấy.

“Nhiều lúc đi qua nhìn thấy ông Ba Dân làm dưới trời nắng chang chang mà thương quá. Khối người lành lặn, đầy đủ điều kiện mà không làm được vậy. Cũng nhờ có ông Ba Dân mà nhiều đoạn đường hư hỏng nhỏ được sửa chữa, bà con đi lại dễ dàng hơn. Thật khâm phục tinh thần và hành động của ông ấy”, bà Nguyễn Thị Liễu, phường Trà An, quận Bình Thủy chia sẻ.

Còn ông Tăng Giang Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Trà Nóc cho biết: “Ngân sách nhà nước còn có hạn, do vậy hành động của ông Dân rất được địa phương trân trọng và hoan nghênh. Ông đã góp phần cùng với Nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng thực hiện tốt công tác bảo trì, sửa chữa đường sá, giảm tai nạn cho người tham gia giao thông”.

Xong việc, tôi theo chân ông về xóm trọ. Căn phòng nhỏ hẹp, bên trong chẳng có thứ gì ngoài mấy đồ gia dụng cũ kỹ. Vợ ông, bà Ngô Thị Phường nhìn tôi nở một nụ cười thân thiện. Với chiếc máy ảnh trên tay, bà đã đoán được tôi là ai. “Cháu nhà báo xem đấy, nhà thì chẳng có gì, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn, thế mà cái ông dở hơi ấy lại cứ dành tiền đi vá đường cho thiên hạ”, bà cười rồi tiếp lời: “Nói chơi với cháu thế thôi, chứ mình nghèo tiền nghèo bạc nhưng không được nghèo nhân cách. Chồng mình làm việc có ích thì mình phải ủng hộ chứ. Đấy, nhiều lúc không có tiền mua vật liệu, tôi còn phải phụ thêm cho”. Đúng là tuy gia cảnh họ chẳng có gì nhưng có những thứ mà nhiều người mơ ước, đó là sự đồng cảm và niềm hạnh phúc.

Ông Ba Dân đầu tư một chiếc xe ba gác, mua vật liệu để vá những chỗ đường xuống cấp ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Ông Ba Dân đầu tư một chiếc xe ba gác, mua vật liệu để vá những chỗ đường xuống cấp ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Theo ông Dân, không chỉ được vợ con ủng hộ, nhiều người dân biết được hoàn cảnh và việc làm của ông cũng hết lòng giúp đỡ. Có người thì phụ ông làm, người mua vé số ủng hộ, thậm chí có người đưa tiền với danh nghĩa đóng góp để vá đường. “Ban đầu tôi không định nhận bởi sợ có người hiểu lầm là lấy tiền vì mục đích khác. Nhưng khi thấy sự chân thành của các nhà hảo tâm thì mình không nỡ từ chối. Với lại việc mình làm người biết, trời biết, tôi mà làm gian thì trời phạt. Hơn nữa, làm như vậy thì hổ thẹn với lòng lắm, cảm thấy có lỗi với họ, có tội với những người bị tai nạn vì "ổ voi", "ổ gà”, ông Dân nghiêm nghị.

Bên cạnh những hành động chung tay cũng không ít người qua đường cho rằng ông làm chuyện bao đồng, thân mình tàn tật không lo nổi lại đi lo cho thiên hạ hoặc có suy nghĩ việc đó là của Nhà nước. “Tôi cũng chẳng trách, bởi họ có cái lý riêng của họ. Nhưng trong xã hội này, tôi luôn tin và nhìn vào những điều tốt đẹp. Được làm điều mình thích mà việc ấy lại có ích cho cộng đồng thì đáng để làm lắm chứ”, ông Dân cười đôn hậu.

Ba người con đã yên bề gia thất. Có lẽ đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng ông Ba Dân dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. “Mỗi khi vá lành một đoạn đường hư hỏng, tôi thấy vui lắm, cứ nghĩ đường tốt rồi sẽ không có người té xe nữa mà nhẹ cả lòng. Cũng nhờ vậy mà tâm trạng tôi lúc nào cũng phấn chấn, quên đi cái nghèo, cái khổ luôn bủa vây. Người ta cứ bảo tôi giúp đời, giúp người chứ thực ra tôi cũng đang tự giúp mình đấy. Vậy nên còn khỏe, còn làm được thì tôi vẫn làm thôi. Có lẽ nghiệp vá đường đến với tôi bởi một chữ duyên rồi gắn liền với phần đời còn lại bằng một chữ nợ mà kiếp này tôi phải trả cho xong”, ông Dân chia sẻ. Những lời bộc bạch ấy nghe đơn giản mà sâu sắc, khiến cho người ta phải suy ngẫm. Họ tàn tật nhưng tấm lòng họ sáng, trong khi biết bao kẻ bề ngoài hào nhoáng lại khiếm khuyết về nhân cách, tinh thần. Tôi mạn phép được ví ông Ba Dân như một bông hoa kém sắc nhưng mang đến cho đời hương thơm ngào ngạt.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-13/duyen-nghiep-cua-ong-ba-dan-691172