Ðể dịch bệnh không còn là nỗi lo
Tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27-3-2024, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 75% dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam còn là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng… Cho thấy, dịch bệnh từ động vật lây sang người hết sức nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta cần có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu cả trước mắt cũng như lâu dài.
Lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều đại dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó một số căn bệnh đã có phương thuốc điều trị hoặc vắc xin phòng bệnh. 20 năm qua, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Trong số đó, hầu hết là bệnh lây truyền từ động vật sang người, như SARS, cúm gia cầm A(H5N1), dịch hạch, đại dịch cúm A(H1N1), MERS-CoV, Ebola… và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. Riêng tại Việt Nam, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân như bệnh dại, cúm A(H5N1), bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh than... Đặc biệt, tình hình bệnh dại tại Việt Nam thời gian qua diễn biến rất phức tạp, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong công tác phòng dịch do nhiều nguyên nhân. Đó là nguy cơ thiếu vắc xin phòng dịch do nguồn cung giảm; kinh phí phòng, chống dịch bệnh không đủ đáp ứng so với nhu cầu thực tế; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên chó, mèo đạt thấp do ý thức người dân về phòng bệnh cho vật nuôi hạn chế… Việt Nam lại có đường biên giới kéo dài; chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến; tình trạng chó, mèo chưa được tiêm phòng, thả rông không đeo rọ mõm chưa được kiểm soát… nên cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi trong phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Những năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp cùng sự tham gia của các cấp chính quyền, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, để phòng, chống và kiểm soát triệt để các dịch bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân.
Thực tế trên đòi hỏi, để ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh từ động vật sang người, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của 2 ngành y tế và nông nghiệp - nông thôn, thì các cấp chính quyền cần triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và sự tham gia với tinh thần chủ động, trách nhiệm của cộng đồng. Nhất là, phải khai thác triệt để lợi thế của truyền thông, bởi truyền thông được triển khai sớm, đi trước một bước không chỉ giúp công tác chỉ đạo, điều hành về phòng chống dịch bệnh tốt hơn mà còn góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch ở cấp cơ sở cũng như nhận thức người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/155788/de-dich-benh-khong-con-la-noi-lo