Ðể di tích đồng hành với phát triển du lịch

Hiếm có địa phương nào như quê hương xứ Thanh lại phong phú, đa dạng, đầy đủ về các loại địa hình từ miền non cao, trung du đến đồng bằng, miền biển. Nếu như các Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân); Bà Triệu (Hậu Lộc) đại diện cho vùng đồng bằng, trung du với những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thì nơi miền biển độc đáo với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn và nơi miền núi huyện Thạch Thành nổi bật với Di tích khảo cổ học hang Con Moong - chứa đựng tầng sâu lịch sử, văn hóa của loài người. Mỗi di tích mang trong mình những giá trị riêng, độc đáo, để rồi Thanh Hóa đã và đang phát huy các giá trị để di tích song hành cùng sự phát triển quê hương, đất nước.

Đền Độc Cước thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn - địa điểm tâm linh thu hút du khách.

Đền Độc Cước thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn - địa điểm tâm linh thu hút du khách.

Điểm đến tâm linh hấp dẫn ở thành phố biển

Thành phố biển Sầm Sơn với những cảnh quan thiên nhiên, bãi biển đẹp nổi tiếng lại được sự quan tâm, đầu tư hạ tầng, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng đã tạo nên thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2019. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn là địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử - văn hóa. Nơi đây có sự đa dạng về sinh học, gồm: núi Trường Lệ, đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên... là những điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn của Sầm Sơn.

Về thành phố biển Sầm Sơn, thăm đền Độc Cước - ngôi đền cổ nằm trên dãy núi Trường Lệ (phường Trường Sơn) nơi thờ vị thần đã tự xẻ đôi thân mình, một nửa ra biển tiêu diệt loài thủy quái, một nửa ở lại đất liền để bảo vệ cho dân chài Sầm Sơn; thăm hòn Trống Mái gắn liền với huyền thoại về mối tình thủy chung, sống chết bên nhau của cặp vợ chồng trẻ; thăm đền Thái úy Tô Hiến Thành, thờ một vị tướng giỏi cũng là vị quan thanh liêm chính trực... Đặc biệt, đền Cô Tiên trên dãy núi Trường Lệ là địa điểm tâm linh, vinh dự được đón Bác Hồ nghỉ chân và làm việc năm 1960 khi Người về thăm Sầm Sơn. Có thể nói, cùng với du lịch biển, các lễ hội truyền thống độc đáo gắn với các di tích lịch sử văn hóa đã góp phần đưa Sầm Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Những năm qua, với mục tiêu xây dựng Sầm Sơn theo định hướng đô thị du lịch biển thông minh, hấp dẫn, thân thiện; là trung tâm vui chơi, giải trí cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe dẫn đầu khu vực phía Bắc Trung bộ, TP Sầm Sơn đã chủ động, linh hoạt triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các phương án sắp xếp và quản lý dịch vụ, thương mại, du lịch. Thành phố đã thực hiện Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, Sầm Sơn còn có nhiều lễ hội hấp dẫn như: Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy, Lễ hội Cầu Ngư - Bơi Trải, Lễ hội Cầu Phúc và Lễ hội du lịch biển thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Năm 2023, Sầm Sơn đón hơn 7,9 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Năm 2024, Sầm Sơn phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách; phục vụ 16.500.000 ngày khách, doanh thu du lịch ước đạt 15.725 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng của năm 2024, thành phố du lịch Sầm Sơn đón được hơn 8,5 triệu lượt khách, bằng 111,6% so với cùng kỳ, đạt 100,9% so với kế hoạch đề ra.

Hang Con Moong - Di chỉ khảo cổ học ở khu vực miền núi

Trên hành trình về với miền di sản, ngược ngàn miền Tây xứ Thanh điểm đến của chúng tôi là huyện Thạch Thành. Là huyện miền núi thấp, có 2 dân tộc Mường, Kinh cùng sinh sống, có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là vùng đất còn lưu giữ và bảo tồn được nhiều giá trị tiêu biểu về văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Đặc biệt, Thạch Thành là vùng đất cổ, nơi xuất hiện dấu vết cư trú của người tiền sử tại Di chỉ khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận. Nơi đây được các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá là một trong số di chỉ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đồng thời, mảnh đất này chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ hậu kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới, với điển hình nổi bật từ việc định cư truyền thống của loài người cùng bước phát triển từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt sơ khai, chuyển từ hang động ra cư trú ngoài trời, tạo bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển văn minh nhân loại. Chặng đường phát triển tương ứng với các nền văn hóa nguyên thủy trên đất Việt Nam: Văn hóa Sơn Vi - Văn hóa Hòa Bình - Văn hóa Bắc Sơn. Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong và địa tầng của nó là chìa khóa để tìm hiểu diễn trình lịch sử văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với hệ thống các di tích khu vực Cúc Phương và trong khu vực Đông Nam Á.

Hang Con Moong được đánh giá là một trong số hiếm di chỉ khảo cổ học, có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Hang Con Moong được đánh giá là một trong số hiếm di chỉ khảo cổ học, có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Đồng chí Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Năm 2007, hang Con Moong được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với ý nghĩa khoa học, giá trị lịch sử văn hóa vô cùng to lớn, hang Con Moong và các di tích phụ cận được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 31/12/2015. Hang Con Moong đặt trong quần thể của Vườn quốc gia Cúc Phương, với “thiên thời, địa lợi”, còn nguyên vẹn, hoang sơ và kỳ bí là một trong những điều kiện thuận lợi để UNESCO xem xét, công nhận trở thành di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, cuộc sống của cư dân bản địa là dân tộc Mường, với những nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, giao tiếp sẽ là một trong những “điểm nhấn” để thu hút khách du lịch. Trong những năm qua, các di tích quan trọng được bảo vệ an toàn tuyệt đối, không bị lấn chiếm xâm hại. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, làm lan tỏa các giá trị tiêu biểu của di tích, qua đó giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước. Đến nay, huyện Thạch Thành đã hoàn thành việc cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích; lắp đặt biển giới thiệu và bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích theo hồ sơ xếp hạng và bản đồ Quy hoạch di tích; cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch di tích vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Thạch Thành đến năm 2030. Đồng thời huyện đã đầu tư ngân sách huyện cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa xây dựng hoàn thành 2 tuyến đường giao thông nối Quốc lộ 217B đến di tích và đi Vườn quốc gia Cúc Phương, qua đó đã phục vụ phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống Nhân dân khu vực di tích.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/de-di-tich-dong-hanh-voi-phat-trien-du-lich-33273.htm